Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/01/2021-09:40:00 AM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 năm 2020 tỉnh Bắc Ninh

Năm 2020, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020) và cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đã tác động sâu rộng đến mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội và Bắc Ninh cũng bị ảnh hưởng do kinh tế đã hội nhập với kinh tế thế giới. Song, với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh và sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, cùng những nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp, sự chung tay đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Bắc Ninh đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Những tháng cuối năm, các hoạt động SXKD đã có nhiều chuyển biến rõ nét và đạt kết quả tích cực trong trạng thái “bình thường mới”.

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 cả năm ước đạt 122.742 tỷ đồng, tăng 1,36% so với năm 2019. Đây là kết quả tích cực hơn so với mức giảm 3,3% được Tổng cục Thống kê (rà soát trong bối cảnh đang diễn ra đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng) để phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Qua đây, đã khẳng định tính kịp thời của các giải pháp mà Chính phủ và tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực thực hiện để đạt được mức tăng trưởng dương. Trong mức tăng chung của tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 3.676 tỷ đồng, giảm 0,96% và làm giảm 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp xây dựng đạt 91.579 tỷ đồng tăng 1,62% đóng góp 1,21 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ ước đạt 22.331 tỷ đồng, tăng 0,65% và đóng góp 0,12 điểm phần trăm; thuế sản phẩm ước đạt 5.153 tỷ đồng tăng 1,45% và đóng góp 0,06 điểm phần trăm. Diễn biến cụ thể ở từng khu vực như sau:

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2020, ước đạt 86.010 tỷ đồng, tăng 2,19% và cao hơn mức (-0,22%) của năm 2019, đóng góp 1,52 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của tỉnh. Cùng với xu hướng của cả nước, công nghiệp của Bắc Ninh chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị tăng cao và xu hướng xuất khẩu lớn. Mặc dù, quý III/2020 ngành công nghiệp tăng trưởng âm, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi vào quý IV. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt nền kinh tế với mức tăng 2,26%, đóng góp 1,55 điểm phần trăm… Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng năm 2020 ước tính giảm 6,35% so với năm trước và làm giảm 0,31 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Khu vực dịch vụ,năm 2020, ước đạt 22.331 tỷ đồng chỉ tăng 0,65%, đây là mức thấp nhất kể từ khi tái lập tỉnh Bắc Ninh đến nay. Nguyên nhân là do trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Quý I và quý II/2020 khu vực dịch vụ tăng trường âm và bắt đầu tăng trở lại ở quý III và quý IV/2020.

Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản,năm 2020, ước đạt 3.678 tỷ đồng tiếp tục tăng trưởng âm do diện tích đất canh tác lúa giảm gần 2.000 ha so với năm 2019. Mức giảm 0,96% của khu vực nông, lâm ngiệp và thủy sản năm 2020 chủ yếu vẫn do chăn nuôi lợn sụt giảm (do dịch tả lợn Châu phi bùng phát từ tháng 4/2019 và kéo dài sang những tháng đầu năm 2020), nhưng vẫn thấp hơn mức giảm 7,96% của năm 2019.

2. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

2.1. Tài chính

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng gặp khó khăn do thực hiện các chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp và các cơ sở kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiếp kiệm trong phạm vi dự toán được HĐND giao, đảm bảo nguồn lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn và thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất.

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2020, ước tính đạt 30.273 tỷ đồng, vượt 3,2% dự toán năm và chỉ giảm 0,6% so với năm 2019. Trong đó, thu nội địa đạt 24.016 tỷ đồng, vượt 5,5% và giảm 1,4%. Về cơ bản các khoản thu nội địa đều giảm từ 0,1-9,4%; thu từ Hải quan mặc dù chỉ đạt 95,2% so với dự toán năm 2020 nhưng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2020, ước tính đạt 23.292 tỷ đồng vượt dự toán năm 2020 (+20,2%) nhưng giảm 15,8% so với năm 2019. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 11.079,3 tỷ đồng, vượt 91,7% và tăng 14,3%; chi thường xuyên là 9.534 tỷ đồng đạt 96,1% và tăng 10,8%.

2.2. Ngân hàng - Tín dụng

Năm 2020, trong điều kiện nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho SXKD, năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần ban hành các Quyết định điều chỉnh giảm lãi suất. Theo đó, các chi nhánh NH đã thực hiện nghiêm túc việc giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN, từ đó giảm chi phí vốn vay, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19.

Đến cuối tháng 12/2020, tổng nguồn huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước đạt 170.000 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng thời điểm năm 2019; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 100.000 tỷ đồng tăng 11,7%; nợ xấu là 1.335 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,41%.

2.3. Bảo hiểm

Mặc dù, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Ước tính năm 2020, đã phát triển 1.366 nghìn người tham gia đóng bảo hiểm các loại, tăng 6,4% so với năm 2019, chiếm 96,6% dân số toàn tỉnh (so với năm 2019 tăng 3,5%). Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại đạt 10.134 tỷ đồng, tăng 26,3% so với năm 2019, vượt 0,8% kế hoạch năm; tổng chi trả tiền bảo hiểm các loại đạt 5.842 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2019.

3. Tình hình giá cả

3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2020, hầu hết giá các mặt hàng, nhất là thực phẩm, rau quả không có đột biến lớn; thịt lợn đang tiếp đà giảm giá, hiện thấp hơn hẳn so với thời điểm các tháng đầu năm. Tuy nhiên, giá xăng dầu vẫn luôn là ẩn số, bởi phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường thế giới. Theo các chuyên gia, với những yếu tố tác động cả trong nước lẫn quốc tế, cũng như chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện, CPI năm nay luôn trong tầm kiểm soát và không gây “sốc”. Tháng 12, CPI giảm 0,04% so với tháng trước và giảm 0,48% so với cùng tháng năm trước; bình quân quý IV, CPI tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 12 tháng, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm, mặt hàng có chỉ số tăng cao, như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+13,52%), chủ yếu do thực phẩm tăng tới (+16,45%)…

3.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Tháng 12,giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng, giảm liên tục bởi ảnh hưởng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và trước các thông tin tích cực về vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng dược. Bình quân trong tháng, khi giá vàng trên thế giới tăng, thì giá vàng trong nước đảo chiều giảm 0,19%. Đồng đô-la Mỹ tiếp tục giảm nhẹ khi số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ vẫn tăng. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ số giá đô-la Mỹ tháng 12/2020 giảm 0,16% so với tháng trước và giảm 0,05% so với cùng kỳ năm trước.

4. Đầu tư và xây dựng

4.1. Vốn đầu tư phát triển

Hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh có những dấu hiệu tích cực, cho thấy những giải pháp của Chính phủ đưa ra và việc thực hiện triển khai đồng bộ, quyết liệt của tỉnh đã mang lại những hiệu quả, trong đó Bắc Ninh là một trong các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2020 ước tính đạt 70.937 tỷ đồng tăng 1% so với năm 2019. Trong đó, khu vực Nhà nước đạt 8.469 tỷ đồng, tăng 37,7%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 27.540 tỷ đồng, giảm 2,3%; khu vực FDI đạt 34.927 tỷ đồng, giảm 2,7%. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP chiếm 34,6%.

4.2. Tình hình cấp phép vốnđầu tưtrực tiếp nước ngoài

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện theo hướng có lợi cho nhà đầu tư nhưng phù hợp với quy định hiện hành của luật pháp. Với quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, theo định hướng “2 ít, 3 cao”, tỉnh ưu tiên các dự án sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao. Tính đến ngày 20/12/2020, toàn tỉnh đã cấp mới cho 159 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 440 triệu USD; lũy kế đến nay có 1.628 dự án FDI được cấp phép (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký sau điều chỉnh là 19.880 triệu USD.

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

5.1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quyết định 396/QĐ-UBND; triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, thực hiện tốt cơ chế “4 tại chỗ”, cấp đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử…

Tính đến ngày 15/12/2020, có 2.366 doanh nghiệp và 765 đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 23.867 tỷ đồng, tăng 2,76% về số lượt đăng ký thành lập mới, tăng 9,1% về số vốn đăng ký so với năm 2019; vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2019. Số lượt đăng ký điều chỉnh vốn là 783 lượt doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ điều chỉnh tăng 17,7 nghìn tỷ đồng tăng 40% so với năm 2019. Lũy kế đến 15/12/2020, trên địa bàn tỉnh có 18.854 doanh nghiệp và 3.785 đơn vị trực thuộc với tổng số vốn điều lệ đăng ký 284 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng năm 2020 đạt 91,04%, đứng thứ 6 cả nước.

5.2. Xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2020 cho thấy: có 41,95% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 tốt hơn so với quý III/2020; 31,61% cho rằng giữ ổn định và có tới 26,44% đánh giá là khó khăn hơn.

Dự báo quý I/2021 so với quý IV/2020, xu hướng sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã có dấu hiệu khả quan hơn. Trong đó, có 40,80% doanh nghiệp đánh giá sản xuất tốt lên; 47,70% sản xuất ổn định và 11,49% sản xuất khó khăn hơn. Như vậy, cho thấy xu hướng SXKD trong quý I/2021 sẽ có triển vọng tốt lên.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Mặc dù, sản xuất nông nghiệp có diện tích gieo trồng giảm, một số sản phẩm nông sản tiêu thụ chậm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Song nhờ sự chỉ đạo quyết liệt trong việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học và cơ giới hóa nên sản xuất nông nghiệp ổn định.

6.1. Nông nghiệp

a) Về trồng trọt:

Vụ đông xuân 2019-2020trên địa bàn tỉnh có khó khăn và thuận lợi đan xen tác động đến sản xuất. Song sản xuất vụ đông xuân năm 2020 vẫn đạt kết quả tốt. Năng suất bình quân chung đạt 64,9 tạ/ha, tăng 2,5% (+1,6 tạ/ha) so với vụ xuân năm trước.Sản xuất vụ mùa:có nhiều thuận lợi, năng suất sơ bộ đạt 62,6 tạ/ha, tăng 5,2%; sản lượng đạt trên 197,3 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng vụ năm trước và là vụ mùa có năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay.

b) Chăn nuôi và công tác thú y

Chăn nuôi:trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tính đến tháng 31/12/2020, đàn trâu toàn tỉnh có 2.801 con, tăng 0,8% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò có 27.480 con giảm 1,6%; đàn lợn có 270.600 con, tăng 23,6%; đàn gia cầm có 5.740 nghìn con, tăng 1,7%. Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm năm nay đạt 64.145 tấn, giảm sâu 10,3% so với năm 2019.

6.2. Lâm nghiệp

Trong năm, chủ yếu tập trung thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, công tác chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng đã trồng. Năm 2020, toàn tỉnh khai thác được 3.850 m3gỗ, giảm 4,1% so với cùng kỳ, sản lượng củi khai thác được 5200 ste, giảm 3,3%. Trong năm xảy ra 8 vụ cháy rừng làm thiệt hại 1,9 ha.

6.3. Thuỷ sản

Trong năm 2020, ngành thủy sản tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh theo hướng ổn định diện tích, đẩy mạnh nuôi cá thâm canh tăng năng suất, vùng quy hoạch nuôi cá lồng trên sông gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, quản lý chất lượng con giống, thức ăn thuỷ sản; hỗ trợ có hiệu quả người dân về khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, quản lý tốt môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, tiến tới xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung thâm canh, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ước tính năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước tính đạt 38.630 tấn, tăng 2,2% so với năm trước. Trong đó, cá đạt 37.468 tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 281 tấn, tăng 1,6%; thuỷ sản khác đạt 863 tấn, giảm 1,4%.

7. Sản xuất công nghiệp

Năm 2020, cơ cấu công nghiệp của tỉnh chuyển dịch đúng hướng và tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng nhanh, hình thành một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh vững chắc trên thị trường. Công nghiệp hỗ trợ phát triển, góp phần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và gia tăng giá trị.

7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Tính chung cả năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,0%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 8,0%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 8,2%. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo có 7/20 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước với mức tăng từ 4,8% đến 30,2%, nên đã bù đắp mức giảm của các ngành còn lại. Bên cạnh đó cũng nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 14%, thặng dư thương mại tiếp tục tăng, các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của tỉnh như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU... đã bắt đầu thông quan hàng hóa; từ ngày 01/8/2020 Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực cũng đã thúc đẩy hoạt động công nghiệp từng bước phục hồi; một số doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, chế biến gỗ, hàng nông, lâm sản, điện tử đang dần lấy lại được thị trường tiêu thụ.

7.1. Sản phẩm công nghiệp

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm nay tăng khá so với năm trước. Tuy nhiên, cũng có không ít sản phẩm có lượng sản xuất giảm do chính sách thuế giữa các nước, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường hoặc do sự thay đổi về cơ cấu, mẫu mã sản phẩm của các doanh nghiệp. Tính chung cả năm 2020, có 7/24 sản phẩm có mức tăng so với năm 2019. Đặc biệt có 1 sản phẩm chủ lực của tỉnh là linh kiện điện tử tăng cao 16,6%. Tuy nhiên, có 17/24 sản phẩm chủ yếu của tỉnh bị giảm so với năm 2019. Trong đó, sản phẩm màn hình điện thoại giảm sâu 16,4%; điện thoại thông minh giảm 8,8%; điện thoại thông thường giảm 9,9%...

7.3. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho

Chỉsốtiêu thụ:Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2020 giảm sâu (-35,74%) so với tháng trước, đồng thời cũng giảm 20,92% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,97% so với năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm sâu: Dệt giảm 35,19%; Sản xuất trang phục giảm 25,05%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 20,95%.

Chỉsốtồn kho:Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính thời điểm 31/12/2020 tăng cao 20,52% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 36,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 34,77%; sản xuất thuốc tăng 99,87%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 119,75%. Nguyên nhân tăng là do sức mua cả trong và ngoài nước đều giảm, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm hơn.

8. Thương mại, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ sau những tháng đầu năm giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã có dấu hiệu tăng trở lại ở các tháng cuối năm, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định. Để kích cầu tiêu dùng tỉnh đã tổ chức các chuỗi sự kiện như hội chợ, triển lãm nhằm tạo cầu nối cho các cơ sở, đơn vị xúc tiến thương mại, thúc đẩy giao thương, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần định hướng phát triển bền vững để người tiêu dùng yên tâm. Ngành Công thương thực hiện tốt việc quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại.

8.1. Lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng các tháng cuối năm tiếp tục xu hướng phục hồi, doanh thu mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 61.929 tỷ đồng, giảm 0,7% so với năm trước. Trong đó, ngành bán lẻ hàng hóa tăng thấp (+2,0%) so với năm 2019, các ngành còn lại đều giảm 8,5-56,4%.

8.2.Hoạt động ngoại thương

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 72.047 triệu USD tăng 16% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 38.905 triệu USD tăng 14,3%. Năm 2020 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng tăng cao (+64,3%), cao hơn rất nhiều so với mức tăng (+14,1%) của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 5.763 triệu USD.

8.3. Vận tải, kho bãi

Trong năm 2020, hoạt động vận tải và du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 nó không chỉ làm giảm tăng trưởng nhu cầu vận tải và du lịch, mà còn ảnh đến sự phát triển chung của các ngành liên quan đến hoạt động vận tải. Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các yếu tố cung và cầu trên thị trường, khiến các doanh nghiệp vận tải lâm vào tình trạng khó khăn khi nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa sụt giảm, giá cước vận tải cũng giảm.

Năm 2020, ước tính vận chuyển hành khách đạt 18 triệu lượt khách, giảm 37,7% so với năm trước; luân chuyển đạt 841,9 triệu lượt khách.km, giảm 35%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 37,9 triệu tấn, giảm 4,8% so với năm trước; luân chuyển đạt 1,9 triệu tấn.km, giảm 4,4%.

9. Các lĩnh vực xã hội

9.1. Đời sống dân cư và công tác xã hội

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, quan tâm, động viên, thăm hỏi, chăm sóc các đối tượng người cao tuổi, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn.. Hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội người lao động, hộ kinh doanh và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng quy định. Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ người có công.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình “Cặp lá yêu thương” năm 2020 và Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, cận nghèo; kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đẩy mạnh các hoạt động, công tác phòng chống ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

9.2. Lao động và việc làm

Trong năm, ngành lao động, thương binh xã hội tỉnh đã triển khai công tác đào tạo nghề năm 2020, tuyển sinh 26.667 người; tổ chức 36 lớp đào tạo nghề và hỗ trợ cho 1.119 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 75%... Toàn tỉnh giải quyết việc làm 27.500 người lao động, trong đó đưa 1.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài; giải quyết cho vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm 3.046 lao động; tổng nguồn vốn cho vay đến hết tháng 9/2020 là 255 tỷ đồng.

9.3. Giáo dục - Đào tạo

Giáo dục: Trong năm học này, toàn tỉnh hiện có 503 trường học từ cấp học mầm non đến THPT (trong đó, có 466 trường công lập, chiếm tỷ lệ 93,6%); 350.934 học sinh các cấp học, so với năm học 2019-2020. Trong đó, giáo dục mầm non có 174 trường mầm non. Huy động 997 nhóm, với 22.673 trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 42,9%; 2.668 lớp mẫu giáo, với 78.611 trẻ đạt tỷ lệ 99,86%; Giáo dục tiểu học có 150 trường tiểu học công lập, 2 trường liên cấp công lập và 2 trường ngoài công lập có học sinh tiểu học, với 3.423 lớp học, 123.879 học sinh, trung bình 36,2 học sinh/lớp; giáo dục THCS có 136 trường THCS công lập; với 2.032 lớp học, 76.402 học sinh); giáo dục THPT có 39 trường (23 trường công lập, 13 trường tư thục và 03 trường phổ thông liên cấp có cấp học cao nhất là THPT); 993 lớp học; 41.049 học sinh, tỷ lệ học sinh bỏ học là 0,2%.

Giáo dục nghề nghiệp: Hiện nay, toàn tỉnh có 02 trung tâm GDTX, 01 trung tâm GDNN-GDTX cấp tỉnh, 05 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 02 trường cao đẳng có dạy GDTX cấp THPT với 131 lớp, 5.040 học sinh học văn hóa hệ THPT; 100% xã/phường/thị trấn trong tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng. Ngoài ra ngành lao động thương binh xã hội còn triển khai công tác đào tạo nghề năm 2020, tuyển sinh 26.667 người; tổ chức 36 lớp đào tạo nghề và hỗ trợ cho 1.119 lao động nông thôn.

9.4. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chất lượng công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng được nâng lên, kiểm soát tốt tốc độ tăng dân số tự nhiên, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, thực hiện các biện pháp kiểm soát cân bằng giới tính khi sinh, chất lượng và cơ cấu dân số được cải thiện.

9.5. Văn hoá thông tin và thể dục thể thao

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật lớn... Quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản, di tích văn hóa, lịch sử; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch theo Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thể thao thành tích cao tiếp tục phát triển. Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong mỗi gia đình gắn với thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

9.6. An ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội

An ninh chính trị và TTATXH: An ninh chính trị ổn định, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nắm chắc tình hình người nước ngoài và người Việt nam ở nước ngoài về địa phương; rà soát, xác minh những người có nguy cơ cao, sẵn sàng phương án đảm bảo an ninh trật tự nếu xảy ra cách ly diện rộng. Tăng cường nắm bắt tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, tiếp nhận, quản lý công dân cách ly bảo đảm an toàn, đúng chế độ. Bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật đầy đủ cho sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và các nhiệm vụ theo kế hoạch. Tham gia bảo vệ an toàn cho thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tỷ lệ điều tra phá án cao; công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

An toàn giao thông: Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có chuyển biến; khắc phục kịp thời các bất cập trong hạ tầng, điều tiết giao thông, không để xảy ra ùn, tắc giao thông.

9.7. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

Công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn triển khai đồng bộ, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân trong đó có ý thức chủ quan của con người nên số vụ cháy và thiệt hại về người vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ.

Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường theo chương trình, kế hoạch của đề án tổng thể bảo vệ môi trường.Năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 554 vụ vi phạm môi trường, tiến hành xử phạt 422 vụ và nộp kho bạc 5,9 tỷ đồng./.


UBND tỉnh Bắc Ninh

    Tổng số lượt xem: 1711
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)