(MPI) – Tọa đàm “Giao lưu Việt - Mỹ: Những cơ hội hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh nông sản” sẽ diễn ra trong 02 ngày 09 - 10/9/2021 do Hội Việt - Mỹ tổ chức. Đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự và có bài tham luận Tọa đàm.
|
Điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Phát biểu tại Tọa đàm, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ (VUS) Nguyễn Tâm Chiến cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã diễn biến phức tạp, gây nhiều tổn thất về tính mạng con người và của cải vật chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của các nước và quan hệ quốc tế. Hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ không nằm ngoại lệ trong hoàn cảnh khó khăn chung đó, nhất là đại dịch đang gây cản trở lớn cho phát triển quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân, đồng thời làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung cứng hàng hóa, tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là quan hệ đối tác toàn diện, Nhân dân hai nước đồng thời là bạn và đối tác. Hợp tác và buôn bán về nông sản là minh chứng để bổ sung cho nhau của hai nền kinh tế, là lĩnh vực Việt Nam và Hoa Kỳ có nhu cầu và tiềm năng phát triển lớn. Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với mức tăng gần 60% so với 2 tháng năm 2020.
Tọa đàm diễn ra với mong muốn tạo thêm diễn đàn để các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam có thể kết nối trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu thị trường, gặp gỡ đối tác, xúc tiến thương mại, chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận thị trường của nhau để thúc đẩy giao lưu và buôn bán hai chiều.
Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Nghị cho biết, Tọa đàm là cơ hội để giao lưu, chia sẻ, tăng cường quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và kết nối, thúc đẩy thương mại giữa các Công ty của Hoa Kỳ với doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam nói riêng. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trở thành phương thức tổ chức hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu bền vững.
Sơ lược về tình hình phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tính đến hết 6 tháng đầu năm 2021, ông Bùi Nghị cho biết, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30/6/2021 cả nước có 26.642 HTX, 96 Liên hiệp HTX và 72.921 tổ hợp tác, trong đó có 17.384 HTX nông nghiệp (chiếm khoảng 66%), 78 Liên hiệp HTX nông nghiệp (chiếm 81%). Tổng số thành viên HTX là 5.725.547 thành viên và thu hút khoảng 800 nghìn lao động. Các HTX, liên hiệp HTX tích cực nâng cao năng lực quản trị, thu hút lao động trẻ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX, liên hiệp HTX tự huy động nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh để ứng phó với đại dịch Covid-19. Khu vực KTTT, HTX phát triển đa dạng trong các ngành, lĩnh vực. Số lượng các HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, so với thời điểm ngày 31/12/2020, số lượng HTX nông nghiệp cả nước tăng 138 HTX. Vùng Đồng bằng sông Hồng có số lượng HTX nông nghiệp nhiều nhất với 4.722 HTX (chiếm 26,83%); Trung du miền núi phía Bắc có 4.349 HTX (chiếm 24,71%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ có 4.038 HTX (chiếm 22,94%); Tây Nguyên có 1.264 HTX (chiếm 7,18%); Đông Nam Bộ có 722 HTX (chiếm 4,1%); Đồng bằng sông Cửu Long 2.505 HTX (chiếm 14,23%). Số lượng thành viên HTX nông nghiệp là 3,78 triệu người. Trung bình 1 HTX nông nghiệp có khoảng 215 thành viên. Có 2.217 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX, chiếm 12,6% tổng số HTX nông nghiệp cả nước.
Nhìn chung, các HTX nông nghiệp đã quan tâm, không ngừng củng cố và kiện toàn bộ máy, ngày càng chú trọng thực hiện liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra. Hiện nay, có trên 4.000 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với khoảng 1.900 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. HTX nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong kết nối giữa hộ nông dân quy mô nhỏ với doanh nghiệp thông qua liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hiện nay, đã xuất hiện những mô hình HTX tham gia liên kết với doanh nghiệp rất thành công. Các HTX này có thể tham gia vào một hoặc nhiều khâu của chuỗi giá trị liên kết, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm của thành viên. Đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình HTX nông nghiệp với cách thức tổ chức sản xuất mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất, hiệu quả hoạt động cao trong từng lĩnh vực, phù hợp với vùng miền, ngành hàng nông sản chủ lực.
Doanh thu và lãi bình quân 01 năm của HTX nông nghiệp đạt 2,44 tỷ đồng và 383 triệu đồng; thu nhập bình quân của 01 lao động là 40,45 triệu đồng/năm tương đương 3,4 triệu đồng/người/tháng. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 kéo dài, diễn biến phức tạp nên các HTX nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm tồn đọng, hư hỏng với khối lượng lớn trong khi nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao.
Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các HTX Việt Nam có cơ hội trên thị trường Hoa Kỳ như: trồng trọt (điều, hồ tiêu, chuối, nhãn lồng, xoài), chăn nuôi (yến, mật ong), thủy sản (cá),… sẽ được các HTX chia sẻ cụ thể hơn trong buổi thảo luận ngày 10/9/2021.
Về các giải pháp hợp tác, hỗ trợ HTX từ phía các cơ quan của Hoa Kỳ, ông Bùi Nghị cho biết, các HTX nông nghiệp tại Việt Nam cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, tuy nhiên năng lực còn rất hạn chế, gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy, mong muốn qua buổi Tọa đàm sẽ có nhiều doanh nghiệp, cơ quan của Hoa Kỳ quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn hoặc liên kết hợp tác với các hợp tác xã Việt Nam trong các quy trình tổ chức sản xuất, đóng gói, chế biến sản phẩm đảm bảo các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và có thể cung cấp, chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy về các HTX tới các Cơ quan hỗ trợ, các nhà đầu tư, đối tác của Hoa Kỳ để lựa chọn địa bàn, HTX, hay các sản phẩm thích hợp. Hiện tại phía Việt Nam có thể cung cấp, giới thiệu đến các đối tác Hoa Kỳ danh sách, thông tin liên hệ và các sản phẩm chủ lực của các HTX thuộc top 5 các HTX có doanh thu lớn nhất, tài sản lớn nhất và các sản phẩm chủ lực của 63 địa phương trên phạm vị cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể chia sẻ, cung cấp các thông tin, quy định pháp lý hiện hành về các thủ tục cấp phép đầu tư, ưu đãi đầu tư đến các đối tác một cách đầy đủ và chính xác nhất.
Hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ cần tăng cường các buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm phát triển các HTX của Hoa Kỳ và giải pháp, điều kiện áp dụng tại Việt Nam. Tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền nâng cao năng lực và nhận thức cho các thành viên HTX trong tổ chức sản xuất sản phẩm đúng quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng.
Đồng thời, tăng cường hợp tác trong xây dựng khuôn khổ pháp lý về hợp tác xã, Luật, nghị định, thông tư và các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của xã hội cho sự phát triển hợp tác xã; Hợp tác trong chiến lược, kế hoạch hàng năm, 5 năm phát triển hợp tác xã; Hợp tác trong xây dựng, hoàn thiện và công khai chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu về các HTX và sản phẩm đặc trưng; Hợp tác trong nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết giữa Công ty Hoa Kỳ và HTX sản xuất nông nghiệp Việt Nam hình thành chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu bền vững. Hợp tác trong hoàn thiện khung khổ pháp luật môi trường kinh doanh thuận lợi cho các HTX và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư