(MPI) – Ngày 03/12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến trẻ em với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, các tổ chức trong nước, quốc tế và chuyên gia.
|
Chủ tọa Hội thảo Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường Lê Việt Anh vàTrưởng phòng Chính sách xã hội và Quản trị, UNICEF Vincenzo Vinci. Ảnh: MPI |
Hội thảo là dịp để các đại biểu thảo luận về các giải pháp thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDGs liên quan đến trẻ em trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19, ứng phó với biến đổi khí hậu; chia sẻ một số kết quả một số nghiên cứu và tạo diễn đàn để các bên liên quan thảo luận, đề xuất kiến nghị nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDGs liên quan đến trẻ em.
Thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào tháng 5 năm 2017, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quốc gia trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu SDGs đến năm 2030.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường Lê Việt Anh cho biết, nhằm củng cố năng lực lập kế hoạch và giám sát đánh giá với các yếu tố chú trọng quyền trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ đảm bảo thực hiện quyền trẻ em thông qua lồng ghép quyền trẻ em vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng cường năng lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó tập trung vào các mục tiêu SDGs liên quan đến trẻ em.
Bảo đảm mọi điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện là chính là mục tiêu quan trọng hàng đầu cho tương lai của đất nước. Với quan điểm đó, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng toàn dân luôn nỗ lực không ngừng để xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chính sách, luật pháp nhằm hỗ trợ tốt nhất về điều kiện để trẻ em được hưởng môi trường phát triển đầy đủ và toàn diện; nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực.
Tuy nhiên, việc chăm sóc, bảo vệ cũng như đầu tư cho thế hệ tương lai của đất nước cũng đang gặp phải những thách thức nhất định, trong đó phải kể đến tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và thách thức chưa từng có như đại dịch Covid-19. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường tới trẻ em. Chất lượng và sự sẵn có của nước sạch, an ninh lương thực và y tế cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy thoái môi trường - bao gồm ô nhiễm không khí, nguồn nước và mất đa dạng sinh học - cùng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs toàn cầu năm 2021 của Liên hợp quốc cho thấy, việc đóng cửa trường học do đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với việc học tập và hạnh phúc của trẻ em. Đây là những khó khăn, thách thức mà toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt trong công cuộc bảo vệ, chăm sóc và phát triển toàn diện đối với trẻ em trong giai đoạn tới đây.
Trưởng phòng Chính sách xã hội và Quản trị, UNICEF Vincenzo Vinci đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững và nhấn mạnh đến phúc lợi, lợi ích khi thực hiện các mục tiêu SDGs liên quan đến trẻ em, những giá trị mang lại; sự cần thiết trong việc đầu tư nhiều cho trẻ em để tạo điều kiện phát triển tốt nhất và tạo ra nhiều lợi ích cho xã hội; giảm tỷ lệ nghèo cho toàn bộ dân số; hướng đến mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trình bày về những ưu tiên liên quan đến trẻ em giai đoạn 2021-2025, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Nguyễn Thị Nga cho biết, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra các vấn đề về thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội; Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước; Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, … bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe tầm vóc người Việt Nam. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Các chủ trương, chính sách được ban hành nhằm bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tạo lập môi trường song an toàn, lành mạnh và thân thiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Bên cạnh việc giới thiệu một số kết quả nghiên cứu về tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs liên quan đến trẻ em, Hội thảo được nghe các bài tham luận từ đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức về những ưu tiên, định hướng khung khổ pháp lý cho trẻ em trong giai đoạn 2021-2025; các vấn đề về biến đổi khí hậu và trẻ em và một số can thiệp liên quan đến trẻ em tại cộng đồng; các phân tích, đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu đến trẻ em cũng như những lợi ích mang lại cho trẻ em thông qua thực hiện tăng trưởng xanh; tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs liên quan đến trẻ em; ưu tiên liên quan tới trẻ em giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19; dự kiến đề xuất hoàn thiện khung pháp lý liên quan tới trẻ em trong giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19;… Qua đó, đưa ra những gợi mở quan trọng để thảo luận, chia sẻ các quan điểm, giải pháp, khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu SDGs liên quan đến trẻ em trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư