(MPI) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Văn bản số 7073/BKHĐT-TH về việc xây dựng Đề án tách tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Văn bản số 5318/TTg-KTN ngày 04/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án. Đồng thời, tại Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành Đề án, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội khóa XV theo quy định vào kỳ họp gần nhất.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm xây dựng cơ chế thí điểm trong Đề án bảo đảm chất lượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo khái quát một số nội dung liên quan đến việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư do Bộ, cơ quan, địa phương quản lý (bao gồm cả dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư), cụ thể:
Thứ nhất, thực trạng về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá các khó khăn, vướng mắc và các giải pháp đã ban hành trong thẩm quyền để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Thứ hai, đánh giá các nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc (bao gồm cả các nguyên nhân về thể chế, cơ chế, chính sách của công tác giải phóng mặt bằng và các nguyên nhân về quá trình thực hiện).
Thứ ba, bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện.
Thứ tư, đề xuất cơ chế, chính sách cho việc tách công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư (bao gồm tách công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư), đánh giá điểm mạnh, hạn chế của cơ chế, chính sách và phương án để khắc phục các hạn chế của chính sách.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các nội dung báo cáo và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn thiện Đề án, báo cáo Chính phủ./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư