(MPI) - Ngày 13/9/2021 đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng kinh tế công nghiệp Mê Công - Nhật Bản lần thứ 13 theo hình thức trực tuyến dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama và Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Lào Khampheng Saysompheng. Thứ trưởng Trần Quốc Phương tham dự tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tham dự Hội nghị có các đại biểu của các nước Việt Nam, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Thái Lan và Ban Thư ký ASEAN.
|
Bộ trưởng phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Lào Khampheng Saysompheng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên thế giới và khu vực, ảnh hưởng đến hệ thống y tế và kinh tế của mỗi quốc gia. Bên cạnh tăng cường độ phủ của vắc-xin, các quốc gia cũng đã tăng cường các biện pháp ứng phó và khôi phục kinh tế.
Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, kịp thời để thúc đẩy các hành động, đạt được các kết quả về kinh tế, đặc biệt là thảo luận về các vấn đề liên quan tới việc thực hiện các chương trình, dự án mới để hướng đến Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) trong khu vực Mê Công cũng như thực hiện các chương trình trong Báo cáo tầm nhìn Mê Công - Nhật Bản phiên bản 2.0.
|
Bộ trưởngHiroshi Kajiyama phát biểu. Ảnh: MPI |
Bộ trưởng Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama chia sẻ những khó khăn trong bối cảnh do tác động của dịch Covid-19 đến các hoạt động hợp tác quốc tế và tin tưởng các quốc gia sẽ sớm vượt qua những rào cản, khó khăn để phát triển và tăng trưởng trong tương lai. Tiểu vùng Mê Công mở rộng có văn hóa đa dạng, lịch sử lâu đời, nguồn nhân lực dồi dào. Tiểu vùng dựa vào thế mạnh của các quốc gia có mức độ tăng trưởng kinh tế cao và Nhật Bản mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của Tiểu vùng Mê Công mở rộng thông qua sự hợp tác công tư, vượt qua những khó khăn của đại dịch, đạt được những mục tiêu của xã hội phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Báo cáo Tầm nhìn Mê Công - Nhật Bản (MIDV 2.0) tập trung vào 03 trụ cột Kết nối, Đổi mới kỹ thuật số, Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và cụ thể hóa thông qua các dự án được triển khai tại Chương trình sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng Mê Công theo hướng hội nhập, bắt kịp sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của Tiểu vùng. Đây cũng là những lĩnh vực thế mạnh mà Nhật Bản có thể chia sẻ, chuyển giao công nghệ.
Năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam bước vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025, thông qua những đột phá chiến lược về kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững dựa trên đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa Việt Nam vào nhóm nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2045.
Những trụ cột ưu tiên của MIDV 2.0 cũng hoàn toàn gắn kết với những ưu tiên phát triển của Việt Nam. Về kết nối, Chính phủ Việt Nam xác định để phát triển nhanh và bền vững, kết nối hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Ngay trong năm 2020-2021, nhiều tuyến đường thuộc mạng lưới đường cao tốc quốc gia đã được khởi công, phấn đấu đến năm 2030 đưa vào khai thác 5.000 km đường cao tốc. Về kết nối mềm, trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình “một cửa, một lần dừng”. Ngoài ra, cũng đang tích cực tham gia nghiên cứu cơ chế một cửa - một điểm dừng quốc gia và ASEAN.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: MPI |
Về đổi mới kỹ thuật số, Chính phủ Việt Nam chủ trương chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP; dự kiến trong năm 2021 ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ giao thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trong năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích ứng với bối cảnh mới.
Về thực hiện SDGs, các mục tiêu của phát triển bền vững đã được lồng ghép vào các Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Với những nỗ lực đó, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam liên tục tăng (năm 2016 xếp thứ 88/149 nước, đến năm 2020 xếp thứ 49/166 nước).
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các đề xuất dự án mới của Nhật Bản và Ban Thư ký đã bám sát các trụ cột ưu tiên của MIDV 2.0. Đồng thời bày tỏ cảm ơn chân thành tới Nhật Bản đã hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam nói riêng, các nước Tiểu vùng Mê Công nói chung để giúp sớm khắc phục được dịch bệnh, bảo đảm đời sống, sức khỏe của Nhân dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã điểm lại những nội dung chính của Hội nghị Bộ trưởng kinh tế Mê Công - Nhật Bản lần thứ 12 và Hội nghị Thượng đỉnh Mê Công - Nhật Bản lần thứ 12; Tiến độ và định hướng tương lai của phát triển Mê Công. Theo đó, đại diện Nhật Bản đã trình bày tầm quan trọng của Tầm nhìn Phát triển công nghiệp Mê Công 2.0; tiến độ và đề xuất dự án mới. Những thông tin chia sẻ tại Hội nghị góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình, dự án trong thời gian tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư