Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/08/2021-08:06:00 AM
Chính phủ và doanh nghiệp cùng đồng hành thực hiện thắng lợi mục tiêu vừa chống dịch, vừa duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh
(MPI) - Tham gia ý kiến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp khẳng định nêu cao tinh thần vượt khó, ý chí phấn đấu, nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu vừa chống dịch, vừa duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Ảnh: Chinhphu.vn

Khu vực doanh nghiệp luôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội, đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, kim ngạch xuất khẩu; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi liên kết giá trị và lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải vật chất xã hội, đóng góp ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.

Ngay từ đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7 năm 2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19... Các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân cả nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực. Một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh đã thành công trong công tác kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ổn định, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động.

Các chính sách, giải pháp đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảm đảo an sinh xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bày tỏ nhất trí với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cho rằng, chúng ta đang thực hiện hai “cuộc chiến” song hành là chống dịch và bảo vệ sinh kế cho người dân, doanh nghiệp. Mặc dù trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất khó khăn nhưng Chính phủ đã có các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có các gói hỗ trợ về cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn phát triển sau đại dịch. Việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác về rà soát khung khổ pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh và Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian dài.

Đại diện một số hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp đề nghị các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, nhất là đối với các tỉnh phía Nam, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, ổn định đời sống. Đồng thời, đề nghị cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia mang lại.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho biết, dịch bệnh đã làm cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt, dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến ngư dân. Ông Nguyễn Hoài Nam mong muốn, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vắc-xin đối với ngư dân, các doanh nghiệp chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện, nhất là đối với ngành hàng thủy sản, có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy;… Ông Nam cũng bày tỏ cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp đầy đủ các nội dung, kiến nghị của Ngành để gửi Chính phủ.

Theo ý kiến từ hiệp hội doanh nghiệp điện tử, Ngành đã có đóng góp lớn cho nền kinh tế, năm 2020 đứng đầu trong các ngành xuất khẩu của cả nước. Đứng trước bối cảnh dịch bệnh năm 2021, ngành điện tử vẫn duy trì được mức tăng tưởng và kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào cán cân thương mại và ngoại tệ. Những đóng góp này phần lớn nhờ vào sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đại dịch, Ngành kiến nghị, cho phép các hàng hóa, linh kiện điện tử được vào luồng xanh và được ưu tiên lưu thông trong quá trình vận chuyển. Bởi linh kiện điện tử cũng là hàng hóa thiết yếu, sản xuất các thiết bị thiết yếu cho người tiêu dùng, trong đó có trang thiết bị y tế…

Tham gia ý kiến từ phía các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc thực hiện mục tiêu kép là chủ trương đúng bởi nếu không phòng chống dịch bệnh thì chúng ta không đủ điều kiện về sức khoẻ an toàn để sản xuất. Tương tự, nếu dừng sản xuất, dừng giao thương thì không đảm bảo được mục tiêu duy trì nền kinh tế, duy trì thị trường không những chúng ta không có nguồn lực để chống dịch mà nguy cơ lớn hơn là mất thị trường, sẽ bị bỏ lại phía sau, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc.

“Tổng cầu đang lên, thế giới đang trên đà hồi phục, chúng ta không giữ vững thị trường lúc này thì sẽ mất rất nhiều cơ hội khác và sẽ bị tụt lại phía sau”, do đó, cộng đồng doanh nghiệp hãy đồng hành cùng nhà nước, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”. Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất giải pháp, nêu những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.

Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về giảm giá điện, Bộ Công Thương xin tiếp thu ý kiến và sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để xem xét giảm giá điện một cách phù hợp, đặc biệt ưu tiên cho nhóm ngành bảo quản và chế biến các sản phẩm nông, thủy sản, còn các lĩnh vực khác Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, người lao động và doanh nghiệp đã có đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng hiện nay các doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất, là giai đoạn vượt chướng ngại vật để tăng tốc và phát triển trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến giấy phép với lao động nước ngoài để tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất; vận dụng Nghị quyết cho phép của Quốc hội để có thể làm thêm giờ mỗi tháng để giải quyết những ách tắc hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh của các bộ, ngành, địa phương và làm rõ thêm ý kiến của các hiệp hội và doanh nhân về công tác phòng chống dịch trong khu công nghiệp; về lưu thông hàng hóa; tình hình cách ly; hướng dẫn cách ly đối với các chuyên gia… Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể và các doanh nghiệp cần phải tự xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng chống dịch; tự xác nhận và tự kiểm tra; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vắc-xin.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Việc phòng chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ và mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương là một pháo đài. Đồng thời bày tỏ đồng tình với các kiến nghị của doanh nghiệp đối với các cơ quan chức năng trong tháo gỡ khó khăn như: hỗ trợ lãi suất để trả lương trong thời gian nhất định do bị đình trệ sản xuất, đảm bảo an sinh; hỗ trợ tiền điện, lãi suất cho các doanh nghiệp để giữ hàng hóa do chưa lưu thông được; tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư công để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các địa phương cần thực hiện nghiêm, nhất quán các chỉ đạo của Chính phủ trong vấn đề bảo đảm lưu thông, di chuyển hàng hóa, tránh gây tình trạng ách tắc hàng hóa trong lưu thông.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là cuộc chiến lâu dài và các doanh nghiệp cần chủ động, có các giải pháp thiết thực trong tình hình hiện nay để giữ vững pháo đài chống dịch; phải chuẩn bị tốt các trang thiết bị y tế, các giải pháp để phát hiện sớm dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ cho doanh nghiệp của mình thực sự là một địa bàn xanh trong chống dịch cũng như thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm đời sống, thu nhập, an toàn cho người lao động.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp đã có những cố gắng để vượt qua khó khăn, sắp xếp, tổ chức sản xuất trong khả năng cho phép. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động, tích cực cực tham gia cùng Nhà nước trong công tác phòng chống dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều chính sách đã được ban hành liên quan đến tài khóa, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh ngân sách còn nhiều hạn hẹp nhưng Chính phủ đã thu xếp, bố trí nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất thông qua các chính sách tài chính, tài khóa như việc miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông… đối với doanh nghiệp, người dân. Các chính sách hỗ trợ đúng đối tượng bị ảnh hưởng, khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vận dụng, thực hiện các chính sách tài khóa, tài chính, tiền tệ linh hoạt để tiếp tục hỗ trợ cho người dân, người yếu thế, các doanh nghiệp khó khăn; đề nghị các doanh nghiệp từ hoạt động thực tiễn tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ trên tinh thần bảo đảm sát thực, hiệu quả để xây dựng chính sách phù hợp bảo đảm cân đối ngân sách, nguồn lực cũng như bảo đảm công bằng, khách quan, đúng đối tượng. Các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực, chủ động có phương án ứng phó với các nguy cơ, khai thác và tận dụng mọi cơ hội để có thể sớm ổn định phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo đưa ra các nhóm vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện hiện nay; dự báo phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đối với doanh nghiệp; một số quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới; kiến nghị thực hiện các nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn./.

Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 811
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)