(MPI) – Ngày 11/8/2021, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5515/VPCP-QHQT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo có giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2021.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ ngành, cơ quan, địa phương sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, coi đây là nhiệm vụ chính trị của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2021 được giao.
Tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đề ra, phải thực hiện cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn được giao và khẩn trường có văn bản đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong tháng 8/2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Các Bộ ngành, cơ quan, địa phương chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; giải quyết các khó khăn vướng mắc trong đấu thầu hợp đồng, xin ý kiến “không phản đối” của Nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán và gửi hồ sơ giải ngân, rút vốn tới Bộ Tài chính. Các chủ dự án chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định; phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thành thủ tục gia hạn, điều chỉnh hiệp định vay đã ký (nếu có).
Về kiến nghị tiếp tục thực hiện theo hiệp định vay đã ký để sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thanh toán tiền thuế cho các dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đưa nội dung này vào quy định tại Nghị định thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 29/6/2021 tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2021 của các Bộ, cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao đến ngày 30/9/2021, đề điều chuyển vốn cho các Bộ, cơ quan, địa phương khác đang thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh trong năm 2021.
Bộ Tài chính thực hiện thẩm định, đánh giá khoản vay, chủ động làm việc với các nhà tài trợ giải quyết kịp thời các vướng mắc về giải ngân. Cải cách, đơn giản hóa trình tự, thủ tục luân chuyển hồ sơ trong thanh toán, giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư