(MPI) – Ngày 06/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn. Buổi làm việc có sự tham dự của các bộ, ngành là thành viên Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Tổ công tác đặc biệt đã đi vào hoạt động và tổ chức làm việc trực tuyến với một số địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án đầu tư công và đầu tư khu vực ngoài nhà nước. Thứ trưởng hi vọng qua buổi làm việc, Hưng Yên sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, dễ dàng hơn khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Buổi làm việc tập trung giải quyết một số khó khăn và xử lý các vướng mắc còn tồn đọng từ phía các địa phương. Thứ nhất, liên quan đến quy định hiện hành cần phải sửa đổi. Hiện nay, việc sửa đổi các quy định hiện hành đang trong quá trình thực hiện và sắp tới sẽ có hiệu lực. Đơn cử tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra vào ngày 06/9/2021, nội dung về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư kinh doanh được đưa ra xin ý kiến và trình lên Quốc hội xem xét.
Bên cạnh đó, một số văn bản khác cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, ví dụ như: sửa đổi Luật Đất đai và một số Nghị định có liên quan hoặc đang trong quá trình chuẩn bị ban hành Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế…
Thứ hai, liên quan đến vướng mắc chưa được giải đáp rõ ràng về các quy định hiện hành. Trong buổi làm việc với các địa phương, bộ, ngành liên quan, các thành viên của Tổ công tác đặc biệt sẵn sàng tiếp thu ý kiến, kiến nghị từ phía địa phương để có hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện các dự án đầu tư.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên Trịnh Văn Diễn đưa ra các khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thứ nhất, về khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền trong việc kéo dài thời gian thực hiện các dự án vốn ngân sách địa phương, ông Trịnh Văn Diễn cho rằng, tại khoản 2, Điều 68, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31/01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau. Nhưng trên thực tế, HĐND tỉnh thường tổ chức 2-3 kỳ họp/năm, việc phải báo cáo HĐND tỉnh quyết định dẫn đến phát sinh thêm nhiều thời gian để triển khai thực hiện có thể gây sai sót và thiếu chủ động cho các địa phương.
Tỉnh đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2, Điều 68, Luật Đầu tư công 39/2019/QH14 theo hướng cho phép HĐND cấp huyện, xã quyết định kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau đối với vốn ngân sách cấp mình quản lý. Đồng thời kiến nghị, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi điểm c, khoản 7, Điều 67, Luật Đầu tư công 39/2019/QH14 theo hướng giao cho UBND các cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách địa phương do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Thứ hai, về khó khăn, vướng mắc đối với dự án đầu tư trong việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hưng Yên đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương để đảm bảo điều kiện giao vốn, tổ chức đầu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công và giải ngân vốn theo quy định.
Thứ ba, về thẩm quyền Quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, đô thị, theo quy định của pháp luật về đầu tư, đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị, hoặc dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị thuộc thẩm quyền chấp thuận thủ trương của Thủ tướng Chính phủ theo điểm g Điều 21 Luật Đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, có những dự án xây dựng nhà ở, xã hội có quy mô nhỏ nhưng dân số lớn sẽ thuộc trường hợp bác cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, như vậy sẽ dẫn đến kéo dài thời gian đưa dự án vào hoạt động của doanh nghiệp.
Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định về thẩm quyền Quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhà ở, đô thị theo hướng chỉ sử dụng yếu tố, quy mô sử dụng đất làm căn cứ xác định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về việc thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trước đây theo quy định của Luật đầu tư 2014 có quy định việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đối với trường hợp sau 12 tháng nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp giãn tiến độ thực hiện dự án. Nhưng hiện nay, Luật đầu tư 2020 đã bỏ nội dung này, gây khó khăn cho địa phương trong việc xử lý đối với các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai do nhà đầu tư không thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng… Do vậy, không thể áp dụng điểm a khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư để chấp dứt hoạt động của dự án. Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hướng dẫn hoặc bổ sung các chế tài xử lý đối với các trường hợp thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án được nhà nước giao đất cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước vè đầu tư trong việc chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm triển khai do chưa thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.
Thứ tư, về việc nghiệm thu công trình xây dựng để hoàn trả tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện theo dự án, theo quy định tại điểm b khoản 9 Điều 26 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ, nhà đầu tư được hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại và tiền lãi phát sinh từ số tiền ký quỹ (nếu có), hoặc chấm dứt hiệu lực của bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ tại thời điểm nhà đầu tư đã hoàn thành việc nghiệm thu công trình xây dựng. Tuy nhiên, pháp luật về đầu tư không có hướng dẫn việc nghiệm thu công trình xây dựng được thực hiện như thế nào, nhà đầu tư tự nghiệm thu hay theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trên thực tế, một số dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động, nhưng do thời gian nghiệm thu các hạng mục công trình kéo dài, nếu để xong các thủ tục nghiệm thu công trình doanh nghiệp mới được đề xuất hoàn trả ký quỹ thì đến thời điểm xin hoàn trả tiền ký quỹ, dự án sẽ vi phạm tiến độ đầu tư. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong việc xác định đủ điều kiện giải ngân số tiền ký quỹ. Do vậy, tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn cụ thể về việc nghiệm thu công trình xây dựng khi thực hiện hoàn trả toàn bộ số tiền ký bảo đảm thực hiện dự án.
Thứ năm, về vướng mắc trong các văn bản khác của Trung ương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, theo quy định tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải thực hiện đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Việc chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên trong phương án cổ phần hóa của một số doanh nghiệp trước đây, không quy định cụ thể về phương án sử dụng đất, gây khó khăn cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có văn bản tháo gỡ đối với các trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, khi chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp hoặc tại Phương án cổ phần hóa doanh nghiệp chưa quy định rõ về phương án sử dụng đất, được điều chỉnh mục đích sử dụng đất khi dự án phù hợp với quy hoạch.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Pháp chế, Cục Quản lý đấu thầu, Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Quản lý các khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính,… đã trao đổi những quy định của pháp luật về đầu tư công, Luật đầu tư năm 2021, Nghị quyết số 82/2019/QH14 và chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Hưng Yên gặp phải trong quá trình thực hiện dự án. Đại diện tỉnh Hưng Yên cũng đã có những trao đổi phản hồi lại sau khi nghe ý kiến từ Tổ công tác đặc biệt.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, các nội dung đã được đại diện các bộ, ngành và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích rõ ràng.
Liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong nhóm dự án về đất đai của tỉnh Hưng Yên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về công tác quy hoạch và đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét cho ý kiến. Thứ trưởng hi vọng tỉnh Hưng Yên sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác để cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thời gian sớm nhất./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư