Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/10/2012-09:57:00 AM
Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

(MPI Portal) – Nhằm tiếp tục khuyến khích, trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng các yêu cầu mới về hội nhập và phát triển, ngày 19/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp Hội đồng Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Ông Đặng Huy Đông, Ủy viên thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì buổi họp.
Ông Đặng Huy Đông, Ủy viên thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Phát biểu khai mạc, Ông Đặng Huy Đông cho biết, DNNVV có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, là khu vực doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Tình hình trợ giúp phát triển DNNVV thời gian qua
Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giải thể và dừng hoạt động
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/8/2012, cả nước đã có 46.054 doanh nghiệp (DN) thành lập với tổng vốn đăng ký 320.801 tỷ đồng, giảm 11,5% về số lượng DN và tăng 0,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.
Tính đến 20/8/2012, tổng số DN đã giải thể và dừng hoạt động là 35.483 DN, trong đó có 5.897 DN giải thể, 29.586 DN dừng hoạt động, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Lĩnh vực các DN hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 206 DN dừng hoạt động, tăng 53,7%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 934 DN dừng hoạt động, tăng 31,7%;…
Địa phương có nhiều DN dừng hoạt động nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Tổng số DN đang hoạt động trong nền kinh tế, tính đến 20/8/2012, trong tổng số 670.041 DN đã được thành lập, cả nước còn 479.443 DN đang hoạt động (chiếm 70%), 84.948 DN đã giải thể, 18.542 DN đăng ký dừng hoạt động và 96.108 DN dừng hoạt động nhưng không đăng ký.
Một số khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua
Khó khăn nhất đối với DN, đặc biệt là DNNVV vẫn là thiếu vốn kinh doanh. Trong thời gian qua, lãi suất cho vay liên tục ở mức cao và trong thời gian dài, nên các DN khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Ngay cả khi tiếp cận được vốn vay, với lãi suất cao, thời gian vay vốn ngắn khiến các DN khó quay vòng vốn để trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động.
Bên cạnh đó, các DN còn gặp phải những khó khăn khác như: chi phí sản xuất tăng cao do biến động các yếu tố đầu vào; hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, hàng tồn kho lớn; kim ngạch xuất khẩu giảm, thị trường bị thu hẹp.
Ngoài ra, DN trong nước cũng gặp nhiều bất lợi do cạnh tranh với DN nước ngoài được hưởng lợi về chi phí tài chính và hỗ trợ của nước sở tại. Trong khi đó, Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật hữu hiệu để bảo vệ hàng hóa trong nước.
Nhu cầu hỗ trợ đối với khu vực DNNVV
Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và cạnh tranh bình đẳng cho khu vực DNNVV, trong đó cần tạo điều kiện cho DNNVV gia nhập, rút lui khỏi thị trường đúng quy định pháp luật, dễ dàng, thuận lợi cũng được coi là một yếu tố đảm bảo tính hấp dẫn của các chính sách khuyến khích đầu tư. Cần xóa bỏ các ưu đãi mang tính phân biệt đối xử với DNNVV và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đảm bảo sự cạnh tranh thực sự bình đẳng, theo nguyên tắc thị trường giữa DN tư nhân và DN nhà nước.
Về định hướng chính sách, DN trong nước, đặc biệt là DNNVV cần được coi là trụ cột của nền kinh tế nhằm xây dựng một nền kinh tế tự chủ và cần có sự công bằng trong quan điểm khuyến khích đầu tư trong nướcvà thu hút đầu tư nước ngoài.
Nghiên cứu và áp dụng triệt để các quy luật của nền kinh tế thị trường khi xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ DN.
Sự dụng các ưu đãi thuế một cách hợp lý và tuân thủ các thông lệ quốc tế: đảm bảo tính hiệu quả, công bằng, đơn giản, minh bạch; đảm bảo các nguyên tắc thị trường, các cam kết WTO khi xây dựng các chương trình hỗ trợ hoặc các chính sách ưu đãi cho các DN; đảm bảo không can thiệp quá sâu vào hoạt động nội bộ của DN.
Hình thành cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ về các DNNVV.
Về hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DNNVV
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ để kiểm soát hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng theo hướng dẫn tập trung phục vụ các nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, DNNVV. Tính đến 31/12/2012, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với các DNNVV đạt 881.340 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng ngắn hạn đạt 569.073 tỷ đồng, trung hạn đạt 141.527 tỷ đồng, dài hạn 170.740 tỷ đồng. Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với các DNNVV chiếm khoản 35% tổng dư nợ của toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế.
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Nội dung, định hướng, giải pháp trợ giúp phát triển DNNVV thời gian tới
Thực hiện nhiệm vụ được giao và trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển DNNVV 5 năm (giai đoạn 2006-2010), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch và Phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, công tác trợ giúp phát triển DNNVV trong 5 năm tới cần tập trung vào một số định hướng chủ yếu: tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo tính ổn định khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng cho DNNVV phát triển; tạo bước đột phá để DNNVV tiếp cận vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay cho DNNVV; hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ. Đẩy mạnh chuyển giao, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của DNNVV; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng cho DNNVV; cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, tăng cường bảo vệ môi trường thông qua việc lập và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện phát triển các khu cụm công nghiệp có quy mô hợp lý, có giá thuế phù hợp với khả năng của DNNVV, hỗ trợ di dời các DNNVV gây ô nhiễm, tác hại đến môi trường tại các khu dân cư và đô thị đến các khu cụm công nghiệp; hình thành mạng lưới hệ thống thông tin hỗ trợ DNNVV để cung cấp thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của các DN, các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV và các thông tin khác hỗ trợ hoạt động kinh doanh của DN; nâng cao hiệu quả điều phối thực hiện các hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV, tăng cường vai trò của Hội đồng Khuyến khích Phát triển DNNVV. Tăng cường năng lực cho các địa phương về quản lý, xúc tiến, phát triển DNNVV.
Để thực hiện trợ giúp phát triển DNNVV theo các định hướng nêu trên, Kế hoạch Phát triển DNNVV 5 năm (2011-2015) đã đề xuất 8 nhóm giải pháp: hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của DNNVV; hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DNNVV; hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DNNVV; phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho các DNNVV; đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho các DNNVV; cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV; xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển DNNVV; quản lý thực hiện Kế hoạch Phát triển DNNVV.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng gặp nhiều khó khăn trong năm 2012 và dự kiến sẽ còn gặp nhiều khó khăn những năm tiếp theo, cần tập trung nghiên cứu và triển khai thực hiện một số nhóm giải pháp và phương thức hỗ trợ mang tính đột phá, mạnh mẽ hơn.
Kết thúc buổi họp, ông Đặng Huy Đông nhận định, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hiện nay thì khó khăn lớn nhất vẫn là tiếp cận tài chính, đặc biệt là các DNNVV, trong đó lãi suất vay vốn cao và khó đáp ứng được các điều kiện vay là hai nguyên nhân chính khiến các DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, lãi suất vay liên tục ở mức cao và trong thời gian dài cùng với các điều kiện cho vay của ngân hàng bị thắt chặt, dẫn đến tình trạng thiếu vốn sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ của DNNVV, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, ông Đặng Huy Đông đề nghị các thành viên Hội đồng xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt quyết định thành lập Quỹ Phát triển DNNVV là giải pháp hết sức cấp bách và cần thiết nhằm hình thành một định chế tài chính Nhà nước với nguồn kinh phí tập trung dành riêng để hỗ trợ tài chính cho các DNNVV có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế./.

Chức năng, nhiêm vụ, thành phần của Hội đồng Khuyến khích

phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chức năng:

Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khich, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiệm vụ:

- Định hướng chiến lược và kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Các biện pháp, giải pháp và chương trình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng cường năng lực và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa;

- Các vấn đề khác kiên quan đến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được Thủ tướng Chính phủ giao.

Thành phần:

- Chủ tịch Hội đồng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Ủy viện thường trực Hội đồng: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Ủy viên Hội đồng:

+ Lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công thương, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội;

+ Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

+ Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ;

+ Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam;

+ Một số chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ và đào tạo.

- Thư ký thường trực Hội đồng: Lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1767
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)