(MPI Portal) – Ngày 12/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã đồng chủ trì Hội nghị thảo luận các nội dung xin ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chủ trì Hội nghị.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Trong thời gian qua, đầu tư công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và công bằng xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế như phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải; kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm; và gây nhiều thất thoát, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, những năm gần đây việc thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đã khắc phục một bước các tồn tại, hạn chế trên. Tuy nhiên, đây mới là các giải pháp cấp bách trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quản lý đầu tư công một cách toàn diện, có hệ thống.
Với tình hình thực tế và trước những bất cập, hạn chế, tồn tại trên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, để thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công thành công, việc ban hành Luật Đầu tư công là hết sức cần thiết nhằm tăng cường quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để hướng tới thực hiện mục tiêu đột phá xây dựng hạ tầng đồng bộ trong thời gian tới.
Dự án Luật Đầu tư công đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tháng 10 năm 2013 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 5 năm 2014. Dự thảo Luật Đầu tư công bao gồm 6 chương với 108 điều.
Về kết cấu, nội dung Dự thảo Luật Đầu tư công cơ bản nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu tham dự Hội nghị. Tuy nhiên, nhiều đại biểu chia sẻ thêm các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đầu tư công. Theo ông Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch Hộng đồng nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng, tại Khoản 13-14-15, Điều 4 nên dùng Chính quyền địa phương thay vì HĐND, UBND để xác định trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, HĐND có trách nhiệm quyết định chủ trương, UBND quyết định dự án.
Ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định lại cho rằng, khi HĐND quyết định chủ trương, UBND quyết định dự án thì sẽ khó khăn trong điều hành. Ông Long lấy ví dụ: giả sử do thiên tai, hỏa hoạn cần gấp một dự án, vừa làm vừa thiết kế vừa thi công, thì UBND phải quyết định ngay. Cho nên cần phân định ra những chủ trương dự án lớn ở địa phương sẽ được HĐND thông qua và UBND được quyết định với dự án ở quy mô nhỏ hơn mang tính cấp thiết.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận định, ban hành Luật Đầu tư công là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C về quy mô như trong Dự thảo Luật không phù hợp với tình hình biến động về chính sách, giá cả trong những năm vừa qua, cần nghiên cứu nâng lên để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, kế hoạch đầu tư công hàng năm cần phải phù hợp với kế hoạch đầu tư trung hạn. Vì vậy, Điều 51 quy định chung các nguyên tắc cho việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm là chưa hợp lý. Đề nghị nghiên cứu tách thành một điều quy định về nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và một điều về kế hoạch đầu tư công hàng năm.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Dự thảo Luật Đầu tư công có những nội dung đổi mới rất lớn, nhất là thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, khắc phục tình trạng dàn trải trong đầu tư công. Hội nghị đã nhận được nhiều đóng góp quý báu từ các đại biểu tham dự, các ý kiến phát biểu đều nhất trí và cho rằng cần phải sớm ban hành Luật Đầu tư công để tạo khung khổ pháp lý, nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công, chống thất thoát, lãng phí, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ, Dự án Luật Đầu tư công được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu chuẩn bị từ năm 2007 đến nay, trong quá trình xây dựng Luật luôn được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức khoa học, các tổ chức quốc tế. Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư công sẽ tiếp thu một cách có chọn lọc các ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công, đảm bảo tính chặt chẽ nhưng vẫn dễ thực thi. Thay mặt cho Ủy Ban kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ cảm ơn tới các đại biểu tham dự Hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Dự thảo Luật Đầu tư công./.
Đức Trung
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư