Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/08/2013-14:19:00 PM
Tín dụng ngân hàng đối với Đồng bằng sông Cửu Long: Kết quả 6 tháng đầu năm 2013 và một số đề xuất
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm sản xuất lương thực và thực phẩm của cả nước, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp và thủy sản, giữ vai trò quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL, trong 6 tháng đầu năm 2013, NHNN đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng. Theo đó, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp; Tiếp tục gia hạn thêm 01 năm (đến hết 31/12/2013) cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) được cho vay bằng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa để sản xuất kinh doanh mà có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ, nhằm giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp xuất khẩu; Cho phép các TCTD thực hiện xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng;Hỗ trợ các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 40% trở lên), thông qua hình thức tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhằm mở rộng nguồn vốn cho vay và có điều kiện hạ lãi suất huy động đầu vào, từ đó hạ lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đối với các tỉnh ĐBSCL, trong 6 tháng đầu năm 2013, hệ thống các TCTD tiếp tục thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính, góp phần vào việc huy động vốn và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực. Các TCTD sử dụng đa dạng các hình thức huy động vốn, đẩy mạnh khả năng huy động vốn tại chỗ, nâng cao các dịch vụ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và các hộ gia đình tại khu vực. Tính đến 31/5/2013, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đã đạt 220.120 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cuối năm 2012. Sự tăng trưởng cao của nguồn vốn huy động đã giúp hệ thống ngân hàng khu vực ĐBSCL có điều kiện mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo của vùng. Cáctổ chức tín dụng thuộc khu vực đã quan tâm, ưu tiên nguồn vốn tập trung cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, thu mua lúa gạo, xuất khẩucá tra, cá basa, tôm xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩucác chương trình tín dụng khác.Tuy nhiên, nguồn vốn huy động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 77,4% nhu cầu vốn tín dụng tại khu vực.
Đến 31/5/2013, tổng dư nợ tại các TCTD khu vực ĐBSCL đạt 283.964 tỷ đồng, tăng gần 6% so với 31/12/2012, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 70% tổng dư nợ. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn,trong 5 tháng đầu năm 2013, doanh số cho vay đạt 78.878 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 73.506 tỷ đồng. Đến 31/5/2013, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại khu vực ĐBSCL đạt 117.489 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2012 và chiếm tỷ trọng gần 41% tổng dư nợ cho vay trong khu vực (chưa kể một số địa phương khác, điển hình như thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho các doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL vay để thu mua chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản).
Các TCTD đã tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề thế mạnh của vùng, đồng thời quán triệt chủ trương xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, lúa gạo và thủy sản là những sản phẩm chủ lực tại khu vực ĐBSCL. Hiệu quả của hoạt động tín dụng ngân hàng trong những năm qua đã được phản ánh thông qua kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước như lúa gạo, thủy sản, tôm, cá tra…
Tínhđến 31/5/2013,tính chung trong cả nước,dư nợ cho vay thu mua lúa gạo đạt 28.993 tỷ đồng; trong đó khu vực ĐBSCL đạt 22.167 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đến 76,5% tổng dư nợ cho vay thu mua lúa gạo trên toàn quốc và tăng 30,3% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2012. Đặc biệt đối với cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo,tính đến nay, các ngân hàng thương mại đã cho vay các doanh nghiệp thu mua là 7.612 tỷ đồng, tương đương với khối lượng thu mua tạm trữ là 951.630 tấn quy gạo (đạt 95% tổng khối lượng thu mua dự trữ); Tính đến ngày 08/7/2013, dư nợ cho vay thu mua thóc, gạo tạm trữ vụ Hè Thu đạt 3.552 tỷ đồng với khối lượng thu mua tạm trữ là 470.000 tấn quy gạo.
Bên cạnh đó, cho vay lĩnh vực thủy sản cũng được các TCTD hết sức chú trọng, cụ thể:Doanh số cho vay nuôi trồng, thu mua chế biến xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm tại khu vực ĐBSCL đạt 28.533 tỷ đồng, dư nợ cho vay đến 31/5/2013 là 35.290 tỷ đồng, tăng 0,26% so với thời điểm 31/12/2012. Trong đó, dư nợ chủ yếu là tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (24%), Ngân hàng Ngoại thương (19,6%) và Ngân hàng Đầu tư (20,4%). Riêng doanh số cho vay nuôi trồng, thu mua chế biến xuất khẩu cá tra của các TCTD tại khu vực ĐBSCL trong 5 tháng đầu năm đã đạt gần 19.597 tỷ đồng, dư nợ cho vay đến ngày 31/5/2013 là 23.054 tỷ đồng, tăng 1,21% so với cuối năm 2012.
Riêng đối với tín dụng chính sách, hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang triển khai thực hiện cho vay 11 chương trình tín dụng chính sách tại khu vực ĐBSCL theo chỉ định của Chính phủ và 1 số chương trình, dự án khác do UBND địa phương ủy thác. Đến ngày 31/5/2013, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trong khu vực đã đạt gần 19.141 tỷ đồng, tăng 3,43% so với 31/12/2012, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất (32%) là chương trình cho vay hộ nghèo với dư nợ đến cuối tháng 5/2013 đạt 6.179 tỷ đồng, tăng 3,27% so với cuối năm 2012.
Bên cạnh các hoạt động kinh doanhhiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, hệ thống ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đối với các khu vực khó khăn tại vùng ĐBSCL. Trong năm 2013, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện công tác an sinh xã hội cho toàn bộ 13 tỉnh, thành thuộc ĐBSCL với tổng số tiền lên đến 401 tỷ đồng, chiếm 31,2% tổng giá trị tài trợ ASXH của ngành Ngân hàng cho cả nước. Trong giai đoạn 2008-2012, ngành Ngân hàng đã tài trợ ASXH cho khu vực này là 1.312 tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng giá trị tài trợ.
Những nỗ lực của hệ thống ngân hàng thời gian qua đã mang lại thành công lớn trong việc thực hiện thắng lợi chủ trương lớn của Chính phủ đối với công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại khu vực ĐBSCL, nhờ đó nhiều huyện, xã nghèo đã cơ bản xóa hết nhà tạm cho các hộ nghèo, đời sống văn hóa, tinh thần của hộ nghèo được cải thiện và nâng cao rõ rệt, người dân có điều kiện về y tế tốt hơn để chăm sóc sức khỏe, trường lớp được đầu tư khang trang hơn... Đồng thời, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tài trợ an sinh xã hội cho các huyện, xã nghèo trên địa bàn cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng trong những năm tiếp theo, trong đó tập trung vào việc xây dựng nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ cơ sở vật chất y tế, giáo dục, xây dựng cầu giao thông nông thôn và một số nội dung cấp thiết phục vụ đời sống của đồng bào nhân dân.
Nhìn chung, trong6 tháng đầu năm, hệ thống Ngân hàng đã tích cực triển khai kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách một cách chủ động, linh hoạt nhằm tăng cường đầu tư vốn cho nền kinh tế và vùng ĐBSCL. Nhờ đó, dư nợ tín dụng đầu tư vào khu vực ĐBSCL liên tục tăng.Vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, gia trại tại vùng ĐBSCL có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất góp phần tăng năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Vốn tín dụng cũng góp phần thúc đẩy phát triển thị trường phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, khu chăn nuôi tập trung,vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh khai thác, đánh bắt xa bờ…; phát triển giao thông, thương mại, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Những kết quả này thể hiện tâm huyết, nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL theo hướng Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa.
Mặc dù nguồn vốn ngân hàng đã góp phần tích cực vào phát triển kinhtế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại khu vực ĐBSCL trong những năm qua, song hoạt động tín dụng đối với khu vực còn gặp nhiều khó khăn: nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng được hết nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của khu vực thiếu ổn định,công tác quy hoạch, kế hoạch về nuôi trồng, chế biến xuất khẩu lúa gạo và thủy sản còn bất cập; việc dự báo thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản còn gặp khó khăn, vì vậy chưa quản lý được cung –cầu của thị trường; hiện tượng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn thường xuyên xảy ra...Những khó khăn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư vốn tín dụng trên địa bàn, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.
Để tiếp tục góp phần ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng, phát huy hiệu quả và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực ĐBSCL, trong 6 tháng cuối năm 2013, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào một số giải pháp sau đây:(i)Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi, trồng chế biến xuất khẩu lúa gạo và thủy sản nói riêng để khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm này trong khu vực ĐBSCL;(ii)Tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng của Chính phủ để hỗ trợ cho lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của khu vực ĐBSCL, như các chương trình về tạm trữ lúa gạo, chương hỗ trợ theo công văn số 1149/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ, chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch... để giúp các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, có mức thu nhập hợp lý từ hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo, thủy sản;(iii)Nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp đối với lĩnh vực lúa gạo, thủy sản và rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở khu vực ĐBSCL, như cho vay lưu vụ, cho vay thông qua chuỗi liên kết, sổ vay vốn thay cho hợp đồng tín dụng đối với người trồng lúa...;(iv)Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các TCTD trong việc triển khai các chính sách tín dụng của Chính phủ và của NHNN đối với lĩnh vực lúa, gạo và nuôi trồng, chế biến thủy sản tại khu vực ĐBSCL.
Một số kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long
a.Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành:
- Chính phủ, các Bộ, ngành cần có nhiều giải pháp hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực chế biến sản phẩm; xây dựng hệ thống kho tàng dự trữ, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt đối với lúa gạo qua đó điều tiết thị trường; khuyến khích việc hình thành các chợ bán buôn nông sản hàng hóa.
- Chính phủ cần chỉ đạo tăng vốn đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng CNH, HÐH, khắc phụctìnhtrạng thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Chính phủ cần thiết lập hệ thống thông tin về thị trường, giá cả, dự báo giúp nông dân và doanh nghiệp có hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩmnông nghiệp. Đây là yêu cầu cấp thiết và chính đáng của doanh nghiệp, hộ nông dân cũng như các TCTD. Đồng thời xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
- Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành Nghị định về chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng yên tâm đưa vốn về nông thôn.
- Tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ trực tiếp tài chính, tín dụng trong những trường hợp đặc biệt, như khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
- Nguồn tài chính cần cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới là rất lớn, trong khi nguồn lực trong nước có hạn, vìvậy chúng ta cần nghiên cứu, có chính sách thu hút và mở rộng qui mô hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô trong nước và quốc tế để mở rộng cho vay hộ sản xuất, hộ nghèo; tạo cầu nối giữa tín dụng chính thức và phi chính thức.
b. Đối với cấp ủy và chính quyền các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL:
- UBND các tỉnh cần chỉ đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh xây dựng, hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa: Vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy hải sản, khu chăn nuôi tập trung; công bố quỹ đất có thể giao hoặc cho thuê, đất còn hoang hóa… có thể sử dụng để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tạo môi trường đầu tư thuận lợi giúp ngân hàng có điều kiện mở rộng đầu tư vào các vùng chuyển đổi.
Để phát triển nông nghiêp, nông thôn một cách bền vững, bên cạnh việc đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân khu vực nông thôn, đề nghị UBND các Tỉnh có kế hoạch, triển khai phát triển đồng bộ thị trường phục vụ sản xuất nông nghiệp, trước tiên là thị trường cung ứng đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y…), phát triển hệ thống các cơ sở sản xuất giống tập trung quy mô lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp; khuyến khích đầu tư, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất cho bà con nông dân, giúp cho ngành Ngân hàng có điều kiện mở rộng và tăng suất đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL cần có quy hoạch rõ ràng, lâu dài và phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội của địa phương mình, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ở mọi thành phần kinh tế yên tâm đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh.
- Cần có chính sách ưu đãi để thúc đẩy công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, rà soát lại các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế để sắp xếp thứ tự ưu tiên một cách hợp lý.
- Nâng cao năng lực, kỹ năng kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hội nhập sâu rộng và bền vững. Đẩy mạnh liên kết hợp tác nội vùng ĐBSCL cũng như giữa vùng ĐBSCL với các vùng kinh tế khác trong nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh trong việc đẩy mạnh phát triển những sản phẩm sử dụng công nghệ cao.
- Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến với các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu trên cơ sở chú trọng thu hút các nhà đầu tư có nănglực tài chính, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và kinh nghiệm quản lý tham gia đầu tư phát triển.
- Tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực sản xuất, các ngành mũi nhọn như: công nghiệp điện tử, sản xuất phần mềm, tin học và tự động hóa, công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu lương thực, thực phẩm, thủy sản… Mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực theo nhiều hình thức khác nhau, chú ý đào tạo công nhân tay nghề cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

    Tổng số lượt xem: 2352
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)