(MPI) – Ngày 05/11/2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dưới sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Reform - Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Những điều doanh nghiệp cần biết” nhằm giúp các doanh nghiệp tìm hiểu về tiến trình, các cam kết cốt lõi và những dự kiến tác động của RCEP.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 05 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân đã được ký tháng 11/2020 và dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022. Đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới, bao gồm các đối tác hàng đầu về đầu tư và xuất nhập khẩu của Việt Nam, RCEP dự kiến sẽ có tác động mạnh tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng CIEM, Giám đốc quốc gia Chương trình Aus4Reform Trần Thị Hồng Minh cho biết, kể từ năm 2020 tới nay, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn từ dịch bệnh COVID-19 khi việc gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng đã gây ra nhiều rủi ro đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong năm 2021, việc xử lý tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế còn gặp thách thức lớn khi sức mua của nền kinh tế đang bị suy yếu. Do vậy, việc cải tiến và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021 có kết quả tích cực khi đạt 16,6% so với cùng kỳ năm trước, điều nay đã thể hiện sự đúng đắn trong cách tiếp cận thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, việc ký kết RCEP là kết quả Việt Nam đạt được sau hơn 07 năm kể từ phiên đàm phán đầu tiên. Ý tưởng về RCEP được hình thành trong bối cảnh gia tăng, nỗ lực tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thời kỳ 2008-2009.
Từ đầu năm 2020, CIEM đã thực hiện nghiên cứu về tính hiệu quả của RCEP gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam và công bố báo cáo trong khuôn khổ Chương trình Aus4Reform vào tháng 01/2021. Sự chuẩn bị, đồng lòng và quyết tâm thực hiện của doanh nghiệp là điều rất quan trọng để hiện thực hóa những cơ hội từ việc hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và Hiệp định RCEP nói riêng. Doanh nghiệp cần nắm rõ nội dung cơ bản của Hiệp định RCEP và trên cơ sở đó, tính toán thành cơ hội, thách thức cụ thể cho chính doanh nghiệp của mình.
Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương đã trình bày dự báo một số tác động của RCEP tới nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, một số cơ hội có được từ RCEP là RCEP có thể giúp gia tăng xuất khẩu và thu nhập quốc gia ngay cả trong kịch bản tự do hóa toàn diện (CIEM 2015); có tác động tạo thương mại chứ không chỉ là chuyển hóa thương mại; gia tăng đầu vào có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu; tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu,…
Bên cạnh đó, RCEP cũng có một số thách thức về thương mại như nhập siêu từ các nước thành viên trong RCEP, khó khăn trong việc ứng phó với các rào cản, quy định mới, … Để thực hiện hiệu quả RCEP, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng cần phải hài hòa giữa chính sách công nghiệp - đầu tư - thương mại; không tách rời với các hiệp định tự do đã có như CPTPP, EVFTA và ứng phó với dòng vốn đầu tư nước ngoài dựa trên tiêu chuẩn.
Tại Hội thảo, đại diện đến từ Bộ Công Thương và VCCI đã có giới thiệu khái quát về mục tiêu, đặc điểm và tiến trình tham gia RCEP của Việt Nam cũng như những cam kết cốt lõi của RCEP ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt Nam./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư