(MPI) – Nhằm tập hợp tri thức của các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức có quan tâm để thảo luận chuyên sâu về chính sách phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia, xây dựng sự đồng thuận quốc gia trong quá trình phát triển không ai bị bỏ lại phía sau, ngày 05/11/2021, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn nhịp đập kinh tế Việt Nam 2021: Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững.
|
Phó Giám đốc Đặng Xuân Quang phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Đặng Xuân Quang cho rằng, kinh tế Việt Nam và toàn cầu đã bị tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, Covid-19 không còn được coi là sự gián đoạn đơn thuần mà đã và đang làm thay đổi cấu trúc kinh tế cũng như hành vi đầu tư, sản xuất, tiết kiệm, tiêu dùng, tác động tiêu cực đến các động lực kinh tế trong ngắn và trung hạn. Dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và có ý nghĩa trong thời gian tới với nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ an sinh, hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chương trình giúp tháo gỡ các điểm nghẽn về nguồn lực, trong đó có đầu tư công cũng như định hướng đến các ngành, các vùng động lực, tăng trưởng, phục hồi sản xuất.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế đến từ các cơ quan của Chính phủ như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học,… Chủ đề của Diễn đàn rất phù hợp, thiết thực với bối cảnh hiện nay. Đây là dịp để các đại biểu thảo luận về những cơ hội của nền kinh tế Việt Nam, những tác động rủi ro từ bên ngoài và bên trong; nguồn tài chính để thực hiện các nhiệm vụ phục hồi tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Quyền Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Terence Jones cho rằng, Diễn đàn là dịp để tập hợp ý kiến của các bên liên quan, phân tích về các chính sách của Việt Nam và bối cảnh toàn cầu, từ đó đề xuất giải pháp ứng phó của Việt Nam trong điều kiện hiện nay. UNDP đang phối hợp với một số bộ, ngành của Việt Nam thực hiện nghiên cứu để đánh giá tác động của dịch Covid-19 và mong muốn thúc đẩy một số khía cạnh trong quá trình ứng phó với dịch để phục hồi kinh tế.
Ông Terence Jones đề cập đến tác động của dịch đối với người lao động và các chính sách mới có vai trò quan trọng để hỗ trợ đối tượng này; những định hướng để Việt Nam phục hồi, duy trì phát triển kinh tế bền vững trong ngắn hạn và dài hạn; thực hiện chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, tăng cường năng suất, nâng cao khả năng chống chịu, đảm bảo hài hòa giữa con người và hành tinh; mô hình tăng trưởng mới để phát triển kinh tế bền vững; giải pháp để thích ứng trong trạng thái bình thường mới vì một tương lai bền vững hơn, hiệu quả hơn.
Diễn đàn được nghe các bài nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề phát triển then chốt để đẩy nhanh quá trình phục hồi trong và sau đại dịch Covid-19 của Việt Nam, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bao trùm. Các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận về vai trò của các nguồn tài chính quốc tế và trong nước trong trung, dài hạn cho phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư của các doanh nghiệp theo hướng xanh hơn và cạnh tranh hơn. Các chuyên gia kinh tế đã có những bình luận về các biện pháp tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; dòng tài chính cho phục hồi tăng trưởng, ổn định của hệ thống ngân hàng, tài chính sau Covid-19; về các vấn đề kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư