Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/08/2021-13:50:00 PM
Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên
(MPI) – Ngày 11/8/2021, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh theo đúng phương châm "phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên". Trong mọi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải luôn luôn quan tâm vấn đề quốc phòng, an ninh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn

Tất cả vì một mục tiêu chung là xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh đi lên Chủ nghĩa xã hội và Nhân dân có được cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Toàn bộ hệ thống chính trị phải ngày một đi lên với những chức năng, nhiệm vụ đa dạng theo quy định của Điều lệ, Hiến pháp, Pháp luật.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của Quốc hội, các đoàn thể Nhân dân, mặt trận Tổ quốc trong cả hệ thống chính trị, từ Trung ương tới địa phương. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, nhất trí cao đề ra Chiến lược xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021–2030 với tầm nhìn đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Hội nghị Trung ương 3 vừa qua đã kiện toàn một bước các nhân sự chủ chốt trong hệ thống chính trị, đã ban hành Kết luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và đã được Quốc hội khóa XV nhất trí cao, thể chế hóa tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội.

Kinh tế - xã hội nước ta tuy tiếp tục phát triển đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân nhất là những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới có dấu hiệu thụt lùi. Thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm, nợ công toàn cầu tăng mạnh, tài chính thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, vẫn còn nhiều nguy cơ lâm vào khủng hoảng.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 3, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV đã đề ra, Tổng Bí thư yêu cầu, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa truyền thống vẻ vang, những kết quả, thành tích đạt được, những bài học kinh nghiệm quý báu mà Chính phủ qua các thời kỳ đã đạt được, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới.

Tập trung ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, xử lý dứt điểm những điểm nghẽn, vướng mắc, tồn tại để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa, sức mạnh con người, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chụp từ điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát triển kinh tế, mô hình kinh tế là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Tổng Bí thư đề nghị, Chính phủ cần quan tâm tới nghiên cứu, nắm chắc và quán triệt thật sâu sắc các vấn đề lý luận vào thực tiễn cơ bản, có tính nguyên tắc rất quan trọng đã được thể hiện trong Cương lĩnh, đường lối cơ bản của Đảng về cách mạng nước ta. Đặc biệt là một số vấn đề, về phát triển kinh tế, mô hình kinh tế mà chúng ta xây dựng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đây chính là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới, do đó kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế hỗn hợp, đa sở hữu, nhất là các doanh nghiệp cổ phần ngày càng phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Phát triển văn hoá đồng bộ, tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội

Phát triển văn hoá, xã hội, một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội và xác định phát triển văn hoá đồng bộ, tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội cũng là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà Việt Nam xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn.

Xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội.

Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.

Các đại biểu tham dự, ảnh chụp từ điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Chinhphu.vn

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh

Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tình hình thế giới, trong nước đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn quan tâm giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh theo đúng phương châm "phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên". Trong mọi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải luôn luôn quan tâm vấn đề quốc phòng, an ninh.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

Thực hiện nghiêm Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan

Xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, đây là vấn đề cơ bản, rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ hoạt động của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác này, thực hiện nghiêm Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan nhằm xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất. Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng". Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, dày dạn kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan trực thuộc Chính phủ; với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2025 nhất định sẽ phát huy những kết quả, kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 75 năm qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là cơ quan trực tiếp tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực sinh động, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, làm vẻ vang cho Dân tộc, cho giống nòi./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1720
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)