Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/03/2014-00:25:00 AM
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2014-2015

(MPI Portal) – Ngày 18/02, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014-2015. Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cùng ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và ý kiến tổng hợp Hội nghị của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra các kết luận.

Khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài 3 năm qua, cùng với thiên tai bệnh dịch gây thiệt hại nặng nề, song kinh tế xã hội nước ta vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, xuất khẩu tăng cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được tăng cường, chính trị xã hội ổn định…

Trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. DNNN đã làm tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó số DNNN sai phạm, vi phạm pháp luật tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến khối DNNN. Việc tái cơ cấu, sắp xếp lại DNNN còn chậm do cơ chế ban hành, sự quan tâm chưa đúng mức, trách nhiệm chưa cao, chỉ đạo chưa quyết liệt, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; thoái vốn, rút vốn chưa đạt yêu cầu đề ra, việc nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp còn hạn chế.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhiệm vụ chung đến năm 2015 là: Kiên quyết thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu DNNN trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; sử dụng tiết kiệm đất đai, nhà xưởng, hạ thấp chi phí sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách nhà nước; thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định pháp luật.

Chính phủ đã có chương trình, kế hoạch và đã phê duyệt các Đề án tái cơ cấu. Các ngành, các cấp quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng và các Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành, tiếp tục rà soát, bổ sung những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vào diện thực hiện tái cơ cấu.

Triển khai thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp theo phương án đã phê duyệt. Quyết định chuyển thành công ty cổ phần tất cả các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa. Những doanh nghiệp chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông, nhằm thay đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh.

Chính phủ ban hành Nghị quyết về thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính và vốn nhà nước ở những doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối hoặc không giữ cổ phần. Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu. Qua đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sẽ chủ trì giao ban hàng tháng với các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về tiến độ và kịp thời giải quyết những tồn tại trong quá trình thực hiện./.

Nguyễn Hương
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1582
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)