Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/08/2013-10:04:00 AM
Tình hình kinh tế xã hội tháng 7 năm 2013 thành phố Hà Nội
Báo cáo số 286/BC-CTK ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Cục thống kê thành phố Hà Nội.
1. Sản xuất công nghiệp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Bảy tăng 1,3% so tháng trước và tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 12,4% và tăng 70,1%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,4% và 7,5%; Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước… tăng 0,5% và 1,3%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2% và 11,8%.
Trong tháng Bảy, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo có gần một nửa số ngành giảm so tháng trước (9 ngành giảm, 10 ngành tăng); Một số ngành giảm nhiều như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá (giảm 6,1%), sản xuất trang phục (giảm 4,8%), sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu (giảm 9,2%)...
Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 0,1%; công nghiệp chế biến tăng 4,1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt... tăng 8,8%; Cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,1%.Tốc độ tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Bảy chậm hơn so tháng trước do các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên cộng dồn 7 tháng thì tốc độ vẫn đạt trên 4%, một số ngành công nghiệp mũi nhọn vẫn có tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng chung của toàn ngành như: Dệt (tăng 53,5%), Sản xuất trang phục (tăng 4,4%), sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 54,6%), sản xuất kim loại (tăng 38,4%) .... Một số ngành vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thu sản phẩm, lượng hàng tồn kho nhiều nên chỉ số sản xuất có xu hướng giảm như: Chế biến thực phẩm (giảm 1,4%), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (giảm 21,1%) ...
Nhiều chỉ số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Hà Nội ước tính tăng so tháng trước và cùng kỳ năm trước như: Thức ăn gia súc (tăng 2,4% và 1%), bia đóng chai (tăng 3,4% và 2,4%), máy in-copy (tăng 28,4% và 16,3%) ...
2. Vốn đầu tư.
Trong tháng Bảy thành phố tiếp tục triển khai các dự án giao thông và hạ tầng trọng điểm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Bảy đạt 2.443 tỷ đồng, tăng 8,3% so tháng trước và tăng 29,8% so cùng kỳ năm trước. Dự tính 7 tháng đạt 12.227 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 44,4% kế hoạch năm.
* Một số tình hình đầu tư trên địa bàn thành phố
Đến nay, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 23,3ha khu vực Depot tại quận Hà Đông, di dời xong hạ tầng và bàn giao mặt bằng 9,7/13km chính tuyến; đã xong 255/421 trụ cầu, thi công 7/12 nhà ga; hoàn thành kế hoạch đào tạo nhân lực quản lý, vận hành. Tổng thầu EPC đang đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp các đoàn tàu.
Công trình đường thanh niên tình nguyện đã được khởi công tại một số huyện: Tại xã Phùng Xã (Thạch Thất) khởi công, công trình Ðường thanh niên với sự tham gia của 3.500 cán bộ, đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện Hà Nội và nhân dân tại địa phương. Ðây là tuyến đường liên xóm, giao thông nội đồng được bê tông hóa, có chiều dài gần 700 mét, rộng 5 mét, tổng trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Công trình sẽ góp phần thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thiết thực kỷ niệm 59 năm Ngày giải phóng huyện Thạch Thất. Cũng trong tháng Bảy đường nông thôn nội đồng tại xã Hùng Tiến huyện Mỹ Đức cũng đã được khởi công xây dựng với tổng chiều dài 963m, rộng 3m, công trình có tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng, riêng đoàn viên thanh niên, sinh viên tình nguyện đóng góp 1.500 ngày công.
Dự án đường 5 kéo dài là 1 trong những công trình trọng điểm được thành phố ưu tiên dành nhiều cơ chế đặc thù và bố trí vốn tập trung khó có thể hoàn thành đúng kế hoạch vào quý 2/2014. Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ là giải phóng mặt bằng, một số hộ dân xã Đông Hội và Xuân Canh huyện Đông Anh chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ, bàn giao mặt bằng. UBND huyện Đông Anh đã cưỡng chế đối với các hộ còn chây ỳ tại thôn Đông Trù, xã Đông Hội thành công, ngay sau khi có mặt bằng “sạch”, UBND huyện Đông Anh đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn quản lý để bàn giao cho đơn vị thi công để bảo đảm tiến độ của dự án.
Dự kiến cuối tháng 7, sẽ tổ chức lễ cất nóc tòa nhà 65 tầng Lotte Center Hà Nội. Đây là dự án trung tâm thương mại cao cấp có độ cao thứ nhì tại Hà Nội (sau Keangnam Ha Noi Landmark Tower - 72 tầng) được Lotte Group (Hàn Quốc) đầu tư với tổng vốn lên tới 400 triệu USD, với tổng diện tích đất 14.094 m2, dự án có diện tích sàn xây dựng là 247.075 m2, 5 tầng hầm và 65 tầng bên trên, cao 267 mét. Dự kiến sẽ khai trương vào tháng 6/2014.
Dự án 1500 căn hộ cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá II có quy mô 115 nghìn m2 sàn xây dựng với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 6 nghìn người, công trình dự kiến hoàn thành vào quý II/2014. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao căn hộ cho khách hàng theo đúng cam kết, vừa qua đại diện cho các đơn vị thực hiện và quản lý dự án đã cùng nhau cam kết thực hiện tiến độ triển khai dự án Nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại khu đô thị Đặng Xá II.
3. Thương mại dịch vụ.
3.1. Nội thương.
Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng Bảy dự kiến đạt 136.334 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 11,3% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 32.305 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 12,2% so cùng kỳ.
Ước tính 7 tháng, tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 915.139 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ tăng 11,7%.
3.2. Ngoại thương.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Bảy đạt 818 triệu USD, giảm 0,4% so tháng trước và bằng 97,6% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương giảm 0,3% và bằng 96,9%; Kim ngạch xuất khẩu tháng Bảy giảm do một số nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn giảm, trong đó 3 nhóm hàng chính chiếm gần 60% tổng kim ngạch giảm là hàng Nông sản (giảm 0,9%); Hàng may, dệt (giảm 0,7%); Nhóm hàng hóa khác (giảm 0,9%). Dự kiến 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 5.810 triệu USD, giảm 1,5% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu địa phương giảm 1,2%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng Bảy đạt 1.900 triệu USD, tăng 3,1% so tháng trước và bằng 92,7% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 3% và bằng 93,8%. Ước tính 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 13.439 triệu USD, tăng 0,2% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 1,1%.
3.3. Vận tải, bưu chính, viễn thông
3.3.1. Vận tải
Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Bảy tăng 0,5% so tháng trước và tăng 9,1% so cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 0,3% và 8,4%, doanh thu tăng 0,5% và 9,3%. Dự kiến 7 tháng, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 17,2% so cùng kỳ, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 16,6%, doanh thu tăng 17,7%.
Số lượng hành khách vận chuyển tháng Bảy tăng 0,6% so tháng trước và tăng 8,9% so cùng kỳ, số lượng hành khách luân chuyển tăng 0,4% và 8,3%, doanh thu tăng 0,3% và 10,1%. Ước tính 7 tháng, số lượng hành khách vận chuyển tăng 16,5% so cùng kỳ, số lượng hành khách luân chuyển tăng 15,7%, doanh thu tăng 17,2%.
3.3.2. Bưu chính, viễn thông
Tháng Bảy, ước tính doanh thu bưu chính viễn thông đạt 1.732 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 15,4% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu viễn thông tăng 1,3% và 16%; Doanh thu bưu chính chuyển phát tăng 1,6% và 13%. Ước tính 7 tháng, doanh thu bưu chính viễn thông đạt 11.625 tỷ đồng, tăng 17,5% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu viễn thông tăng 17,6%, doanh thu bưu chính chuyển phát tăng 17,2%
3.4. Thị trường giá cả.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,22% so tháng trước và tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. Tháng này, tất cả các nhóm hàng đều tăng so tháng trước, trong đó có 2 nhóm hàng tăng cao làm ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng này là nhóm giao thông (nhóm duy nhất tăng trên 1%) và nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,66%, còn lại các nhóm hàng khác tăng nhẹ dưới mức bình quân chung.
Nhóm giao thông tăng chủ yếu là do cuối tháng Sáu giá xăng tăng 360 đồng/lít và dầu diezen tăng khoảng 370 đồng/lít. Ngày 17/7 vừa qua giá xăng dầu tiếp tục tăng giá nhưng chưa ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tháng này, dự kiến đợt tăng giá xăng dầu này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng tháng sau.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng tăng 5,75% so cùng kỳ, có 10/11 nhóm hàng tăng, duy nhất có nhóm hàng Bưu chính viễn thông là giảm (giảm 0,14%).
Chỉ số giá vàng bằng 93,38% so tháng trước và bằng 85,9% so cùng kỳ năm trước, bình quân chung 7 tháng bằng 94,44% so cùng kỳ; Chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,63% so tháng trước và tăng 1,08 so cùng kỳ, bình quân chung 7 tháng tăng 0,18% so cùng kỳ.
Cụ thể giá một số mặt hàng như sau:
- Mặt hàng lương thực có xu hướng ổn định so tháng trước (tăng 0,01%), giá gạo Khang dân từ 12.000-13.000 đ/kg, gạo xi dẻo 13.000-13.500 đ/kg, gạo tám hải hậu 19.000-20.000 đ/kg, nếp cái hoa vàng 26.000-28.000 đ/kg.
- Hầu hết các mặt hàng trong nhóm thực phẩm giá ổn định, chỉ có giá thịt gia cầm nhảm nhẹ, thịt gà công nghiệp có giá từ 55.000-60.000 đ/kg, thịt Vịt còn sống giá 48.000-52.000 đ/kg.
- Chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xâu dựng (tăng 0,66%), nguyên nhân chính do giá gas đầu tháng bảy tăng khoảng 13.000 đ/bình loại 12kg và giá dầu hoả tăng tăng 300 đ/lít vào cuối tháng Sáu. Hiện giá gas Petrolimex bình nhũ loại 12kg có giá khoảng 350.000-380.000 đ/bình.
4. Sản xuất nông nghiệp.
4.1. Trồng trọt.
4.1.1. Tình hình sản xuất vụ đông xuân.
- Về diện tích: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông xuân 172.396 ha, tăng 7.973 ha (tăng 4,9%) so với vụ đông xuân 2012. Trong đó, Lúa 102.325 ha (giảm 0,3%); Ngô 16.567 ha (tăng 0,9%); Khoai lang 3.541 ha (giảm 11,5%); Đậu tương 17.802 ha (tăng 78%); Lạc 4.065 ha (giảm 7,9%); Cây rau các loại 22.428 ha (tăng 1,3%). Diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng chủ yếu ở vụ đông 2012-2013, trong đó, cây trồng chính của vụ đông là cây đậu tương tăng 7.885 ha. Các huyện có diện tích gieo trồng vụ đông 2012 - 2013 tăng nhiều so với cùng kỳ như: Mê Linh 453 ha, Phúc Thọ 675 ha, Thường Tín 1.624 ha, Phú Xuyên 2.670 ha, Ứng Hòa 1.222 ha, Mỹ Đức 1.853 ha,… và vẫn có một số huyện diện tích gieo trồng giảm như: Sóc Sơn (giảm 491 ha), Chương Mỹ (giảm 644 ha)... Nguyên nhân làm giảm diện tích, do các huyện trên đang triển khai kế hoạch công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn.
- Về năng suất: Năng suất lúa đạt 61,14 tạ/ha (giảm 1%), tương đương giảm 0,63 tạ/ha so với vụ đông xuân 2012; Ngô 48,22 tạ/ha, giảm 0,2%; Khoai lang 101,84 tạ/ha, tăng 9,7%; Đậu tương 15,07 tạ/ha, giảm 4,1%; Lạc 20,45 tạ/ha, tăng 5,3%; Rau các loại 194,31 tạ/ha, tăng 2,2%.
- Về sản lượng: Sản lượng lúa thu hoạch 625.581 tấn, giảm 1,4%, tương đương giảm 8.591 tấn so với vụ đông xuân 2012, nguyên nhân do một số diện tích lúa BC15 (2.641 ha), tập trung ở các huyện Thạch Thất 1.527 ha, Quốc Oai 541 ha, Phúc Thọ 193 ha bị lép làm năng suất của số diện tích này giảm xuống còn 26,83 tạ/ha; mặt khác, do diện tích lúa toàn Thành phố giảm 335 ha làm cho sản lượng giảm 2.112 tấn so với vụ đông xuân 2012. Sản lượng ngô 79.880 tấn, tăng 0,7%; Khoai lang 36.059 tấn, giảm 2,9%; Đậu tương 26.823 tấn, tăng 70,8%; Lạc 8.315 tấn, giảm 3%; Rau các loại 435.797 tấn, tăng 3,5%;…
4.1.1. Tình hình sản xuất vụ Mùa.
Theo báo cáo của Sở NN & PTNT, các quận, huyện, thị xã tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác sản xuất vụ mùa, tính đến ngày 15/7/2013, toàn Thành phố đã cấy xong 102.012 ha lúa, đạt 100% kế hoạch về diện tích cũng như thời vụ. Các loại hoa màu đã gieo trồng được 12.455 ha; trong đó: ngô 2.368 ha, đậu tư­ơng 1.815 ha, lạc 342 ha, rau các loại 5.581 ha, khoai lang 458 ha, hoa 1.152 ha, cây khác 739 ha,... Diện tích lúa đã cấy đang trong giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh rộ, lúa sinh trưởng, phát triển tốt; Các loại rau mầu vẫn tiếp tục được trồng trong khung thời vụ cho phép.
Chi cục Bảo vệ thực vật tiếp tục tổ chức kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, phát hiện và thông báo kịp thời để có biện pháp phòng trừ. Tiếp tục thực hiện các hoạt động SRI trên lúa và hỗ trợ sản xuất lúa nếp cái hoa vàng, mở 14 lớp huấn luyện nông dân về công tác này, 20 lớp huấn luyện nông dân về IPM trên rau và khai giảng 01 lớp tập huấn đào tạo VietGAP cho vùng mới tại Hợp tác xã nông nghiệp Viên Sơn, thị xã Sơn Tây.
4.2. Chăn nuôi.
Tình hình chăn nuôi vẫn phát triển ổn định, các địa phương đang chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi, sản xuất tập trung, đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư, đảm bảo chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững. Trong tháng 7/2013, số lượng gia súc (trâu, bò, lợn) có xu hướng giảm so với cùng kỳ, trong khi đó, số lượng gà, vịt, ngan, ngỗng lại có xu hướng tăng, nhất là đàn gà, vịt nuôi đẻ.
Về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhìn chung ổn định, không xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các địa phương tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.
Kết quả kiểm dịch tại 10 chốt: đã kiểm dịch 978.028 con gia cầm chưa giết mổ; 86.388 con gia cầm đã giết mổ; 793,5 ngàn quả trứng gia cầm; 78.046 con lợn chưa giết mổ, 48.522 con lợn đã giết mổ; 470,2 tấn sản phẩm động vật...
4.3. Lâm nghiệp, thủy sản.
Từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7 trên địa bàn thành phố không xảy ra cháy rừng và chặt phá rừng trái phép; phát hiện và xử lý 4 vụ vi phạm mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, xử lý vi phạm và nộp ngân sách nhà nước211 triệu đồng. Duy trì nghiêm túc công tác phòng dịch, đảm bảo an toàn cho đàn động vật đang được cứu hộ tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và kỹ thuật bảo vệ rừng Sóc Sơn, đặc biệt là một số loài quý, hiếm.
Các địa phương đang tổ chức tiến hành chặt, tỉa cành các cây trồng phân tán, khai thác lâm sản hợp lý trong mùa mưa bão. Trung tâm khuyến nông Thành phố tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, làm cỏ và phát quang bụi rậm... cho các hộ dân được giao trồng mới, khoanh nuôi tái sinh, chăm sóc bảo vệ rừng đã được giao khoán, bảo vệ
Các hộ sản xuất thuỷ sản đã thu hoạch xong cá thương phẩm đợt 1, tiếp tục nuôi cá thịt đợt 2, đồng thời củng cố ao hồ, phòng chống lụt bão, phòng bệnh và xử lý môi trường nuôi cá. Sở NN&PTNT đã và đang chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, mở các lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nuôi thuỷ sản thâm canh theo hướng bền vững; triển khai chương trình phòng chống dịch bệnh và dự án an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm.
4.4. Công tác xây dựng nông thôn mới
Công tác dồn điền đổi thửa đang được các huyện, xã khẩn trương thực hiện. Trong tháng Ban chỉ đạo chương trình 02 của Thanh Ủy chỉ đạo các địa phương tập trung phê duyệt các phương án dồn điền đổi thửa cấp xã, họp các hộ dân thông qua phương án... Tổng hợp báo cáo 3 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới.
Điều chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới xã Mai Đình (Sóc Sơn), Song Phượng (Đan Phượng), Đại Thắng (Phú Xuyên); Trình phê duyệt điều chỉnh đề án đối với 3 xã Cổ Đô (Ba Vì), Tây Tựu (Từ Liêm), Nghĩa Hương (Quốc Oai). Phối hợp với đoàn công tác của Thành phố kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm và một số huyện.
Trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án xây dựng, nâng cấp cải tạo các chợ nông thôn thuộc “Dự án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo ở 7 xã còn nhiều hộ nghèo huyện Sóc Sơn”; Hoàn thành và bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng 5 gói thầu nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn 5 xã: Xuân Thu, Kim Lũ, Việt Long, Nam Sơn, Đức Hòa, Bắc Sơn.
5. Các vấn đề xã hội.
5.1. Trật tự xã hội, an toàn giao thông.
Theo số liệu tổng hợp của Công an Thành phố, tháng Sáu, đã phát hiện xảy ra 574 vụ phạm pháp hình sự, số vụ được Công An khám phá là 438 vụ, với số đối tượng bị bắt giữ theo luật 824 đối tượng. Trong tháng Sáu cũng đã xảy ra 173 vụ phạm pháp kinh tế, với số đối tượng phạm pháp 186 người.
Đã phát hiện 91 vụ cờ bạc, bắt giữ 437 đối tượng; Các cơ quan pháp luật đã thụ lý hồ sơ và đưa ra xét xử, truy tố 57 vụ, với số đối tượng bị truy tố 272 đối tượng.
Đã phát hiện 330 vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý, với số đối tượng bị bắt giữ 401. Số vụ mại dâm bị phát hiện là 30 vụ với 125 đối tượng bị bắt giữ, các cơ quan pháp luật đã truy tố 28 vụ với 32 đối tượng tổ chức và môi giới mại dâm.
Toàn Thành phố đã xảy ra 196 vụ tai nạn giao thông, làm 49 người chết, 175 người bị thương.
5.2. Tình hình tuyển sinh lớp 10.
Kỳ thi tuyển lớp 10 có hơn 71 nghìn học sinh đăng ký dự thi vào các trường phổ thông không chuyên và gần 7 nghìn học sinh đăng ký thi vào các trường THPT có lớp chuyên. Sau kỳ thi, Sở Giáo dục và đào tạo đã có hướng dẫn các đơn vị về phúc khảo và Quyết định về điểm chuẩn vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập năm học 2013 – 2014 và các trường đã tiếp nhận hồ sơ của học sinh trúng tuyển theo kế hoạch của Sở Giáo dục và đào tạo.
5.3. Công tác chăm lo đối tượng chính sách, người có công.
Thực hiện kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2013), các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã có kế hoạch và tổ chức thăm hỏi các đối tượng chính sách, người có công.
Vừa qua, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Thành phố tổ chức 5 đoàn đi thăm, tặng quà 70 đối tượng là thương binh, gia đình liệt sỹ tại các quận, huyện: Đống Đa, Gia Lâm, Hà Đông, Ứng Hoà và Mê Linh, với tổng số tiền là 35 triệu đồng (mỗi suất quà 500 nghìn đồng).Hiện Sở Lao động Thương binh và xã hội Thành phố đang tổ chức các đoàn thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công. Tại các quận, huyện, thị xã cũng đang diễn ra các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như tổ chức kỷ niệm, tổ chức thăm hỏi tặng quà ...
6. Tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán.
6.1. Tín dụng ngân hàng.
Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính tháng Bảy là 959.445 tỷ đồng, tăng 2,3% so tháng trước và tăng 7% so tháng Mười hai năm 2012, trong đó, tiền gửi tăng 2,3% và 8,7% (tiền gửi tiết kiệm tăng 2,4% và 11,3%; tiền gửi thanh toán tăng 2,2% và 6,9%), phát hành giấy tờ có giá tăng 2,1% và bằng 76,9%. Tổng dư nợ cho vay ước tính tháng Bảy là 669.717 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước và tăng 2,6% so tháng Mười hai năm 2012, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 2,1% và 1,2%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,7% và 4,7%.
6.2. Thị trường chứng khoán
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, số lượng chứng khoán niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đạt 525 chứng khoán, với giá trị niêm yết đạt 106.771 tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm (trong đó: 387 chứng khoán niêm yết với giá trị đạt 86.398 tỷ đồng; 138 chứng khoán đăng ký giao dịch với giá trị đạt 20.373 tỷ đồng). Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 125.095 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm (trong đó: cổ phiếu niêm yết chiếm 78,2%, tăng 13,1%; cổ phiếu đăng ký giao dịch chiếm 21,8%, giảm 5,7%).
