Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/10/2021-17:38:00 PM
Hội thảo Thúc đẩy nguồn lực tài chính để hiện thực hóa các mục tiêu bình đẳng giới trong mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam (Xem tin ảnh)
(MPI) – Chiều ngày 22/10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến về thúc đẩy nguồn lực tài chính để hiện thực hóa các mục tiêu bình đẳng giới trong mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ảnh: MPI

Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong công tác bình đẳng giới, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan của Liên hợp quốc, các đối tác phát triển và một số chuyên gia trong nước. Mục tiêu của hội thảo nhằm thúc đẩy chia sẻ của các bên liên quan về thực trạng và những thách thức trong việc thúc đẩy nguồn lực tài chính vào quy trình lập kế hoạch và chi tiêu ngân sách để hiện thực hóa các mục tiêu bình đẳng giới trong SDGs, qua đó đề xuất giải pháp tăng cường nhận thức và hành động cụ thể để thúc đẩy nguồn lực tài chính vào các can thiệp bình đẳng giới trong tất cả các mục tiêu SDGs ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Diệu Trinh cho biết, thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030 vào tháng 5/2017. Theo đó, đã đề ra 17 mục tiêu và 115 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và chia làm hai giai đoạn thực hiện là 2017-2020 và 2021-2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia để điều phối tất cả các hoạt động trong triển khai thực hiện các mục tiêu SDGs này. Mục tiêu bình đẳng giới là một trong các mục tiêu quan trọng, để hiện thực hóa các mục tiêu bình đẳng giới trong SDGs cần có sự kết hợp những chính sách từ Trung ương đến địa phương, cần có sự tham gia của những người làm kế hoạch, những người xây dựng kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch phát triển địa phương, những người lập ra ngân sách địa phương ở các cấp để họ hiểu về vấn đề giới và lồng ghép vào thực tiễn cho thực sự hiệu quả.

Trình bày kết quả thực hiện các mục tiêu SDGs liên quan đến bình đẳng giới giai đoạn 5 năm vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường cho biết, 5/17 mục tiêu SDG có khả năng đạt vào năm 2030 (mục tiêu 1, 2, 4, 13, 17); 10/17 mục tiêu sẽ còn gặp khó khăn, thách thức để đạt được vào năm 2030 (mục tiêu 3, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 15 và 16); 2 mục tiêu khó hoàn thành vào năm 2030 là mục tiêu 12 và 14. Vì vậy, định hướng đến năm 2025, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách; tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ là công việc của Chính phủ mà của toàn xã hội; huy động và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; tăng cường khả năng chống chịu trước các rủi ro bất định do biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh; tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế quốc gia.

Bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chia sẻ một số tồn tại, thách thức chính liên quan tới thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung cũng như việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững đó là định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến; cơ chế phối hợp liên ngành hiện nay còn lỏng lẻo; vấn đề bình đẳng giới còn chưa được nhìn nhận đầy đủ trong các mục tiêu khác của SDG; thiếu số liệu tách biệt giới, thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về bình đẳng giới; nguồn lực tài chính, con người còn hạn hẹp; tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 làm suy giảm các thành tựu về bình đẳng giới đã đạt được trong giai đoạn vừa qua và nảy sinh nhiều vấn đề mới. Bà Trần Bích Loan đề xuất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; tăng cường lồng ghép giới trong việc thực hiện các mục tiêu SDG và trong Chiến lược/Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới.

Bà Vũ Phương Ly chuyên gia Chương trình UN Women Việt Nam nêu ra bốn yếu tố cốt lõi để thực hiện thành công tài chính cho các vấn đề bình đẳng giới là đầu tư tài chính; cam kết chính trị; các thay đổi cấp tiến trong lĩnh vực pháp luật cũng như các đổi mới trong quy định chính trị và hành chính; thái độ và khuôn mẫu xã hội đối với vấn đề bình đẳng giới.

Theo bà Vũ Phương Ly, cần tăng cường nhận thức và hiểu biết về ngân sách có trách nhiệm giới trong các kế hoạch phát triển ngành; thúc đẩy sử dụng số liệu phân tách giới tính và thống kê giới trong quá trình đưa ra các quyết định về ngân sách để giúp cho việc xây dựng và chấp hành ngân sách; thực hiện các đánh giá để xem xét các chính sách tài chính đã cân đối và đảm bảo thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện SDGs như thế nào; thúc đẩy thảo luận giữa các bên liên quan để vận động cho việc chỉnh sửa cho các chính sách/chiến lược/chương trình xây dựng và chấp hành ngân sách có trách nhiệm đối với bình đẳng giới; lên danh sách các can thiệp cần nguồn lực tài chính trong chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, để qua đó ước tính được nguồn tài chính và con người cụ thể để thực hiện chiến lược và kiểm tra mối liên hệ giữa việc thực hiện chiến lược quốc gia bình đẳng giới và các mục tiêu phát triển bền vững VSDGs./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1609
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)