(MPI) – Để triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, ngày 10/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc trực tuyến với UBND thành phố Hải Phòng về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư. Thứ trưởng Trần Duy Đông và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đồng chủ trì buổi làm việc.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông điều hành buổi làm việc tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ảnh: MPI |
Tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long và đại diện các Sở, Ban, ngành của Thành phố. Tại các điểm cầu khác có đại diện các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giao thông vận tải và đại diện các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long đã nêu ra các vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, giải quyết như: vướng mắc về chi phí giải phóng mặt bằng, quá trình triển khai thực hiện dự án; vướng mắc đối với dự án đầu tư kinh doanh;… Báo cáo nêu ra các nguyên nhân của vướng mắc và đề xuất các giải pháp tương ứng.
Trả lời các nội dung mà thành phố Hải Phòng nêu liên quan tới Luật Đất đai, bà Trần Thị Giang Hương đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc nhận chuyển nhượng đối với nhà đầu tư nước ngoài, các loại đất thương mại, dịch vụ không thuộc diện thu hồi đất ở Điều 62 của Luật Đất đai, pháp luật đất đai hiện chưa có quy định về vấn đề này. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được ý kiến của một số địa phương đối với vấn đề nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất như giao dịch dân sự. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các địa phương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Bộ sẽ ghi nhận và tổng hợp ý kiến này để hoàn thiện hơn trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai. Đối với những dự án chấm dứt hoạt động đầu tư, chủ đầu tư sẽ được bán tài sản gắn liền với đất cho thuê hằng năm, đối với trường hợp này mới có quy định đối với đất thuê hằng năm, sẽ có những khó khăn như thành phố Hải Phòng đang đề xuất, Bộ cũng sẽ tổng hợp để đưa vào sửa đổi Luật Đất đai thời gian tới.
Liên quan đến Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quỳnh Lê cho biết, về đấu thầu đối với đất hỗn hợp, Nghị định 148/2020/NĐ-CP có quy định: nếu như có đất hỗn hợp mà phần đất do nhà nước quản lý chưa được giải phóng mặt bằng nếu tách được thì làm đấu giá, còn nếu không tách được thì không qua đấu giá, đấu thầu, như trường hợp vướng mắc của thành phố Hải Phòng là đất mà có nhà dân nằm trong toàn bộ quy hoạch thực hiện dự án, nội dung này vướng ở pháp luật về đất đai. Khi nhà nước đứng ra tổ chức đấu giá hay đấu thầu thì nhà nước cũng phải đảm bảo là nhà nước có quyền sử dụng đất đó, nội dung này vướng ở Điều 62 của Luật Đất đai, khi nào nhà nước thực hiện quyền thu hồi lại đất để thực hiện các dự án phát triển, đây là một nội dung lớn cần bàn trong việc sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề tại một địa điểm mà có hai nhà đầu tư trở lên quan tâm thì thực hiện đấu thầu, Điều 16 của Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư cần làm rõ khi nào thì xác định được có hai nhà đầu tư quan tâm. Bà Vũ Quỳnh Lê cho biết, đối với pháp luật chuyên ngành, các bộ, ngành cũng đang khẩn trương ban hành các hướng dẫn cụ thể, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực, ngành cụ thể. Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/ 10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có nội dung về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện nhà ở xã hội.
Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũng có nội dung về lựa chọn nhà đầu tư. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành cũng ban hành hướng dẫn cụ thể với các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trong từng ngành. Bà Vũ Quỳnh Lê cũng đề nghị UBND thành phố Hải Phòng cho ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đốc thúc ban hành sớm các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, kể cả lựa chọn nhà đầu tư PPP.
|
Hình ảnh tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Về xử lý tình huống trong chuyển nhượng cổ phần giữa các nhà đầu tư, thành phố Hải Phòng đã nêu ra Điều 54 Luật Đầu tư PPP đã quy định về việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án PPP. Tuy nhiên, cần có thêm các quy định về xử lý tình huống để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong công tác triển khai hợp đồng dự án. Cụ thể, hiện chưa có quy định đối với trường hợp một trong các thành viên liên danh xin rút khỏi dự án (vì lý do bất khả kháng hoặc do lỗi của thành viên liên danh đó) và các thành viên còn lại đáp ứng đủ điều kiện về năng lực kinh nghiệm, tài chính và có đề nghị góp bổ sung vốn chủ sở hữu (trong trường hợp thành viên liên danh xin rút chưa góp vốn chủ sở hữu) hoặc mua lại phần vốn góp của thành viên liên danh xin rút (trong trường hợp thành viên đó đã góp đủ vốn chủ sở hữu) cũng như huy động đủ vốn để tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án. Để tháo gỡ khó khăn cho một số hợp đồng PPP trên địa bàn, thành phố Hải Phòng đề nghị có hướng dẫn cụ thể cũng như phương án xử lý đối với trường hợp này.Bà Vũ Quỳnh Lê cho biết Điều 54 của Luật PPP có khoản 1 và khoản 2 đã quy định rõ và rất linh hoạt việc các nhà đầu tư, thành viên liên danh có được phép chuyển nhượng cổ phần cho nhau hay không.
Tại buổi làm việc, thành phố Hải Phòng đã đưa ra 17 nội dung liên quan đến đầu tư công, dự án sản xuất kinh doanh và dự án PPP. Đại diện đến tới từ Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, … đã giải đáp 10/17 nội dung. Những nội dung còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ghi nhận, tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, sửa đổi.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư thì đó sẽ là cách để giải phóng nguồn lực, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Các nội dung kiến nghị chưa được trả lời tại buổi làm việc sẽ được các bộ, ngành nghiên cứu để sửa đổi trong thời gian sớm nhất. Thứ trưởng đề nghị thành phố Hải Phòng trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, phối hợp để khắc phục các vướng mắc. Tổ công tác sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư