(MPI Portal) – Trong khuôn khổ Chương trình Chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc với Việt Nam, sáng ngày 06/3/2014, tại Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Viện Phát triển Hàn Quốc tổ chức Hội thảo công bố báo cáo cuối cùng KSP 2013.
|
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal
|
PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và GS. Sang-Woo Nam, Quản lý dự án KSP 2013, Hiệu trưởng trường Chính sách và quản lý công, Viện Phát triển dự án Hàn Quốc đồng chủ trì Hội thảo. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Jun Dea Joo tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
Đến tham dự Hội thảo còn có đại diện các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các tập đoàn, tổng công ty và đại diện từ các Bộ, ngành liên quan cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đánh cao kết quả KSP của Hàn Quốc đối với Việt Nam. Đây sẽ là công cụ tham chiếu trong quá trình thực hiện hoạch định chính sách và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, Việt Nam – Hàn Quốc đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, đến tháng 10 năm 2009 Việt Nam – Hàn Quốc nâng tầm quan hệ từ đối tác phát triển sang đối tác chiến lược, mở ra một trang mới trong quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
KSP ra đời từ năm 2004 và Việt Nam là một trong những quốc gia đối tác đầu tiên của Chương trình này. Đây là một trong những khung khổ hợp tác song phương giữa hai nước và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế.
Chương trình KSP bao gồm nghiên cứu chính sách, tham vấn phát triển và tăng cường năng lực nhằm hỗ trợ các nước đối tác về phát triển kinh tế - xã hội của mình thông qua kinh nghiệm của Hàn Quốc. Từ đó hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và các nỗ lực tái cơ cấu thể chế của các quốc gia này thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, mục đích của KSP nhằm xây dựng và tăng cường năng lực quản lý, hoạch định chính sách cho các cán bộ và các cơ quan của Chính phủ; tìm kiếm những cơ hội mang tính thực tiễn, hữu ích của Hàn Quốc về các vấn đề chính sách hiện hành dựa trên cơ sở phân tích kinh tế và đưa ra những khuyến nghị cụ thể.
Các lĩnh vực của Chương trình KSP được tập trung nghiên cứu gồm Chiến lược phát triển kinh tế; Công nghiệp hóa và xúc tiến xuất khẩu; Nền kinh tế tri thức; Quản lý khủng hoảng kinh tế; Phát triển nguồn nhân lực.
|
Ông Jun Dae Joo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại
Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Jun Dae Joo cho rằng, báo cáo cuối cùng của KSP 2013 đã khẳng định nỗ lực lớn của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc dành cho Việt Nam.
Ông Jun Dae Joo cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả to lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đạt được điều này là nhờ có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và người dân. Tuy nhiên, theo ông Jun Dae Joo, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong tái cơ cấu ngành tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng… Vì vậy, KSP sẽ là công cụ hữu ích, đáp ứng được chính sách của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc chia sẻ những thành công cũng như những bài học trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mình. Hàn Quốc tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để tìm ra những phương thức hữu ích, lâu dài nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Việt Nam.
Trong khuôn khổ của KSP, KSP 2013 tập trung nghiên cứu 4 chủ đề gồm: Gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu – Kinh nghiệm của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam; Chính sách an ninh quốc gia – Kinh nghiệm của Hàn Quốc và hàm ý chính sách của Việt Nam; Kế hoạch phát triển xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam; Hỗ trợ xây dựng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe các diễn giả cũng như các bình luận viên trình bày các nội dung chính liên quan đến các nội dung nêu trên.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Theo ông Yongtaek Kim, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện nghiên cứu nông thôn Hàn Quốc, để thành công trong việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, cụ thể là lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam nên hướng tới tầm nhìn là ngành nông nghiệp công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải có sự tham gia của Chính phủ Việt Nam và có sự ưu tiên đầu tư vào ngành này. Cụ thể như các ngành cà phê, cao su, chăn nuôi tôm. Đây là các mặt hàng đại diện được lựa chọn để tìm ra các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của nông nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Liên quan đến chủ đề kế hoạch phát triển xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam, đại diện phía Hàn Quốc đã chia sẻ những thành công trong việc cung cấp nhà ở giá rẻ cho những hộ gia đình có thu nhập trung bình – thấp. Hàn Quốc đã thiết lập sớm các thể chế về chính sách nhà ở; Sự mở rộng không gian của các thủ đô, các dự án nhà ở và phát triển đô thị có quy mô lớn; Xây dựng chính sách bình ổn thị trường bất động sản; Và tập trung phát triển lĩnh vực nhà cho thuê.
Theo đại diện của phía Hàn Quốc, để thành công trong việc phát triển xây dựng nhà ở xã hội, Việt Nam cần thiết lập các chính sách nhà ở xã hội; thiết lập các điều khoản và điều kiện cụ thể cho chính sách nhà ở xã hội; Thực hiện chính sách bình ổn thị trường bất động sản…
Hội thảo là dịp để chia sẻ, đánh giá, thảo luận những kết quả nghiên cứu theo từng chủ đề của KSP 2013. Các chủ đề trình bày tại Hội thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp của quý báu của các đại biểu với hy vọng có thể áp dụng được những chia sẻ của Hàn Quốc vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Việt Nam./.
Tùng Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư