(MPI) - Sáng ngày 21/10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia năm 2020: Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020) với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hanns Seidel, Cộng hòa Liên bang Đức.
Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, cơ quan trong nước và quốc tế, các Đại sứ quán và tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số chuyên gia. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
|
Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Lê Việt Anh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Việt Anh cho biết, thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Kế hoạch hành động quốc gia đưa ra 17 mục tiêu SDGs với 115 mục tiêu cụ thể trên cơ sở quốc gia hóa các mục tiêu SDGs toàn cầu để phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của Việt Nam.
Kế hoạch hành động quốc gia nhấn mạnh vai trò của tất cả các bên liên quan từ các bộ, ngành, địa phương đến các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong việc tham gia, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu SDGs của Việt Nam đến năm 2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan chủ trì, điều phối và phối hợp với các bên liên quan để triển khai Kế hoạch hành động quan trọng này.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020. Mục tiêu của Báo cáo nhằm đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm vừa qua và dự báo khả năng hoàn thành các mục tiêu đến năm 2030. Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện và đề xuất định hướng, giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu SDGs trong thời gian tới. Việc đánh giá kết quả đạt được và khả năng hoàn thành của các mục tiêu căn cứ vào Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam và Lộ trình thực hiện các mục tiêu SDGs của Việt Nam đến năm 2030.
Báo cáo đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bên liên quan và các thành viên Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Báo cáo đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và được thông qua vào đầu tháng 3 năm 2021.
Báo cáo được xây dựng trên cơ sở số liệu thống kê chính thức đến hết năm 2019, tức là trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Theo đó, Việt Nam có khả năng đạt được 5/17 mục tiêu SDGs vào năm 2030 bao gồm các Mục tiêu 1, 2, 4, 13 và 17. Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện các mục tiêu SDGs liên tục tăng lên trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, năm 2020, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 49/166 nước về chỉ số SDGs, tăng 5 bậc so với xếp hạng năm 2019. Mặc dù vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để hoàn thành các mục tiêu SDGs còn lại, đặc biệt là mục tiêu 12 và 14.
Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong thực hiện các mục tiêu SDGs và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Kết quả có được là nhờ sự tham gia, đóng góp của tất cả các bên liên quan. Điều này được khẳng định thông qua việc phát triển bền vững luôn là chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong các chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu SDGs, trong đó quan tâm, chú trọng đến các nhóm yếu thế để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các đối tác phát triển đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình thực hiện các mục tiêu SDGs.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Vụ trưởng Lê Việt Anh nhấn mạnh, mặc dù đạt được những thành tựu đáng khích lệ, song Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong duy trì thành quả đã đạt được và hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu SDGs vào năm 2030. Đó là, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, như tăng trưởng chững lại; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế; sức ép lớn về phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; tài nguyên thiên nhiên đang bị suy thoái nghiêm trọng; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền và địa phương đang có xu hướng ngày càng gia tăng; hệ thống văn bản chính sách còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, hiệu lực thực thi chính sách chưa cao; việc huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cho thực hiện các mục tiêu SDGs hiện nay và trong những năm tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động toàn diện trên phạm vi toàn cầu.
Báo cáo đã phân tích tác động trực tiếp và tức thời của đại dịch Covid-19 đến kết quả thực hiện một số mục tiêu bao gồm mục tiêu 1, 2, 3, 4, 5, 8, 10. Báo cáo cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần quyết tâm vượt qua các khó khăn trước mắt, biến thách thức thành cơ hội, huy động sức mạnh của toàn dân tộc và sự tham gia của tất cả các bên liên quan để tiếp tục gặt hái thành công và tiến tới đạt được các mục tiêu SDGs đã đặt ra.
Thực tế, quá trình xây dựng Báo cáo đã tạo ra cơ hội để nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia, phối hợp của các bên liên quan trong thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam. Ngoài việc góp phần tăng cường cơ sở dữ liệu về các mục tiêu SDGs tại Việt Nam và là phần quan trọng trong chu trình giám sát và đánh giá việc thực hiện SDGs tại Việt Nam, Báo cáo còn là một tài liệu quan trọng, cung cấp thông tin tổng thể, toàn diện đối với việc thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam.
|
Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Viêt Nam Kidong Park. Ảnh: MPI |
Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Viêt Nam Kidong Park chúc mừng Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc công bố Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020; cảm ơn Chính phủ Việt Nam về mối quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc và những cam kết của Việt Nam trong việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững. Báo cáo được công bố đúng lúc và cần thiết, đưa ra các biện pháp khôi phục kinh tế và xây dựng cuộc sống tốt hơn; các giải pháp thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19.
Báo cáo cho thấy sự tiến bộ của Việt Nam trong quá trình triển khai các mục tiêu phát triển bền vững trong 5 năm qua; về những tiến bộ rất chắc chắn trong việc xóa đói giảm nghèo, cung cấp giáo dục chất lượng cao; giảm thiểu bất bình đẳng cũng như thúc đẩy hòa bình; xây dựng thể chế vũng chắc. Đồng thời đưa ra những lĩnh vực cần cải thiện để đạt được mục tiêu năm 2030; các cơ chế tăng cường an sinh xã hội và nâng cao hiệu suất, hiệu quả; bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường; bảo vệ các nhóm yếu thế như trẻ em, người lao động nhập cư, người già, người khuyết tật; sử dụng tài nhuyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước và năng lượng; cải thiện hiệu suất trong quản lý tài chính công...
Ông Kidong Park cho biết, để hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa trong việc cải thiện cơ chế, nâng cao hiệu suất, Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam đang xem xét, thông qua khung khổ hợp tác giai đoạn 2022-2026. Do vậy, Hội thảo cũng là dịp để các bên cùng thảo luận, đưa ra các định hướng, giải pháp trong thời gian tới. Liên hợp quốc sự sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phù hợp với nhu cầu và năng lực của Việt Nam.
|
Trưởng đại diện Viện Hanns Seidel tại Việt Nam Michael Siegner. Ảnh: MPI |
Trưởng đại diện Viện Hanns Seidel tại Việt Nam Michael Siegner cho rằng, đại dịch Covid-19 tác động đến đời sống của người dân cũng như việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Báo cáo cung cấp cái nhìn tổng quan về tiến độ thực hiện các mục tiêu. Chương trình nghị sự 2030 và Thỏa thuận Paris là nền tảng để xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển bền vững dài hạn. Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến triển trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, Đại sứ quán và các cơ quan Liên hợp quốc, các chuyên gia đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để xây dựng Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020. Báo cáo sẽ là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành và địa phương định hướng phương thức hành động, đồng thời là cơ sở để các đối tác phát triển đưa ra các định hướng chiến lược nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu SDGs trong thời gian tới đây./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư