Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/04/2021-15:12:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2021 tỉnh Bắc Ninh

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Tính đến 15/4, toàn tỉnh gieo cấy được 31.325,5 ha lúa, đạt 99,4% kế hoạch, bằng 97,6% cùng kỳ năm trước, trong đó: Gieo thẳng 8.294 ha, cấy 23.031,5 ha; diện tích chăm sóc lần 2 là 13.750 ha. Tiến độ gieo trồng lúa đông xuân năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do lịch thời vụ của hầu hết các địa phương trong tỉnh muộn hơn; thêm vào đó, đợt rét đậm rét hại vào tháng 01/2021 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, tính đến giữa tháng 4, các địa phương trong tỉnh gieo trồng được 3.457,4 ha rau màu vụ xuân, đạt 96,1% kế hoạch và bằng 98,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngô 368,2 ha, đạt 60,4% và bằng 88,3% so với cùng kỳ; khoai tây 231,3 ha, bằng 96,2%; rau màu khác 2.515,8 ha, bằng 115,1%. Trong tháng, rau màu sinh trưởng, phát triển khá tốt, các đối tượng sinh vật hại thấp hơn cùng kỳ. Hiện nay, bà con nông dân vẫn tiếp tục trồng các loại cây rau màu còn thời vụ. Ngành chức năng và các địa phương tiếp tục hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

b) Chăn nuôi và hoạt động phòng, chống dịch, chữa bệnh động vật

Chăn nuôi: Số liệu đầu con tính đến giữa tháng 4 và so với cùng thời điểm năm trước, trâu có 2.850 con, tăng 1,7% (+47 con); bò có 26.500 con, giảm 4,8% (-1.341 con); lợn có 275.200 con, tăng 15,7% (+37.360 con); gia cầm có 5.535 nghìn con, tăng 15,9% (+758 nghìn con). Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng lũy kế 4 tháng ước đạt 29.501 tấn, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm trước; riêng tháng 4 ước đạt 6.419 tấn, tăng 21,7% so với cùng tháng năm trước.

Hoạt động phòng, chống dịch, chữa bệnh bệnh động vật:

- Tình hình dịch bệnh gia súc gia cầm: Từ ngày 16/3-16/4/2021, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi (thuộc địa bàn 2 thôn, 2 xã của 2 huyện Thuận Thành và Gia Bình) làm 3.428 con gia cầm mắc bệnh chết, với trọng lượng 4.985 kg, thiệt hại ước tính 418 triệu đồng.

- Công tác phòng, chống dịch: Trong tháng 4, ước tính toàn tỉnh tiêm được 50 liều vắc-xin cho đàn trâu, bò; 920 liều vắc-xin các loại cho đàn lợn (bệnh tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn,...); 55 nghìn liều vắc-xin các loại cho đàn gia cầm (cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro, tả vịt,….); 3,3 nghìn liều vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo.

1.2. Lâm nghiệp

Ước tính trong tháng 4, toàn tỉnh trồng được 65,8 nghìn cây phân tán các loại, chủ yếu là tạo cảnh quan môi trường; khai thác 235 m3 gỗ, giảm 17,54% so với cùng tháng năm trước, khai thác được 315 ste củi, giảm 23,17%. Sản lượng gỗ củi khai thác chủ yếu là cây trồng phân tán đến tuổi thu hoạch trên các trục giao thông, vườn tạp của các hộ gia đình, bờ mương và một số tuyến đường cần giải phóng mặt bằng để nâng cấp.

1.3. Thuỷ sản

Ước tính đến cuối tháng 4, diện tích nuôi trồng thủy sản có 5.150 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích nuôi cá thâm canh trong ao đất và nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được duy trì ổn định. Sản lượng thủy sản lũy kế đến hết tháng 4, ước đạt 12.219 tấn giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng thu được 11.866 tấn, giảm 9,8%; sản lượng thủy sản khai thác được 354 tấn, giảm 11,3%.

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Sau khi tháng 3/2021, IIP đạt mức tăng rất cao so với tháng 2/2021 (+34,9%) và tăng nhẹ so với cùng tháng năm trước (+1,1%), thì sang tháng 4/2021, IIP tuy giảm so với tháng trước (- 8%) nhưng vẫn đạt mức tăng rất cao so với cùng tháng năm trước (+50,4%), trong đó: Công nghiệp chế biến chế tạo giảm 8,2% nhưng tăng 50,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14,7% và tăng 14,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,4% và tăng 26,7%. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành chủ lực và là động lực thúc đẩy sản xuất là ngành SXSP điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 10,1%, nhưng tăng 50,7%.

Tính chung 4 tháng, IIP trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được mức tăng khá (+11,4%) so với cùng kỳ năm trước và là năm thứ hai liên tiếp đạt được mức tăng trưởng dương, trong đó: Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,4%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 8,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,95%. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo: 19/20 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước với mức tăng từ 1,8% đến 47,9%, trong đó: Tăng cao nhất là ngành SXSP từ kim loại đúc sẵn (+47,9%) và thấp nhất là ngành SXSP từ khoáng phi kim loại khác (+1,8%). Chỉ có ngành dệt là có chỉ số giảm (-17,7%).

2.2. Sản phẩm công nghiệp

Quy mô sản xuất công nghiệp trong tháng 4 tuy giảm so với tháng trước nhưng sản xuất đang trong tình trạng ổn định trở lại; đa số các nhóm sản phẩm có sản lượng tăng. Toàn ngành công nghiệp có 14/24 sản phẩm chủ yếu tăng sản lượng so với tháng trước, trong đó có 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là máy in-copy (+5,7%), điện thoại thông minh (+13%). Ngoài 14 sản phẩm có mức tăng trên, còn lại 10/24 sản phẩm có sản lượng giảm so với tháng trước, trong đó cũng có các sản phẩm điện tử chủ lực như: điện thoại di động thường (-23,6%); đồng hồ thông minh (-25,2); màn hình điện thoại giảm (-21,2%); linh kiện điện tử (-18,2%). Tính chung 4 tháng, trong các sản phẩm chủ yếu của tỉnh: Có 18/24 sản phẩm có mức tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 6 sản phẩm chủ lực tăng cao gồm máy in-copy (+6,2%); điện thoại thông thường (18,6%); điện thoại thông minh tăng cao (+30,4%); đồng hồ thông minh (23,7%); linh kiện điện tử (+25,9%) và pin điện thoại (+17,8%). Còn lại, có 6/24 sản phẩm có mức giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 1 sản phẩm chủ lực là màn hình điện thoại giảm sâu (-59,8%).

2.3. Chỉ số sử dụng lao động

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, do đó bước sang tháng 4, số lao động của doanh nghiệp công nghiệp thời điểm 01/4 bắt đầu tăng trở lại (+0,03%) so với cùng thời điểm tháng trước, tuy nhiên vẫn giảm 0,67% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng nhẹ (+0,3%) nhưng giảm 1,96%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,46% và tăng 1,74%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 0,06% và giảm 1,13%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bắt đầu tăng 0,03% so với cùng thời điểm tháng trước nhưng vẫn giảm 0,61% so với cùng thời điểm năm trước; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí giữ nguyên so với tháng trước và tăng 2,45% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,21% nhưng giảm 2,19%.

Tính chung 4 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 1,44%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí tăng 2,42%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,22%. Đối với các loại hình doanh nghiệp: Loại hình doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,86%; loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,13%; loại hình doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 1,77%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới 266 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 2.847 tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,7 tỷ đồng. Thành lập mới 69 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh).

Tính từ 01/01/2021 đến ngày 18/4/2021, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng của tỉnh đạt 96,8%, đứng thứ 5 trong cả nước (tăng thêm 1 bậc so với tháng trước). Số doanh nghiệp thành lập mới là 836 doanh nghiệp, tăng 15% so với cùng kỳ và 247 đơn vị trực thuộc. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 8.788 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và số vốn bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,5 tỷ đồng, tăng 32,7%. Số lượt đăng ký thay đổi 1.189 doanh nghiệp và 126 đơn vị trực thuộc. Số lượt thông báo thay đổi 812 doanh nghiệp và 20 đơn vị trực thuộc. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp có 95 doanh nghiệp. Giải thể tự nguyện 90 doanh nghiệp. Đăng ký tạm ngừng 527 doanh nghiệp và 72 đơn vị trực thuộc. Doanh nghiệp hoạt động trở lại 353 doanh nghiệp và 48 đơn vị trực thuộc. Lũy kế đến 18/4/2021, trên địa bàn tỉnh có 19.812 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 304.772 tỷ đồng, trong đó:

- Số doanh nghiệp đang hoạt động 18.448 doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 304.772 tỷ đồng; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 16,5 tỷ đồng. Trong số doanh nghiệp đang hoạt động, loại hình công ty TNHH 1 thành viên chiếm tỷ trọng lớn nhất 51,8% với 10.271 doanh nghiệp, tổng số vốn điều lệ đăng ký là 131.368 tỷ đồng;

- Đơn vị trực thuộc doanh nghiệp đang hoạt động 3.760 đơn vị (chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh);

- Toàn tỉnh có 1.364 doanh nghiệp và 193 đơn vị trực thuộc đang tạm ngừng kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 7.957 tỷ đồng.

4. Đầu tư

4.1. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước

Tháng 4, ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 395 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng tháng năm trước, trong đó: Nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 172,4 tỷ đồng, tăng 8,7%, nhưng giảm khá sâu 17,2%; nguồn vốn ngân sách cấp huyện đạt 152,6 tỷ đồng, tăng 11% và tăng rất cao 67,4%; nguồn vốn ngân sách cấp xã đạt 70 tỷ đồng, tăng 2,4%. nhưng giảm sâu 21,4%.

Lũy kế 4 tháng, vốn đầu tư thực hiện đạt 1.689 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của ngân sách địa phương đạt 28% kế hoạch vốn năm 2021. Xét theo cấp hành chính: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh quản lý ước đạt 801,2 tỷ đồng, bằng 30,2% kế hoạch năm, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện quản lý ước đạt 584 tỷ đồng bằng 26,3% và tăng 67,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã quản lý ước đạt 303,8 tỷ đồng bằng 26,1% và giảm 9,4. Xét theo địa bàn cấp huyện: trong tháng 4, huyện Quế võ có mức tăng cao nhất tăng gấp hơn 3 lần với một số công trình trọng điểm là: Đường nội thị trung tâm huyện Quế Võ; mở rộng đường Lý Anh Tông kết nối với nút giao Tây Nam; xây dựng trụ sở công an kết hợp với ban chỉ huy quân sự các xã.

4.2. Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4 tháng đầu năm 2021 có sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp, cụ thể chỉ bằng 52,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên về tổng số vốn đăng ký lại gấp 1,7 lần. Đây là kết quả đáng ghi nhận khi mà phải đối phó nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nhưng quy mô vốn đăng ký tiếp tục có xu hướng tăng lên. Xét theo ngành kinh tế: Các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại và vận tải chiếm tỷ trọng lần lượt là: 71,1%, 23,7% và 5,2%. Tính từ 01/01/2021 đến ngày 20/4/2021, toàn tỉnh đã cấp mới cho 38 dự án FDI giảm 47,9% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký đạt 259,6 triệu USD tăng 70% so với cùng kỳ năm trước; điều chỉnh vốn cho 26 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 37,8 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp: 17 lượt với giá trị là 7 triệu USD; thu hồi 11 dự án với tổng vốn đầu tư là 134,9 triệu USD. Riêng trong tháng 4, cấp mới đăng ký đầu tư cho 09 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 17,2 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 08 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 49,3 triệu USD; 05 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 0,5 triệu USD; thu hồi 04 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,2 triệu USD.

Lũy kế đến 20/4/2021, toàn tỉnh có 1.658 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 20.049,4 triệu USD (trong đó có 03 dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư hạ tầng là 263,9 triệu USD).

5. Thương mại, dịch vụ và giá cả

5.1. Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ

Tháng 4, doanh thu hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 5.481 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 73,1% so với cùng tháng năm trước, tất cả các ngành đều đạt mức tăng rất cao, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.253 tỷ đồng, tăng 2,7% và tăng 82 %; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 463,8 tỷ đồng, tăng 2,4% và tăng 54,1%; doanh thu du lịch và lữ hành đạt 3,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước trùng vào thời điểm cách ly toàn xã hội nên du lịch và lữ hành tháng 4/2020 không có doanh thu); doanh thu dịch vụ đạt 762,6 tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 44,5%.

Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 22.353 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa, đạt 17.604 tỷ đồng, tăng 14,1%, trong doanh thu bán lẻ hàng hóa, có 9/12 nhóm hàng có chỉ số giá tăng với mức tăng từ 2,8-25,3%, trong đó tăng cao nhất là nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm tăng 25,3%. Có 3/12 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, trong đó giảm sâu nhất là nhóm hàng hóa phương tiện đi lại (kể cả phụ tùng) giảm 8,3%; Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, đạt 1.699 tỷ đồng, tăng 7,1%, trong đó: Ngành dịch vụ lưu trú vẫn giảm sâu (-8,9%), dịch vụ ăn uống bắt đầu tăng trở lại (+7,7%) nhờ mức tăng cao của tháng 4; Doanh thu du lịch lữ hành, đạt 3,2 tỷ đồng, giảm 13,6%; Doanh thu dịch vụ, đạt 3.046 tỷ đồng, tăng 8,2%.

5.2. Tình hình giá cả

a) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Trong mức tăng 0,27% của CPI tháng 4 so với tháng trước, khu vực thành thị có tốc độ tăng cao hơn khu vực nông thôn, chủ yếu do mức tăng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2021, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng, còn lại 2 nhóm có chỉ số giảm. So với cùng tháng năm trước, CPI tăng 1,56%, trong 11 nhóm hàng có 7 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số tăng, tăng cao nhất là nhóm giao thông 15,16%, do tháng 4/2020 thực hiện giãn cách xã hội; có 4 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giảm, giảm nhiều nhất là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (-7,22%) do ảnh hương của dịch Covid-19 vẫn chưa phục hồi. CPI bình quân 4 tháng năm 2021 tăng 0,11% so với cùng kỳ năm trước là 0,11% là năm có chỉ tăng thấp nhất trong giai đoạn (2017-2021), cho thấy 4 tháng đầu năm 2021 CPI khá ổn định; trong 11 nhóm hàng có 6 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số tăng, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng nhiều nhất (+2,23%), do nhu cầu xây dựng trên địa bàn tăng, còn lại 5 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giảm, trong đó: Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch khác (-6,38%), do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

b) Chỉ số giá vàng và đôla Mỹ

Trong tháng, chỉ số giá vàng biến động theo chỉ số giá vàng thế giới giảm 2,88% so với tháng trước, do sự hỗ trợ của các gói kích thích tài khóa cùng với việc đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi khiến vàng trở nên kém hấp dẫn. Tuy nhiên, vẫn tăng cao so với cùng tháng năm trước (+13,46%). Tính chung chỉ số giá vàng bình quân 4 tháng năm 2021 tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước (+20,35%).

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4 tăng nhẹ (+0,15%) so với tháng trước nhưng giảm 1,8% so với cùng tháng năm trước và giảm 0,27% so với tháng 12/2020. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 4 tháng giảm 0,87% so với cùng kỳ năm trước.

5.3. Xuất, nhập khẩu

Xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 4 ước đạt 3.276 triệu USD giảm 7,9% so với tháng trước, tuy nhiên tăng rất cao 64,3% so với cùng tháng năm trước, nguyên nhân do mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu là điện thoại và linh kiện tăng cao (36,9%) so với cùng tháng năm trước. Xét theo khu vực kinh tế: Khu vực trong nước đạt 9 triệu USD tăng nhẹ (+0,3%) và tăng 15,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.267 triệu USD giảm 7,9% nhưng tăng 64,5%. Tính chung 4 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 13.899 triệu USD tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 32 triệu USD, tăng 18,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13.866 triệu USD, tăng 38,3%. Xét theo mặt hàng xuất khẩu: 2 mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất đều có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước là điện thoại & linh kiện và mặt hàng máy vi tính và linh kiện lần lượt tăng là: (+36,9), (+31,1%). Tuy nhiên, có những sản phẩm giảm rất sâu như: sản phẩm từ chất dẻo (-96,2%); gỗ và sản phẩm bằng gỗ (-80%); hàng dệt may (-40%); dây cáp điện xuất khẩu bằng không.

Nhập khẩu hàng hóa, cùng xu hướng giảm với xuất khẩu tháng 4, nhập khẩu cũng giảm 2,5% so với tháng trước nhưng tăng rất cao 44% so với cùng tháng năm trước. Hoạt động nhập khẩu chủ yếu đáp ứng nhu cầu máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất và linh kiện, nguyên liệu cho sản xuất lượng đơn hàng mới tăng của các doanh nghiệp. Nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất đã tác động trực tiếp đến kim ngạch nhập khẩu là nhóm hàng linh kiện điện tử, điện thoại tăng khá (+30,1%). Xét theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước đạt 55 triệu USD, giảm 12,2% nhưng tăng 5,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 97,9%, giảm 2,3%, nhưng tăng 45,1%. Cụ thể, mặt hàng linh kiện điện tử, điện thoại giảm 5%, nhưng tăng rất cao 77,3%. Tính chung 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 11.205 triệu USD tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 212 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10.992 triệu USD, tăng 25,2%, trong đó, mặt hàng chủ lực linh kiện điện tử, điện thoại đạt 8.637 triệu USD tăng 30,1%.

Cán cân thương mại hàng hóa, tháng 4/2021 ước tính xuất siêu 624 triệu USD. Ước tính 4 tháng đầu năm 2021, xuất siêu 2.694 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 180 triệu USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 2.874 triệu USD.

6. Giao thông vận tải

6.1. Sản lượng vận tải

Vận tải hành khách: Tháng 4, ước tính khối lượng vận chuyển được hơn 1 triệu lượt khách, tăng 6,4% so với tháng trước, và tăng rất cao 91,7% so với cùng tháng năm trước (do tháng 4/2020 thực hiện giãn cách xã hội); khối lượng luân chuyển ước đạt 54,2 triệu hành khách.km, tăng 7,2% và tăng gần 2,4 lần. Tính chung 4 tháng, ước tính khối lượng vận chuyển đạt 4,7 triệu lượt khách, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 226,6 triệu hành khách.km, giảm 6,1%. Xét theo ngành vận tải: Vận tải hành khách đường bộ khối lượng vận chuyển 4,4 triệu lượt khách, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, khối lượng luân chuyển đạt 226,4 triệu hành khách.km, giảm 6,2%; vận tải hành khách đường thủy khối lượng vận chuyển đạt 0,29 triệu lượt khách, tăng 35,2%; khối lượng luân chuyển đạt 0,2 triệu hành khách.km, tăng 45,3%.

Vận tải hàng hoá, tháng 4, ước tính khối lượng vận chuyển được gần 3 triệu tấn hàng hóa, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 45,4% so với cùng tháng năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 150,1 triệu tấn.km, tăng 2% và tăng 57,7%. Tính chung 4 tháng, ước tính khối lượng vận chuyển được 12,3 triệu tấn hàng hóa, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 608,4 triệu tấn.km, tăng 8,6%. Xét theo ngành vận tải: Vận tải hàng hóa đường bộ khối lượng vận chuyển được 9,5 triệu tấn hàng hóa, tăng 11%, khối lượng luân chuyển được 282,2 triệu tấn.km, tăng 11,5%; vận tải hàng hóa đường thủy khối lượng vận chuyển được 2,8 triệu tấn hàng hóa, tăng 5%, khối lượng luân chuyển được 326,2 triệu tấn.km, tăng 6,2%.

6.2. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Trong tháng 4, ước tính doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 717 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng rất cao 63,8% so với cùng tháng năm trước (do tháng 4/2020 thực hiện giãn cách xã hội), trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 68 tỷ đồng tăng 6,6% và tăng 86,6%; vận tải hàng hóa ước đạt 229 tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng 40,3%. Tính chung 4 tháng, ước tính doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.685 tỷ đồng, tăng 25,1%. Xét theo loại hình kinh tế: Vận tải khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 1.202 tỷ đồng tăng 14,2%; vận tải khu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25 tỷ đồng, giảm sâu (-87,9%), do hồi tháng 3/2020 công ty Lotte Rent (chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực có vốn ĐTNN) chuyển trụ sở sang tỉnh khác. Xét theo ngành vận tải, có ngành vận tải hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ vận tải có mức tăng lần lượt là (+12,8%) và (+48,8%), còn lại ngành vận tải hành khách giảm khá sâu (-23%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

7. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách Nhà nước: Tháng 4, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 2.547 tỷ đồng giảm 32,5% so với tháng trước và giảm 9% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 13.102 tỷ đồng, bằng 47,06% dự toán năm, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,15%, trong đó: Thu nội địa đạt 10.684 tỷ đồng bằng 47,87% và tăng 4,09%; thu từ Hải quan đạt 2.418 tỷ đồng bằng 43,8% và tăng 10,08%.

Chi ngân sách Nhà nước: Tháng 4, tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 2.223 tỷ đồng tăng hơn 2 lần so với tháng trước và tăng cao 66,6% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng chi sách địa phương ước đạt 8.035 tỷ đồng, bằng 42,2% dự toán năm và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 5.493 tỷ đồng bằng 93,3% và tăng 26,2%; chi thường xuyên đạt 2.541 tỷ đồng bằng 25,2% và tăng 12,8%.

8. Ngân hàng - Tín dụng

Dự tính đến cuối tháng 4, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 172.500 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước, tăng cao 22,8% so với cùng tháng năm trước và tăng 1,8% so với thời điểm cuối năm 2020, trong đó: Tiền gửi của cá nhân đạt 91.437 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất 53% tổng huy động, tăng 3,4%, tăng 15,1% và tăng 3,6%; tiền gửi của các tổ chức đạt 74.981 tỷ đồng, chiếm 43,5% tăng 1,8%, tăng 32,8% nhưng giảm nhẹ (-0,9%); nguồn vốn huy động khác đạt 6.082 tỷ đồng, chiếm 3,5%, tăng 12,8%, tăng 33,3% và tăng 10,1%.

Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4, ước đạt 107.500 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước, tăng 20,6% so với cùng tháng năm trước và tăng 6,3% so với thời điểm cuối năm 2020, trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 64.600 tỷ đồng tương đương với tháng trước, tăng khá 18,3% so với cùng tháng năm trước và tăng nhẹ 0,1% so với thời điểm cuối năm 2020; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 39.600 tỷ đồng, giảm 0,6%, tăng 14,4% và tăng 0,9%.

Các chi nhánh NH, TCTD trên địa bàn tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của Hội sở chính trong triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu, đặc biệt xem xét giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng chưa có khả năng trả nợ đến hạn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Dự kiến đến hết 30/4/2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,25%.

9. Một số tình hình xã hội

9.1. Đảm bảo an sinh xã hội

Mặc dù nguồn lực của tỉnh còn hạn hẹp, nhưng vẫn luôn quan tâm, coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Tỉnh có nhiều chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ, chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện bảo hiểm y tế cho người dân, khám, chữa bệnh cho người nghèo, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cũng như những nỗ lực giải quyết việc làm, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho dân cư, cứu trợ xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội, quan tâm tới các đối tượng yếu thế với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an sinh xã hội, các cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục tập trung vào các nhóm chính sách cơ bản nhất: ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách việc làm, dạy nghề; chính sách giảm nghèo; chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

9.2. Hoạt động y tế, phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng 4, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Triển khai có hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 đợt 1 năm 2021 và các biện pháp đảm bảo an toàn trong tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Covid 19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực giám sát, xác minh, truy vết các trường hợp có liên quan, tiếp xúc với bệnh nhân Covid 19 và những người tiếp xúc với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid 19 để cách ly theo dõi sức khỏe. Tình hình mắc một số bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh:

- Tả, Thương hàn trong tháng không ghi nhận trường hợp trên địa bàn tỉnh;

- Covid-19: Trong tháng ghi nhận 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là các trường hợp đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; tính đến ngày 14/4/2021, toàn tỉnh hiện đang thực hiện cách ly y tế cho 667 trường hợp, trong đó cách ly tại cơ sở y tế là 19 người, cách ly tại cơ sở tập trung là 84 người, cách ly tại khách sạn là 564 người.

- Bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: trong tháng ghi nhận 02 trường mắc Sốt xuất huyết; ghi nhận 06 trường hợp mắc Tay chân miệng; ghi nhận 95 trường hợp mắc/nghi mắc cúm; ghi nhận 03 trường hợp Sốt phát ban nghi Sởi. Trong tháng không ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dịch truyền nhiễm
gây ra trên địa bàn tỉnh.

Tình hình khám chữa bệnh: Tình hình hoạt động khám chữa bệnh y tế công lập trong tháng như sau: Tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh: 176.545 lượt (tăng 16.946 lượt so với cùng kỳ năm 2020), trong đó số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế đạt 35.737 lượt (chiếm 20,2%). Số lượt điều trị nội trú: 16.706 lượt (tăng 1.954 lượt so với cùng kỳ năm 2020). Tổng số ca phẫu thuật: 2.860 ca (tăng 538 ca so với cùng kỳ năm 2020), tỷ lệ phẫu thuật có chuẩn bị đạt 48,7%.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm, thường xuyên các ngành chức năng tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào một số mặt hàng dễ xảy ra ngộ độc như: rượu bia, thực phẩm ở các cơ sở sản xuất lớn, các siêu thị, các trung tâm bán buôn…trong tháng 4, không có vụ ngộ độc thực phẩm nào trên địa bàn tỉnh.

9.3. Giáo dục và đào tạo

Hiện nay, cơ bản tất cả các trường phổ thông đã hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá kiến thức học sinh thời điểm giữa học kỳ 2 của năm học. Do công tác chuẩn bị các điều kiện cho kiểm tra giữa học kỳ 2 được thực hiện tốt nên kỳ thi diễn ra đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đạt kết quả tốt. Trong tháng, ngành giáo dục hưởng ứng ngày Sách Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh năm 2021 và tổ chức các cuộc thi, sân chơi trí tuệ cho học sinh phổ thông. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy học, ôn tập đáp ứng các kỳ thi năm 2021; bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; hướng dẫn công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hướng dẫn học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021. Tuyên truyền về các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2021; phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật mới ban hành trong ngành Giáo dục. Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021, các trường phổ thông tiếp tục đẩy mạnh việc dạy và học để chuẩn bị cho đợt thi kiểm tra đánh giá kiến thức cuối học kỳ 2 đạt hiệu quả cao nhất.

9.4. Văn hoá thông tin, thể dục thể thao

Từ 16/3-15/4, các ngành chức năng tích cực thực hiện công tác tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuyên truyền ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), 75 năm ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2021); về biểu diễn nghệ thuật, tổ chức 04 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, tiêu biểu là Hội nghị Tổng kết nhiệm kỳ nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc; hoàn thành chương trình nghệ thuật mới, chương trình nghệ thuật tham gia “Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021; tổ chức buổi công diễn chương trình nghệ thuật “Cổng làng” phục vụ khán giả tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh; hoạt động chiếu phim, tổ chức 30 buổi chiếu phim, 01 buổi biểu diễn tuyên truyền nhiệm vụ chính trị; hoạt động thư viện phục vụ 2.752 lượt bạn đọc, cấp và đổi 334 thẻ bạn đọc, nâng tổng số thẻ đang phụ vụ hiện nay lên 7.809 thẻ, luân chuyển 13.426 lượt sách, báo, tạp chí; hoạt động bảo tàng, mở cửa phục vụ khách tham quan trưng bày chuyên đề: “Di tích và lễ hội truyền thống tỉnh Bắc Ninh”, đón tiếp và thuyết minh cho 233 lượt khách đến tham quan nghiên cứu; hoạt động bảo tồn di tích: tăng cường công tác quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và công tác phòng chống cháy nổ tại di tích; tiến hành chỉnh trang, tu bổ nhà lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo. Công tác tuyên truyền, phát huy giá trị di tích được thực hiện tốt, tại các điểm di tích đã đón, tiếp 14.200 lượt khách; hoạt động thể dục thể thao, tổ chức thành công Lễ phát động hưởng ứng SEA GAMES 31. Ngày chạy Olympic và giải chạy Nagakawa “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước” Cúp Báo Bắc Ninh lần thứ XXV, năm 2021. Tham dự giải có hơn 200 vận động viên tham gia của 10 đơn vị thuộc các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng vũ trang trong tỉnh. Kết thúc giải, Ban Tổ chức trao 9 giải Nhất, 9 giải nhì, 13 giải ba và 44 khuyến khích cho các đội tham gia thi đấu; công tác thanh tra, kiểm tra: Thực hiện kế hoạch thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch. Tiếp tục phối hợp và chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành 814 tỉnh thực hiện Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về lễ hội (cuộc 3) năm 2021.

9.5. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông

An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội: Trong tháng 4, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ đánh bạc với 70 đối tượng, đồng thời khởi tố 10 vụ cờ bạc với 79 đối tượng; chứa mại dâm 2 vụ, 12 đối tượng và đã khởi tố xử lý 2 vụ mại dâm, 2 đối tượng.

Tình hình an toàn giao thông: Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực; khắc phục kịp thời các bất cập trong hạ tầng, điều tiết giao thông, không để xảy ra ùn, tắc giao thông. Trong tháng, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ TNGT, làm chết 11 người và 5 người bị thương; các lực lượng chức năng đã xử phạt 2.450 trường hợp vi phạm luật giao thông, nộp kho bạc Nhà nước 3 tỷ đồng.

9.6. Phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH): Cảnh sát PCCC tăng cường thực hiện giám sát, kiểm tra công tác PCCC trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các khu, cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu dân cư, làng nghề, cơ sở vui chơi giải trí tập trung đông người, các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa…Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Công tác bảo vệ môi trường: Trong tháng 4/2021, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 32 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên (so với tháng 3/2021 tăng 3 vụ), trong đó: 30 vụ gây ô nhiễm môi trường, 02 vụ khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép. Đã xác minh, làm rõ 13 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ, 10 cá nhân, 01 tổ chức, số tiền phạt 92 triệu đồng; kiến nghị khắc phục ô nhiễm môi trường 02 vụ, 02 tổ chức; đang tiếp tục xác minh làm rõ 19 vụ. Ngoài ra, làm rõ 16 vụ từ tháng trước, xử phạt vi phạm hành chính 12 vụ, 08 tổ chức, 04 cá nhân, số tiền phạt 869,5 triệu đồng; kiến nghị khắc phục ô nhiễm môi trường 04 vụ, 04 tổ chức. Như vậy, tính đến thời điểm báo cáo toàn tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện 203 vụ vi phạm môi trường, các cơ quan chức năng đã xử lý 177 vụ với số tiền xử phạt là 4,9 tỷ đồng./.


Cục Thống kê Bắc Ninh

    Tổng số lượt xem: 436
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)