Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/09/2021-08:33:00 AM
Cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng
(MPI) - Chiều ngày 29/9/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự phiên họp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng

Trình bày báo cáo về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất. Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát; tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; nền tảng tài chính quốc gia được củng cố; hệ số tín nhiệm quốc gia tăng.

Nhìn chung, quá trình triển khai cơ cấu lại nền kinh tế đã bám sát quan điểm nêu tại Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, vừa tập trung xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế trước đây, thúc đẩy chuyển dần từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Bên cạnh đó, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua còn được hỗ trợ thêm bởi các chủ trương, giải pháp khuyến khích tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ công nghệ mới, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo tiền đề cho chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đi vào thực chất hơn, đạt được nhiều kết quả quan trọng và tạo được các chuyển biến rõ nét hơn với các kết quả nổi bật như sự thay đổi tư duy đi liền với quyết tâm, hành động cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một mặt đã nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, mặt khác đã truyền cảm hứng, tạo lòng tin cho thị trường. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc, bám sát, triển khai các nhiệm vụ, hầu hết các mục tiêu đã được hoàn thành và có khả năng hoàn thành, mang lại tác động tích cực đến tăng cường khả năng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy đà tăng trưởng của cả giai đoạn. Cơ cấu lại nền kinh tế đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới nền kinh tế số. Một số ngành, lĩnh vực đã chủ động ban hành chính sách để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số và bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tập trung cho những giải pháp ngắn hạn, cấp bách, hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế

Về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trước diễn biến phức tạp và tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần tập trung cho những giải pháp ngắn hạn, cấp bách, hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Bối cảnh trong nước và quốc tế cho thấy Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội phát triển. Cả cơ hội và thách thức đều đòi hỏi Việt Nam cần đẩy nhanh và thực hiện quyết liệt, có kết quả rõ ràng hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, phát huy được tiềm năng, phục hồi nhanh, bền vững hơn và đạt được các mục tiêu phát triển.

Theo Kế hoạch, bối cảnh mới và yêu cầu phát triển của giai đoạn tới đặt ra những quan điểm xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 chủ yếu như tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016-2020, bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới. Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa Trung ương với địa phương, là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện thực chất, hiệu quả hơn nữa trên cơ sở củng cố và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt và phối hợp hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, phù hợp với điều kiện, lợi thế, trình độ phát triển của từng ngành, địa phương gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược và sáu nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng.

Lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm. Tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó khẩn trương chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên số, khuyến khích đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Thực hiện hội nhập quốc tế hiệu quả, góp phần tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trên cơ sở đa dạng hóa thị trường, chủ động nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường nội lực, phát triển lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam, tiến tới làm chủ công nghệ và khai thác tốt hơn lợi ích của hội nhập quốc tế.

Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ và phục hồi môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, coi đây là nguồn lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh. Giữ vững ổn định nền tảng vĩ mô, tạo dư địa chính sách và cơ chế điều chỉnh linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những biến động trong và ngoài nước. Đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển đầy đủ các loại hình thị trường; thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và năng suất cao. Hình thành cơ cấu không gian kinh tế hợp lý; nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành. Nâng cao nội lực của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1206
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)