6.2.1. Thị trường cổ phiếu niêm yết.
Kết thúc giao dịch ngày 15/7, chỉ số HNX - Index đạt 63,03 điểm, tăng 5,94 điểm so với đầu năm, tương ứng tăng 10,4%.
Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Bảy, thị trường có xu hướng đi ngang, những phiên tăng, giảm xen kẽ nhau trong biên độ hẹp, thanh khoản thị trường có xu hướng giảm so tháng trước. Nguyên nhân một phần do nhà đầu tư đợi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp rồi mới quyết định giao dịch. Khối lượng giao dịch 11 phiên đầu tháng Bảy đạt 237 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng (bình quân Một phiên đạt 21,6 triệu cổ phiếu, bằng 48,8% so với bình quân chung của tháng Sáu); Giá trị giao dịch đạt 1.788 tỷ đồng (bình quân Một phiên đạt trên 163 tỷ đồng, bằng 43,6% so với bình quân chung tháng Sáu).Luỹ kế từ đầu năm khối lượng giao dịch đạt 7571 triệu cổ phiếu, bằng 94,1% so với cùng kỳ năm trước; Với giá trị giao dịch đạt 59.394 tỷ đồng, bằng 76,4% so với cùng kỳ.
6.2.2. Thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom).
Kết thúc giao dịch ngày 15/7, chỉ số Upcom - Index đạt 41,74 điểm, giảm 0,07 điểm so với đầu năm, tương ứng 0,2%.
Trong 11 phiên giao dịch đầu tháng Bảy, khối lượng giao dịch đạt 3,2 triệu cổ phiếu với giá trị chuyển nhượng đạt 15,4 tỷ đồng (bình quân Một phiên đạt 292,8 nghìn cổ phiếu chuyển nhượng, bằng 97,2% so với bình quân chung tháng Sáu; Với giá trị đạt 1,4 tỷ đồng, bằng 74,6% so với bình quân chung tháng Sáu). Luỹ kế, khối lượng giao dịch đạt 41,4 triệu cổ phiếu, bằng 35,6% so cùng kỳ và giá trị giao dịch đạt 247,8 tỷ đồng, bằng 7,1% so với cùng kỳ.
6.2.3. Hoạt động thị trường trái phiếu.
Ngày 25/06/2013, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp với Kho bạc Nhà nước Hà Nội và Sở Tài chính Hà Nội đã tổ chức thành công phiên đấu thầu phát hành 1.000 tỷ đồng Trái phiếu xây dựng dựng Thủ đô giai đoạn 2013-2015 đợt 1 năm 2013. Phiên đấu thầu có tổng khối lượng gọi thầu đạt 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm. Tham dự đấu thầu có 12 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 3.320 tỷ đồng. Vùng lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 8,7% -11%/năm. Kết quả, huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu 8,7%/năm. Lãi suất trúng thầu trong đợt phát hành đầu tiên của Trái phiếu xây dựng Thủ đô giai đoạn 2013-2015 được đánh giá là hợp lý và sát với diễn biến thị trường tại thời điểm hiện tại, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư đồng thời đảm bảo được chi phí huy động vốn hiệu quả cho ngân sách thành phố.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/7, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ
chức 141 phiên đấu thầu với khối lượng đăng ký tham gia đấu thầu đạt 354.697 tỷ đồng bằng 1,79 lần khối lượng gọi thầu. Khối lượng trúng thầu đạt 125.221 tỷ đồng bằng 63,2% khối lượng gọi thầu.
6.2.4. Hoạt động cấp mã và tài khoản giao dịch.
Tháng Sáu, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp 51 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó: 31 cá nhân, 20 tổ chức) đưa tổng số mã số đã cấp trong 6 tháng đầu năm đạt 370 mã số giao dịch. Luỹ kế đến hết tháng Sáu, trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đã cấp 16.371 mã số giao dịch (trong đó: 14.269 cá nhân, 2012 tổ chức). Cũng trong tháng Sáu, số tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư được cấp mới là 5.393 tài khoản (trong đó: tổ chức trong nước 42; cá nhân trong nước 5.277; tổ chức nước ngoài 32) đưa tổng số tài khoản giao dịch hiện có của các nhà đầu tư lên trên 1,3 triệu tài khoản./.

Website Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

    Tổng số lượt xem: 1323
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)