Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/10/2021-17:00:00 PM
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An và thành phố Hải Phòng
(MPI) - Chiều ngày 11/10/2021, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An và thành phố Hải Phòng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự phiên họp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày các tờ trình dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày các Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An và thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị quyết số 26-NQ/TW, Thông báo số 55-TB/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An và Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng.

Việc xây dựng dự thảo các Nghị quyết là đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Nghị quyết thí điểm cơ chế, đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng được xây dựng trên 06 quan điểm.

Thứ nhất, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ phát triển các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo tính khả thi.

Thứ hai, dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn và thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của các tỉnh, thành phố nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thứ ba, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị.

Thứ tư, phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Thứ năm, cơ chế đặc thù phải phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.

Thứ sáu, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng; đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của Tỉnh, Thành phố.

Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, để thực hiện được Kết luận số 48-KL/TW và Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương thì việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết. Tại dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quy định thí điểm 04 chính sách đặc thù về phí tham quan di tích; thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế; quy định mức dư vay nợ; sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý.

Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm các chính sách đặc thù về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; quản lý, sử dụng rừng.

Để đạt được mục tiêu “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics;...” tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng là cần thiết. Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm các chính sách đặc thù về phát triển Khu thương mại tự do; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; quản lý tài chính - ngân sách; thu nhập của cán bộ, công chức, viên .

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Nghị quyết các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế và thành phố Hải Phòng quy định thống nhất về hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và được thực hiện trong 05 năm; đồng thời, giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trong việc tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Tờ tình của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan khác cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Đồng thời nhấn mạnh đến một số vấn đề đối với tỉnh Thừa Thiên Huế như mục tiêu của Tỉnh là phấn đầu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Hải Phòng, tầm nhìn để trở thành thành phố đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là động lực phát triển của khu vực, của cả nước, năng động, hiện đại với 3 trụ cột: kinh biển, du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo và logistics…

Cũng tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, thành phố Hải Phòng cũng đã giải trình làm rõ một số nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 ba Nghị quyết này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo các Nghị quyết gửi đến các cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3065
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)