Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/08/2021-19:07:00 PM
Họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 31/8/2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp. Ảnh: MPI

Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được thành lập theo Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày 04/8/2021.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, tạo đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, sức bật của nền kinh tế; khối lượng công việc thực hiện lớn trong khi nguồn lực có hạn và chúng ta đã khẳng định không thể dùng ngân sách nhà nước để thực hiện mà cần huy động đối tác công tư, sự tham gia của xã hội. Tuy nhiên qua thực tiễn cho thấy điều này cũng không đơn giản, làm thế nào để thu hút nguồn vốn xã hội, vốn tư nhân là bài toán rất khó.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung liên quan đến phương án đầu tư; phần vốn của Nhà nước tham gia vào thực hiện dự án; khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư; khả năng huy động các vốn vay; chi phí xử lý rủi ro; các cơ chế chính sách đặc thù đối với triển khai thực hiện dự án; vấn đề chuyển đổi sử dụng đất;… Đây là nhiệm vụ đã đưa vào Nghị quyết, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu phát biểu trên tinh thần đây là nhiệm vụ chung của đất nước, cần thiết, cấp bách, không thể chần chừ, làm thế nào để xây dựng đề án tốt nhất, để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Tại cuộc phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải đã trình bày tóm tắt nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trong đó đưa ra những đánh giá tổng quan; sự cần thiết đầu tư; mục tiêu, quy mô, phạm vi đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn; phương thức đầu tư, hình thức hợp đồng; đề xuất một số cơ chế, giải pháp triển khai dự án.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, dự kiến Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đầu tư 09/12 dự án thành phần, dài 552 km đầu tư theo phương thức PPP thuộc địa bàn 12 tỉnh/thành phố. Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 118.672 tỷ đồng, nhu cầu vốn nhà nước khoản 61.628 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao. Kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại có sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Việc đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là cần thiết; Đại hội XIII xác định mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam; giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt là quốc lộ 1 không thể khắc phục.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI

Tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tăng Ngọc Tráng, đại diện Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành trình bày báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Trong đó nhấn mạnh các nội dung liên quan đến việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đánh giá việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; đánh giá việc phân tích, lựa chọn sơ bộ các phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư; đánh giá phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; đánh giá về việc xác định tổng mức đầu tư, hiệu quả đầu tư; cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu; hình thức lựa chọn nhà đầu tư;…

Tham gia thảo luận, các thành viên Hội đồng là đại diện cho các bộ, ngành đã đưa ra các ý kiến trao đổi, góp ý thẳng thắn, khách quan. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cảm ơn các ý kiến góp ý khẳng định trên tinh thần cầu thị, Bộ sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn để tiếp thu tối đa các ý kiến. Đồng thời nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến sự cần thiết, quan điểm đầu tư; cách thức thực hiện, triển khai; lần này trình có 12 dự án trong đó 09 dự án PPP và 03 dự án đầu tư công; phân tích, đánh giá về việc thực hiện dự án giai đoạn trước so với giai đoạn 2021-2025. Luật PPP đã được ban hành và có điều kiện thu hút đầu tư nhiều hơn; điều kiện chia sẻ rủi ro có những điều khoản rõ ràng…

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của Tổ chuyên gia liên ngành. Đồng thời đề nghị, Bộ Giao thông vận tải phải nghiên cứu báo cáo của Tổ chuyên gia liên ngành đảm bảo trình đến đâu chắc đến đấy; nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến chất lượng, sâu sắc của các bộ ngành; cần đánh giá được tình hình triển khai trong giai đoạn vừa qua để đảm bảo tính khả thi, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo, trong đó đưa ra các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, quan điểm triển khai các dự án mới; làm rõ phương án đầu tư; phân kỳ đầu tư cũng giải trình rõ; vấn đề sử dụng đất phải chi tiết từng loại đất trên từng tỉnh; khả năng thu hút đầu tư theo tính khả thi của dự án, trong đó phải đánh giá các dự án đã và đang triển khai, phân tích kỹ tình hình các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng hiện nay; tính toán các khả năng, kịch bản và có kiến nghị kèm theo.

Bộ trưởng cũng đề nghị phải tính toán cơ chế tiếp cận nguồn vốn; tính toán nhu cầu và bố trí đất đai, liên quan đến tính khả thi của dự án; Việc tham gia của nhà nước; Làm rõ việc giao đầu mối cho cơ quan có cấp thẩm quyền; làm rõ hình thức đấu thầu; cơ chế chuyển PPP sang đầu tư công…

Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Báo cáo, đảm bảo tính khả thi cao nhất và đảm bảo hồ sơ phải giải trình rõ để báo cáo Chính phủ trước khi báo cáo Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 10/2021./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4330
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)