Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 4 tỉnh, thành: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Tp. Cần Thơ đang đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo động lực cho cả vùng ĐBSCL phát triển.
Hiện 4 địa phương đang phối hợp quy hoạch, đề ra kế hoạch khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn vùng kinh tế trọng điểm, hợp tác với các địa phương khác trong cả nước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn so với bình quân cả nước, đưa GDP tăng mỗi năm lên từ 12 - 13%.
Theo đó, 4 tỉnh, thành sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp; đến năm 2020 khu vực nông, lâm, thủy sản giảm xuống còn 15%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng lên 40%; khu vực dịch vụ tăng lên 45%; đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ bình quân 20%/năm; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65%; phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hoá của vùng đạt 46%; mở rộng quy mô dạy nghề và trung học chuyên nghiệp, bảo đảm tốc độ tăng và cơ cấu hợp lý giữa các ngành, các bậc đào tạo và bảo đảm đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về phía Trung ương tiếp tục đầu tư cho các công trình hạ tầng quan trọng có liên quan đến phát triển vùng như trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương và hệ thống phân phối khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam, tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, quốc lộ 1A, 80, 91, tuyến đường đường N1, N2, hệ thống đường trên đảo Phú Quốc, các cảng biển, cảng hàng không.
Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL rộng 17.867 km2, có 6,5 triệu dân, có vị trí địa lý, kinh tế quan trọng, có tiềm năng to lớn, đặc biệt là lương thực, thủy sản. Thời gian qua, cơ cấu ngành kinh tế của vùng đã chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả. Sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng trưởng ổn định. Sản lượng lúa, thủy sản chiếm lần lượt là 22% và 27,8% sản lượng cả nước./.