Trong 2 tháng cuối năm, tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp các ngành, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 cao nhất có thể, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực trong tháng 11 như sau:
I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN
1. Nông nghiệp
1.1. Trồng trọt
a) Cây lương thực có hạt
Trong tháng gieo trồng 12 ha, sản lượng thu hoạch 55 tấn; ước tính đến cuối tháng 11/2020 gieo trồng 139.417 ha, đạt 80,1% kế hoạch, sản lượng thu hoạch 800.071 tấn; trong đó: cây lúa gieo sạ 136.032 ha, thu hoạch 132.504 ha, sản lượng thu hoạch 787.865 tấn.
Cây ngô: Trong tháng gieo trồng 12 ha. Mười một tháng gieo trồng 3.385 ha, đạt 86,2% kế hoạch, giảm 14% so cùng kỳ; năng suất thu hoạch quy thóc 36,1 tạ/ha với sản lượng quy thóc 12.206 tấn, đạt 86,2% kế hoạch, giảm 9,8% so cùng kỳ chủ yếu do diện tích gieo trồng giảm.
b) Cây rau đậu các loại
Trong tháng gieo trồng 312 ha, thu hoạch 3.922 ha với sản lượng 80.389 tấn. Lũy kế 11 tháng gieo trồng 51.253 ha, đạt 88,8% kế hoạch, giảm 11,2% so cùng kỳ; thu hoạch 49.342 ha với sản lượng 994.698 tấn, đạt 85,6% kế hoạch, giảm 5,1% so cùng kỳ, trong đó: rau các loại 51.040 ha, thu hoạch 49.140 ha với sản lượng 994.102 tấn.
1.2. Chăn nuôi
Ước thời điểm 01/11/2020 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 119,5 ngàn con, giảm 0,8%; đàn lợn 263 ngàn con, giảm 28,1%; đàn gia cầm 17,6 triệu con (không kể chim cút), tăng 14,2% so cùng kỳ.
* Tình hình dịch bệnh:
- Trên gia cầm: trong tháng có 1 trường hợp dương tính với vi-rút cúm A/H5N1 trên đàn gà tại Thị xã Gò Công với tổng đàn 2.000 con; trong đó: đã tiêu hủy 340 con gà bệnh và chết. Lũy kế đến nay, có 4 trường hợp dương tính vi-rút cúm A/H5N1 trên đàn gà tại huyện Cai Lậy và thị xã Gò Công với tổng đàn 3.000 con; trong đó gà bệnh và chết được tiêu hủy dưới sự giám sát của chính quyền địa phương là 1.069 con
- Trên gia súc:
+ Dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM): trong tháng có 1 trường hợp lợn mắc bệnh LMLM tại cơ sở giết mổ trên địa bàn Thị xã Gò Công, đã tiêu hủy với khối lượng 100 kg. Lũy kế đến nay có 8 trường hợp bò, lợn mắc bệnh LMLM tại 3 huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công và huyện Tân Phú Đông với tổng đàn 22 con bò và 4 con heo; đã tiêu hủy 9 con bò, trọng lượng 2.136 kg và 1 con lợn trọng lượng 100kg.
+ Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP): trong tháng có 19 trường hợp lợn mắc bệnh DTLCP trên địa bàn huyện Cái Bè, Tân Phước, Gò Công Tây và Tân Phú Đông với tổng đàn 449 con; trong đó đã tiêu hủy 355 con, trọng lượng 17.231 kg. Lũy kế đến nay, có 40 trường hợp lợn mắc bệnh DTLCP tại 20 xã/8 huyện với tổng đàn 950 con; trong đó đã tiêu hủy 756 con, trọng lượng 30.098 kg. Ngày 11/11/2020, Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông đã có quyết định số 2621/QĐ-UBND về việc công bố dịch bệnh DTLCP trên địa bàn xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông.
2. Lâm nghiệp
Tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh đến 01/11/2020 là 1.908 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), bao gồm: rừng phòng hộ 1.339 ha, rừng sản xuất 569 ha. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Ước tháng 11/2020, toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 4,6 ngàn cây phân tán, nâng tổng số cây trồng 645,9 ngàn cây các loại, so cùng kỳ tăng 1,5%. Những cây trồng mới chủ yếu là cây bạch đàn, tràm bông vàng lấy bóng mát, để chắn bụi, gió cặp theo các tuyến đường đi, tuyến kênh, bờ đê ở huyện Tân Phước, Gò Công Đông.
3. Thủy hải sản
Trong tháng, thủy sản các loại thả nuôi 432 ha, tăng 7,3% so cùng kỳ; lũy kế 11 tháng thả nuôi 15.758 ha, đạt 100,4% kế hoạch và giảm 3% so cùng kỳ; thủy sản nước ngọt nuôi 5.040 ha, giảm 9,3% so cùng kỳ do giá nhiều loại thủy sản vẫn ở mức thấp, trong đó giá cá tra bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19; nhiều doanh nghiệp chế biến cá bị hoãn, hủy hoặc không có đơn hàng mới; thủy sản nước mặn, lợ nuôi 10.718 ha, tăng 0,3% so cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu do thời tiết thích hợp cho các hộ nuôi tôm thâm canh và quảng canh, tình hình dịch bệnh ổn định.
Sản lượng thủy sản trong tháng thu hoạch 24.693 tấn, giảm 1,1% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng thu hoạch 291.219 tấn, đạt 94,7% kế hoạch, giảm 5% so cùng kỳ; trong đó sản lượng thu hoạch từ nuôi 157.828 tấn, đạt 91,4% kế hoạch, giảm 5,3% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 133.391 tấn, đạt 99% kế hoạch, giảm 4,6% so cùng kỳ.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2020 tăng 6,2% so với tháng trước, do một số ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu của tỉnh như: sản xuất trang phục tăng 24,3%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,2%... so tháng trước (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,47%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,1%) và tăng 3,9% so cùng kỳ. Các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh có chỉ số tăng so cùng kỳ, như: sản xuất trang phục tăng 36%, sản xuất thiết bị điện tăng 73,8%... (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,9%).
Lũy kế 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,6% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%.
* Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:
- Chỉ số tiêu thụ tháng 11/2020 so với tháng trước tăng 2,4% và giảm 16,7% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 11 năm 2020 giảm 22,5%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: dệt tăng 1,4%; sản xuất trang phục tăng 12,7%; sản xuất kim loại tăng 10,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 56,5%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 38,5%; sản xuất đồ uống giảm 6,4%; sản xuất da giảm 32,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 22,9%…
- Chỉ số tồn kho tháng 11/2020 so với tháng trước tăng 10,1% và so với cùng kỳ tăng 22,7%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 21,3%; sản xuất đồ uống tăng 7,4%; sản xuất trang phục tăng 65%; sản xuất kim loại tăng 7,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 27,68%; công nghiệp chế biến chế tạo khác bằng gấp 3,6 lần... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ là: dệt giảm 17,5%; sản xuất da giảm 12%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 34,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 14,1%...
* Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:
- Khu công nghiệp: trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Lũy kế, đến 11/2020 các Khu công nghiệp đã thu hút được 108 dự án đầu tư; trong đó: có 77 dự án đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư là 53.883 tỷ đồng; trong đó: vốn đầu tư nước ngoài là 2.316 triệu USD. Diện tích đất cho thuê của các doanh nghiệp 562/758 ha, đạt 74% diện tích đất 3 Khu công nghiệp.
- Cụm công nghiệp: trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 7 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 5.627 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 88,7/120,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 73,4% của 5 Cụm công nghiệp đang hoạt động.
III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG
Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng là 702 tỷ đồng, tăng 53,2% so cùng kỳ. Mười một tháng thực hiện 4.820 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch, tăng 67,4% so cùng kỳ. Để đạt và vượt kế hoạch giải ngân năm 2020, các ngành các cấp chủ động đẩy nhanh tiến độ đầu tư công cũng như khối lượng giải ngân của các công trình dự án; hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động. Để bảo đảm chất lượng thi công, các Ban Quản lý dự án phối hợp chặt chẽ cùng nhà thầu tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng gắn với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 3.624 tỷ đồng, đạt 80,3% kế hoạch, tăng 59% so cùng kỳ, chiếm 75,2% tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 752 tỷ đồng, tăng 96,2%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 1.404 tỷ đồng, tăng 19,4% so cùng kỳ... Các ngành các cấp yêu cầu các ban quản lý chủ đầu tư tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 813 tỷ đồng, đạt 179,4% kế hoạch, tăng 118,8% so cùng kỳ, chiếm 16,9% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 397 tỷ đồng, tăng 246,4% so cùng kỳ... Các địa phương có khối lượng thực hiện so với kế hoạch đạt cao như: thị xã Gò Công, huyện Chợ Gạo… Các ban quản lý dự án huyện hoàn thành hồ sơ, khẩn trương thi công, nhất là công trình trọng điểm nhằm phục vụ, chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 383 tỷ đồng, đạt 98,8% kế hoạch, tăng 67,7% so cùng kỳ, chiếm 7,9% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 279 tỷ đồng, tăng 53% so cùng kỳ... Các xã tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới năm 2020 nhằm phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân đồng thời hoàn thành tiêu chí để ra mắt xã nông thôn mới.
IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ
1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 6.292 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 18,5% so cùng kỳ. Mười một tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 58.544 tỷ đồng, đạt 86,1% kế hoạch, tăng 3,3% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 47.582 tỷ đồng, tăng 6%; lưu trú 46 tỷ đồng, giảm 60%; ăn uống 5.216 tỷ đồng, giảm 11,4%; du lịch lữ hành 28 tỷ đồng, giảm 74,2%; dịch vụ tiêu dùng khác 5.672 tỷ đồng, tăng 0,2% so cùng kỳ.
Hoạt động xúc tiến thương mại trong tháng: Sở Công thương tỉnh đã Tổ chức triển khai Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” vào ngày 13/11/2020 tại xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang với tổng chi phí thực hiện là 80 triệu đồng. Sở đang xây dựng dự thảo Kế hoạch dự trữ cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
2. Xuất - Nhập khẩu
a) Xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 258 triệu USD; trong đó: kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 197 triệu USD. Mười một tháng xuất khẩu 2.718 triệu USD, đạt 79,9% kế hoạch, giảm 4,7% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 49 triệu USD, tăng 121,1%; kinh tế ngoài nhà nước 563 triệu USD, giảm 11,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.106 triệu USD, giảm 4,1% so cùng kỳ.
Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:
- Thủy sản: ước tháng 11/2020 xuất 10.900 tấn với trị giá 25 triệu USD. Mười một tháng xuất 107.556 tấn, giảm 14%; về trị giá đạt 255 triệu USD, giảm 22,7% so cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất khẩu đã giảm khoảng 60% - 70%. Mặt khác, do ảnh hưởng của hạn, mặn nên dẫn đến chi phí nuôi cá tra tăng, việc cạnh tranh làm giá bán mặt hàng cá tra giảm. Điều này đã tác động trở lại thị trường trong nước khi từ giữa tháng 3 giá cá tra nguyên liệu có dấu hiệu chững lại. Giá bán buôn cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long hiện dao động trong khoảng 18.000 - 18.500 đồng/kg đối với cá tra loại 1, đây là mức giá thấp nhất trong 10 năm qua.
- Gạo: ước tháng 11/2020 xuất 18.281 tấn với giá trị đạt 13,7 triệu USD. Mười một tháng xuất 219.705 tấn, tăng 68,9%, giá trị đạt 118.072 triệu USD, tăng 96,1% so cùng kỳ. Trái ngược với xu hướng giảm của nhiều các mặt hàng thuộc nhóm nông sản do ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu mặt hàng gạo đã tăng mạnh sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1/5. Đây chính là tiền đề để nhiều doanh nghiệp lúa gạo khôi phục sản xuất, đàm phán hợp đồng và tăng xuất khẩu. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã mang lại những cơ hội tốt cho gạo Việt.
- May mặc: ước tháng 11/2020 xuất giá trị 35,9 triệu USD; mười một tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 506 triệu USD, giảm 5% so cùng kỳ. Ngành may mặc chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 rất lớn như việc nhập nguyên liệu cũng như xuất hàng gặp khó khăn. Để duy trì hoạt động sản xuất, doanh nghiệp đã tìm các đơn hàng sản xuất sản phẩm trong mùa dịch như may khẩu trang, đồ bảo hộ phục vụ y tế… để công nhân có thể tiếp tục làm việc.
Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá xuất khẩu một số mặt hàng trong 11 tháng năm 2020 như: hàng rau quả xuất 22,5 triệu USD, giảm 41,3%; sản phẩm mây, tre, cói, thảm xuất 6,5 triệu USD, giảm 28,8%; giày dép các loại 414 triệu USD, tăng 0,7%; xơ, sợi dệt các loại 98,3 triệu USD, tăng 83,8%; sản phẩm từ chất dẻo 181,3 triệu USD, tăng 36,8%... so cùng kỳ.
b) Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11/2020 đạt 104 triệu USD, chủ yếu ở thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Mười một tháng, kim ngạch nhập khẩu 1.338 triệu USD, đạt 66,9% kế hoạch, giảm 27,6% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập 92 triệu USD, giảm 18,1%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 1.246 triệu USD, giảm 28,2% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu 11 tháng chủ yếu các mặt hàng như vải các loại 173 triệu USD, tăng 4,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 220 triệu USD, giảm 37,8%; kim loại thường khác 488 triệu USD, tăng 18,2%... so cùng kỳ.
3. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 tăng 0,22% so tháng 10/2020 (thành thị tăng 0,22%, nông thôn tăng 0,23%); so cùng kỳ tăng 2,49%. So với tháng 10/2020, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 7 nhóm hàng tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,6%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,17%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03% và hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%. Có 2 nhóm giảm giá: giao thông giảm 0,67%; bưu chính viễn thông giảm 0,26%. Tháng 11/2020, có 2 nhóm hàng chỉ số giá ổn định: đồ uống thuốc lá và nhóm giáo dục.
Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2020 tăng so tháng 10/2020:
- Giá gạo tháng 11/2020 tăng 1,2% so với tháng 10/2020 do nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu cuối năm tăng, tác động nhóm lương thực trong tháng tăng 1,09%, góp phần tác động đến CPI chung tăng 0,05%.
- Do ảnh hưởng thời tiết mưa bão vừa qua làm cho sản lượng rau xanh thu hoạch giảm, không đủ đáp ứng nhu cầu trên thị trường, tác động giá bán lẻ rau xanh tại các chợ tăng 8,7% so với tháng trước, góp phần tác động đến CPI chung tăng 0,23%.
- Từ ngày 01/11/2020 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 19.000 đồng/bình 12kg, tăng 6,94% do giá gas thế giới tăng 57,5 USD/tấn so tháng 10/2020; giá dầu hoả bình quân trong tháng tăng 83 đồng/lít, tăng 0,87% so với tháng trước. Tác động nhóm gas và chất đốt khác tăng 6,43%, góp phần tác động đến CPI chung tăng 0,09%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng có chỉ số giá giảm nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:
- Giá thịt lợn giảm 1,36% so với tháng trước do tình hình dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng dẫn đến sức mua giảm, làm cho giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ giảm.
- Giá thịt gia cầm các loại giảm 1,27% so với tháng trước do nguồn cung trong nước dồi dào.
- Hiện nay tại địa phương thời tiết đang vào mùa lạnh, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt của người dân tháng này ít hơn tháng trước, dẫn đến giá điện, nước bình quân trong tháng giảm lần lượt là: 1,39% và 0,15%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2020 so cùng kỳ tăng 3,51%. Một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhiều trong 11 tháng năm 2020 so cùng kỳ như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 10,24%; nhóm giáo dục tăng 6,17%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,32%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,52%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,46%... do trong 11 tháng đầu năm 2020 bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn ra ở phạm vi rộng, ảnh hưởng đến tâm lý đến người tiêu dùng e ngại dùng thịt lợn nên chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác như: thịt bò, gia cầm, thuỷ sản… tác động nhóm thực phẩm bình quân 11 tháng đầu năm so cùng kỳ tăng 12,56% so bình quân cùng kỳ.
Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 11/2020 tăng 1,05% so tháng trước, tăng 29,8% so cùng kỳ; giá vàng bình quân tháng 11/2020 là 5.409 ngàn đồng/chỉ, tăng 1.242 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 11/2020 giảm 0,04% so tháng trước và tăng 0,03% so cùng kỳ; giá bình quân tháng 11/2020 là 23.270 đồng/USD, tăng 7 đồng/USD so cùng kỳ.
4. Du lịch
Trong tháng 11, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các đợt bão và áp thấp nhiệt đới liên tục xuất hiện gây mưa nhiều tác động mạnh đến hoạt động du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Khách du lịch đến trong tháng 11/2020 được 47,9 ngàn lượt khách, tăng 6% so tháng trước và giảm 72,5% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 1.353 lượt khách, giảm 97,6% so cùng kỳ. Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 11 đạt 1.140 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và giảm 1,4% so cùng kỳ.
Tính chung mười một tháng, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 697,2 ngàn lượt khách, đạt 31,7% kế hoạch và giảm 62,2% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 98,7 ngàn lượt khách, đạt 11% kế hoạch, giảm 83,3% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác đạt 10.962 tỷ đồng, giảm 6,9% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng 47,6%, ước đạt 5.216 tỷ đồng, giảm 11,4%; lưu trú đạt 46 tỷ đồng, giảm 60% so cùng kỳ...
5. Vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 167 tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước và giảm 20,9% so cùng kỳ. Mười một tháng thực hiện 1.820 tỷ đồng, giảm 18,1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 518 tỷ đồng, giảm 27,3%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 1.113 tỷ đồng, giảm 14,8% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 881 tỷ đồng, giảm 22,3%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 749 tỷ đồng, giảm 15,2%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 189 tỷ đồng, giảm 6,6% so cùng kỳ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài, quy mô xảy ra trên diện rộng, tác động đến hầu hết kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hoạt động vận tải.
a) Vận tải hành khách
Trong tháng đạt 2.811 ngàn hành khách, tăng 2% so tháng trước và giảm 11,3% so cùng kỳ; luân chuyển 53.663 ngàn hành khách.km, tăng 2,7% so tháng trước và giảm 22,3% so cùng kỳ. Mười một tháng, vận chuyển 31.326 ngàn hành khách, giảm 22,5% so cùng kỳ; luân chuyển 552.495 ngàn hành khách.km, giảm 26,5% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 13.500 ngàn hành khách, giảm 16,6% và luân chuyển 526.858 ngàn hành khách.km, giảm 25,5% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 17.826 ngàn hành khách, giảm 26,4% và luân chuyển 25.637 ngàn hành khách.km, giảm 43,4% so cùng kỳ.
b) Vận tải hàng hóa
Trong tháng đạt 959 ngàn tấn, tăng 1,4% so tháng trước và giảm 18,5% so cùng kỳ; luân chuyển 122.914 ngàn tấn.km, tăng 1,1% so tháng trước và giảm 22,7% so cùng kỳ. Mười một tháng, vận tải 10.461 ngàn tấn hàng hóa, giảm 17,2% so cùng kỳ; luân chuyển 1.354.925 ngàn tấn.km, giảm 18,5% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 2.317 ngàn tấn, giảm 20,1% và luân chuyển 278.327 ngàn tấn.km, giảm 26,3% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 8.144 ngàn tấn, giảm 16,3% và luân chuyển 1.076.598 ngàn tấn.km, giảm 16,1% so cùng kỳ.
6. Bưu chính viễn thông
Doanh thu trong tháng 11/2020 đạt 255 tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước và tăng 6,4% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 22 tỷ đồng, tăng 1,2% và viễn thông 232 tỷ đồng, tăng 0,9% so tháng trước. Mười một tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 2.786 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 234 tỷ đồng, tăng 29,7% và viễn thông 2.552 tỷ đồng, tăng 7,2% so cùng kỳ.
Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 11/2020 là 104.482 thuê bao, mật độ bình quân đạt 5,9 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 11/2020 là 256.747 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 14,6 thuê bao/100 dân. Số lượng điện thoại cố định có dây, không dây tiếp tục giảm, do thị trường phát triển thuê bao dần bảo hòa dẫn đến khách hàng dần chuyển sang sử dụng điện thoại di động, trong đó chủ yếu là điện thoại di động trả trước. Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G, 4G) đến cuối tháng 10/2020 là 1.276.126 thuê bao.
V. TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
1. Tài chính
Thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 1.234 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 1.080 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 370 tỷ đồng. Mười một tháng, thu 18.443 tỷ đồng, đạt 124% kế hoạch, giảm 2,5% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 9.959 tỷ đồng, đạt 89,5% dự toán và giảm 5,3% so cùng kỳ; thu nội địa 9.751 tỷ đồng, đạt 90,2% dự toán, giảm 4,9% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 3.339 tỷ đồng, đạt 79,2% dự toán, giảm 4,4% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 1.169 tỷ đồng, đạt 83,5% dự toán, tăng 7,1% so cùng kỳ...).
Chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.400 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 500 tỷ đồng. Mười một tháng, chi 15.515 tỷ đồng, đạt 112,7% dự toán, tăng 50,5% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 4.958 tỷ đồng, đạt 110,1% dự toán, tăng 47,2% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 6.641 tỷ đồng, đạt 94,5% dự toán và tăng 21,5% so cùng kỳ.
2. Ngân hàng
Đến cuối tháng 10/2020, vốn huy động đạt 73.875 tỷ đồng, tăng 6,4%; tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 62.289 tỷ đồng (trong đó: nợ ngắn hạn chiếm 58,8%), tăng 10,6% so cuối năm 2019. Ước tính đến cuối tháng 11/2020, nguồn vốn huy động đạt 74.308 tỷ đồng, tăng 7%; tổng dư nợ đạt 62.520 tỷ đồng, tăng 11% so cuối năm 2019.
Mặt bằng lãi suất giảm mạnh so với đầu năm, lãi suất huy động tối đa bằng VND đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng; trong đó: lãi suất 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất 4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất vào các ngày 16/3, ngày 13/5 và ngày 30/9/2020.
Nợ xấu: đến cuối tháng 10/2020, số dư là 991 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,6%, tăng 0,7% so cuối năm 2019. Ước đến cuối tháng 11/2020, nợ xấu là 1.013 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,6%, tăng 0,8% so cuối năm 2019.
Hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, các chỉ tiêu đều đạt mức tăng trưởng. Một số kết quả đạt được đến cuối tháng 10/2020 so với cuối năm 2019 như sau: tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.103 tỷ đồng, tăng 85 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,4% (trong đó: vốn huy động chiếm 86,7%); tổng dư nợ cho vay đạt 824 tỷ đồng, tăng 62 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,2% (trong đó: dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 42,6%); nợ xấu: số dư 4,1 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,5%, tăng 0,3%.
* Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19:
Đến cuối tháng 10/2020, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là 9.327 tỷ đồng, trong đó: khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng chiếm 51,8%. Có 2.552 khách hàng được hỗ trợ thông qua các biện pháp như: (i) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 347 khách hàng với dư nợ được cơ cấu là 1.047 tỷ đồng; (ii) miễn giảm lãi cho 148 khách hàng với dư nợ 2.804 tỷ đồng; (iii) cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch 2.058 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 13.113 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42: hiện trên địa bàn tỉnh không phát sinh số liệu theo Nghị quyết số 42.
* Kết quả hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long:
Đến cuối tháng 10/2020, tổng dư nợ bị ảnh hưởng toàn tỉnh hơn 95 tỷ đồng, hỗ trợ thông qua các biện pháp như: (i) cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu 311 triệu đồng, (ii) miễn, giảm lãi vay với dư nợ được miễn giảm lãi 385 triệu đồng (iii) cho vay mới với doanh số cho vay lũy kế 821 tỷ đồng. Do trong quý III khu vực Nam Bộ bước vào mùa mưa, ảnh hưởng của hạn mặn giảm nhiều cả về mức độ và phạm vi, người dân có nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất nên đến nay dư nợ bị ảnh hưởng giảm hơn 95% so với lúc đỉnh điểm là tháng 3/2020 với 2.306 tỷ đồng.
VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Trong tháng, Hội đồng tư vấn tuyển chọn thẩm định 5 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN); trong đó: 1 nhiệm vụ cấp tỉnh: Nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo vệ bờ chống sạt lở và gây bồi để phát triển rừng ngập mặn tại khu vực cồn Cống, huyện Tân Phú Đông; 4 nhiệm vụ cấp cơ sở: xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Mỹ Tho” cho sản phẩm bưởi da xanh Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Dưa hấu Gò Công” cho sản phẩm dưa hấu Gò Công, tỉnh Tiền Giang; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Gò Công” cho sản phẩm gạo Gò Công, tỉnh Tiền Giang; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hướng dẫn viên du lịch tại tỉnh Tiền Giang dưới góc độ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Đến tháng 11/2020, thẩm định nội dung 25 nhiệm vụ, nghiệm thu kết thúc 12 nhiệm vụ, nghiệm thu giai đoạn 14 nhiệm vụ, triển khai 13 nhiệm vụ, công nhận kết quả 09 nhiệm vụ, nghiệm thu kết thúc 3 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2019, thẩm định nội dung và kinh phí 3 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2020.
VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động việc làm
Trong tháng, tổ chức tư vấn 3.304 lượt lao động, tăng 80,2% so cùng, trong đó: tư vấn nghề cho 639 lượt lao động, tư vấn việc làm 370 lượt lao động. Tính từ đầu năm đến nay, đã tư vấn 32.702 lượt lao động, tăng 53,9% so cùng kỳ, đạt 164% kế hoạch; trong đó: tư vấn nghề cho 5.030 lượt lao động, tư vấn việc làm 2.566 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 3.402 lượt lao động, tăng 52,4% so cùng kỳ, đạt 85% kế hoạch; và đã giới thiệu cho 1.735 lao động có được việc làm ổn định, tăng 49,6% so cùng kỳ.
Giao dịch việc làm: trong tháng tổ chức được 5 phiên, có 4 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp với nhu cầu tuyển dụng 247 lao động. Từ đầu năm đến nay, tổ chức được 21 phiên giao dịch việc làm; trong đó: có 15 phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 75% so cùng kỳ; có 25 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp với nhu cầu tuyển dụng 2.573 lao động.
Trong tháng, đã tư vấn được 77 lượt lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giảm 51,9% so cùng kỳ; đã có 62 lao động xuất cảnh, tăng 55% so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, đã tư vấn cho 625 lượt lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giảm 65,9% so cùng kỳ, có 29 lượt lao động đăng ký tham gia, giảm 87,8% so cùng kỳ; đã có 265 lao động xuất cảnh, tăng 3,9% so cùng kỳ, đạt 88,3% so kế hoạch.
Đăng ký thất nghiệp: trong tháng, tiếp nhận 1.903 người, tăng 32,5% so cùng kỳ; ban hành 2.804 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 90% so cùng kỳ với tổng số tiền chi trả tương đương 42,6 tỷ đồng, tăng 95,3% so cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã thực hiện tiếp nhận 24.267 người đăng ký thất nghiệp, tăng 65,1% so cùng kỳ, ban hành 23.166 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 61,2% so cùng kỳ, với tổng số tiền chi trả tương đương 372,8 tỷ đồng, tăng 84% so cùng kỳ; hỗ trợ học nghề cho 36 người lao động thất nghiệp; thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho 27.309 lượt lao động thất nghiệp, tăng 36,3% so cùng.
2. Chính sách xã hội
Sáng 1/11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ tiễn 30 người có công gồm thương binh, bệnh binh... tham quan thủ đô Hà Nội. Đoàn sẽ đến viếng thăm lăng Bác; gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ-TB&XH; tham quan các điểm di tích lịch sử và một số tỉnh phía Bắc. Ngoài việc lo toàn bộ chi phí của chuyến đi, UBND tỉnh còn tặng mỗi người có công trong Đoàn phần quà 1 triệu đồng. Đây là đợt thứ 2 trong năm 2020, tỉnh tổ chức đưa người có công tham quan thủ đô Hà Nội.
Vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa được 355,9 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm vận động được 9 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch, giảm 30% so cùng kỳ. Xây dựng 2 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 80 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm xây dựng được 109 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch, tương đương cùng kỳ. Sửa chữa nhà tình nghĩa: từ đầu năm đến nay được 57 căn với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch, giảm 152% so cùng kỳ.
3. Hoạt động y tế
Đến 18 giờ ngày 22/11 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đã ghi nhận 1 ca mắc mới Covid-19 là người từ Philippines được cách ly ngay khi nhập cảnh. Đó là bệnh nhân Covid-19 thứ 1.307 tại Việt Nam đã được ghi nhận. Bệnh nhân 1.307 là nam, sinh năm 1991, có địa chỉ tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, từ Philippines nhập cảnh vào Việt Nam tại Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VJ2527 và được Tiền Giang tiếp nhận cách ly ngay tại Tiểu đoàn Ấp Bắc, Trung đoàn BB924. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đã lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 lần 1 cho toàn bộ 185 công dân về từ Philippines. Kết quả xét nghiệm Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phản hồi có 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đây là bệnh nhân Covid-19 thứ 2 được ghi nhận tại Tiền Giang, đều là công dân Việt Nam nhập cảnh và được cách ly ngay tại Trường Quân sự địa phương cũ. Ngay khi nhận thông tin từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân 1.307 được chuyển đến cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Long Định, tỉnh Tiền Giang.
Ngày 2/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Tiền Giang đã tổ chức trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế cho 259 người về từ Australia được cách ly tại Trung đoàn Bộ binh 924, những công dân này được Tiền Giang tiếp nhận cách ly y tế vào đêm 15/10, đa số là du học sinh và người lao động đã hết hạn Visa; người Việt Nam sang Australia thăm thân nhân và bị kẹt lại nước bạn nhiều tháng nay do lệnh hạn chế vận chuyển hàng không nhằm phòng chống dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh đã hỗ trợ miễn phí xe đưa công dân hoàn thành cách ly đến sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe miền Đông theo yêu cầu. Trong đợt cách ly này, mỗi công dân chỉ thanh toán 120 ngàn đồng chi phí ăn, ở mỗi ngày, các chi phí khác được miễn phí; công dân vẫn được miễn tiền 2 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 do Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chưa thu phí. Đây là lần thứ 3 Tiền Giang tiếp nhận cách ly y tế công dân Việt Nam về từ Australia và là lần thứ 8 tiếp nhận công dân từ nước ngoài về cách ly y tế.
Ngày 6/11, kết quả phản hồi từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh của toàn bộ mẫu xét nghiệm của 165 công dân Việt Nam về từ Malaysia đang được cách ly tại Tiền Giang đều âm tính với SARS-CoV-2. Đây là số công dân Việt Nam về từ Malaysia được Tiền Giang tiếp nhận cách ly y tế tại Trung đoàn Bộ binh 924 vào ngày 4/11, chủ yếu là người lao động hết hạn visa. Đây là lần thứ 9 Tiền Giang tiếp nhận cách ly y tế tập trung người trở về từ vùng dịch và là lần đầu tiên tiếp nhận công dân Việt Nam về từ Malaysia.
Bệnh truyền nhiễm, so cùng kỳ, 5 bệnh có số ca mắc tăng (Liên cầu lợn, lao phổi, viêm gan siêu vi A, Zika, Covid-19); 18 bệnh giảm; 21 bệnh tương đương hoặc không xảy ra; không có tử vong do bệnh truyền nhiễm. Phòng chống bệnh Sốt xuất huyết: trong tháng ghi nhận 430 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, cộng dồn từ đầu năm có 2.548 ca mắc, so với cùng kỳ giảm 42,2%, không có huyện, thị, thành nào có số ca mắc vượt đường cong chuẩn, không ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết (cùng kỳ tử vong 2 ca). Phòng chống HIV/AIDS: tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 5.687 người nhiễm HIV; 1.784 người chuyển sang AIDS; tử vong do AIDS 971 người.
Trong tháng đã khám chữa bệnh cho 467.149 lượt người, giảm 3,8% cùng kỳ. Mười một tháng, khám chữa bệnh cho 4.348.352 lượt người, đạt 116,1% so kế hoạch; trong đó, số người điều trị nội trú là 188.393 lượt người. Trong tháng, thực hiện kiểm tra An toàn vệ sinh thực phẩm cho 759 lượt cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm; đạt vệ sinh 754 lượt cơ sở, đạt tỷ lệ 99,3%; không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào.
4. Hoạt động giáo dục
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2020.
Tổng kết công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Xanh - Sạch - Đẹp năm học 2019 - 2020; có 55 trường được xét công nhận, gồm 30 trường tái công nhận lần 2, công nhận lần 1 là 25 trường và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng trường xanh sạch đẹp được Sở Tài nguyên và Môi trường khen thưởng.
Tổ chức tiếp cuộc thi giáo viên làm tổng phụ trách Đội TNTP HCM giỏi ở vòng thi số 02: bài thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút cho 87 cán bộ tổng phụ trách Đội giỏi của các huyện, thị, thành trong toàn tỉnh; in sách phòng chống mù lòa cho giáo viên, học sinh tiểu học và trung học cơ sở thuộc dự án Mắt sáng học hay.
5. Hoạt động văn hóa - thể thao
Trong tháng 11/2020, Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện thị xã Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020; phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành và các sở, ngành tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa; tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010 - 2020.
Thẩm định và xác nhận hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao xã Cẩm Sơn huyện Cai Lậy; xã Long Khánh thị xã Cai Lậy; xã Thạnh Hòa huyện Tân Phước; xã Vĩnh Kim xã huyện Châu Thành; xã Tân Mỹ Chánh thành phố Mỹ Tho; xã Thạnh Nhựt huyện Gò Công Tây. Thẩm định tiêu chí xã nông thôn mới xã Thạnh Phú, xã Đông Hòa và Long Định huyện Châu Thành.
Đăng cai tổ chức thành công Hội thi Tuyên truyền lưu động toàn quốc năm 2020 “Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa”. Đoàn Tiền Giang đạt 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc.
Tổ chức thành công vòng loại giải bóng đá hạng Nhì quốc gia năm 2020, từ ngày 10/7 - 6/11/2020. Đội bóng đá Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và tiếp tục tham gia giải hạng Nhì năm 2021. Đội bóng bàn tham dự giải bóng bàn các đội mạnh toàn quốc 2020, từ ngày 23/10 - 01/11/2020 tại Khánh Hòa, kết quả vào vòng tứ kết.
6. Tình hình trật tự an toàn xã hội
Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 169 vụ, tăng 35 vụ so tháng trước, làm chết người 1 người, bị thương 16 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 4,2 tỷ đồng. Điều tra khám phá bước đầu đạt tỷ lệ 36,7%, bắt xử lý 87 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá khoảng 185 triệu đồng. Phát hiện, xử lý 22 tụ điểm, 127 đối tượng tham gia cờ bạc; 23 vụ với 23 đối tượng phạm tội về ma túy và xử lý vi phạm hành chính 225 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 3 trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế và xử lý phạt tiền 65 trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, vệ sinh an toàn thực phẩm.
7. Trật tự an toàn giao thông
a) Giao thông đường bộ
Trong tháng tai nạn giao thông xảy ra 39 vụ, làm chết 19 người, bị thương 36 người; so tháng trước tai nạn giảm 5 vụ, số người chết giảm 9 người, số người bị thương tăng 6 người; so cùng kỳ tai nạn tăng 7 vụ, giảm 1 người chết, số người bị thương tăng 17 người. Từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông xảy ra 348 vụ, tăng 46 vụ so cùng kỳ; làm chết 217 người, tăng 16 người so cùng kỳ; bị thương 199 người, tăng 29 người so cùng kỳ; ước thiệt hại về tài sản 5.348 triệu đồng, tăng 1.767 triệu đồng so với cùng kỳ.
Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ xảy ra 3.354 vụ, giảm 3.144 vụ so tháng trước và giảm 3.997 vụ so cùng kỳ; đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 2.443 vụ, tước giấy phép lái xe 243 vụ, phạt tiền 911 vụ với số tiền phạt 2.859 triệu đồng. Nâng tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ đầu năm đến nay 63.379 vụ, giảm 8.959 vụ so cùng kỳ; đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 43.124 vụ, tước giấy phép lái xe 3.018 vụ, phạt tiền 20.255 vụ, với số tiền phạt 41.234 triệu đồng.
b) Giao thông đường thủy
Trong tháng không xảy ra tai nạn. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn, tăng 1 vụ so với cùng kỳ, không phát sinh số người chết và bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính từ đầu năm đến nay là 2.232 triệu đồng, tăng 1.912 triệu đồng so với cùng kỳ.
Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 1.885 vụ giảm 169 vụ so tháng trước và giảm 132 vụ so cùng kỳ; đã xử lý vi phạm: lập biên bản tạm giữ giấy tờ 299 vụ và phạt tiền tại chỗ 1.586 vụ, với số tiền phạt 465 triệu đồng. Nâng tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy từ đầu năm đến nay 17.468 vụ, giảm 755 vụ so cùng kỳ; đã xử lý vi phạm: lập biên bản tạm giữ giấy tờ 3.020 vụ và phạt tiền 14.448 vụ, với số tiền phạt 4.597 triệu đồng.
8. Tình hình cháy nổ, môi trường
Trong tháng xảy ra 1 vụ cháy trên địa bàn huyện Chợ Gạo, không gây thiệt hại về người, nguyên nhân đang được điều tra làm rõ. Tài sản thiệt hại ước tính khoảng 18 triệu đồng. Tổng số cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ cháy, nổ; tổng giá trị tài sản thiệt hại khoảng 75,1 tỷ đồng.
Trong tháng Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 7 vụ vi phạm, đã xử lý 3 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 95 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số vụ vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý 49 vụ, đã xử lý 45 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 713 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu phát hiện qua kiểm tra là do khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất không giấy phép; xả nước thải vào nguồn nước khi giấy phép hết hạn; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép./.
Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang