(MPI) - Đây là chủ đề của Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra ngày 06/12/2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn.
|
Ảnh: chinhphu.vn
|
Tham dự Diễn đàn có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cùng cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và nhiều chuyên gia, học giả, doanh nhân trong nước và quốc tế. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự và có bài trình bày về Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch Covid-19.
Tham dự tại điểm cầu các tỉnh, thành phố và các điểm cầu quốc tế có các đại diện lãnh đạo các địa phương, đại sứ các nước tại Việt Nam và đại sứ Việt Nam tại các nước, đại diện các tổ chức quốc tế,…
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra các Hội thảo chuyên đề về các chủ đề liên quan như: tư duy và cách tiếp cận về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sản xuất thông minh; đô thị thông minh; năng lượng thông minh; hạ tầng thông minh; nông nghiệp thông minh; dịch vụ thông minh; ngân hàng thông minh; chính phủ số; chuyển đổi số gắn với giáo dục và đào tạo nhân lực số. Hội thảo chuyên đề làm rõ các vấn đề về bối cảnh, xu thế lớn của công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên thế giới, cũng như kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kinh nghiệm về thực hiện đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu Covid thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia trong nước, quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp về các thông tin, kinh nghiệm phát triển để phát triển kinh tế - xã hội, lấy động lực mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo, kinh tế, chuyển đổi số; đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề dài hạn, xuyên suốt về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn các đối tác quốc tế đã hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ với Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nhất là trong phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là sự hỗ trợ về y tế; chiến lược vắc-xin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả hết sức nặng nề không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới trong gần 2 năm qua. Với Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ chân thành, nhiệt tình, hiệu quả của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, chủ động chuyển trạng thái, tạo tiền đề quan trọng để đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau thời gian triển khai chủ trương chuyển hướng trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phục hồi trở lại và có nhiều khởi sắc. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của người dân dần ổn định trở lại. Xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu trở lại, thu hút FDI tăng. Chuỗi cung ứng, sản xuất, chuỗi lao động dần được nối lại… chuyển đổi tư duy và hành động đã thu lại kết quả
Thủ tướng nhấn mạnh, khó khăn hiện tại chỉ mang tính nhất thời; nền tảng vĩ mô, các cân đối lớn của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và vững chắc; niềm tin của người dân và doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhất là bạn bè quốc tế tiếp tục được giữ vững, tăng cường và củng cố. Cùng với đó, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được nâng lên, được phát huy mạnh mẽ.
Trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu; cạn kiệt tài nguyên; già hóa dân số; dịch bệnh. Đây là những vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi quốc gia và mọi người dân, do đó cần phải có tư duy và cách tiếp cận toàn cầu, mang tính bao trùm, tổng thể, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới; đồng thời phải có tư duy và cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: chinhphu.vn
|
Về những định hướng trong thời gian tới, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hai chương trình này phải đi liền cùng nhau, có sự gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ và tác động lẫn nhau; phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, một số trụ cột như tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số. Chương trình cũng đưa ra các công cụ về chính sách tiền tệ, tài khóa và hai chính sách này gắn chặt với nhau, có sự lan tỏa.
Thủ tướng khẳng định, dù trong quá trình hồi phục hay phát triển thì nội lực luôn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, có tính chất quyết định, nhưng ngoại lực là quan trọng và đột phá. Nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người; thiên thiên và truyền thống văn hóa - lịch sử; tính tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất của dân tộc. Còn ngoại lực bao gồm công nghệ, vốn, năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực…
Một số định hướng như đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ với các công cụ về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách Nhà nước, lãi suất, tỷ giá, tín dụng, chi phí đầu vào... Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là giảm thiểu, khắc phục và phòng ngừa rủi ro để người lao động, người dân có công việc, thu nhập và cuộc sống ổn định.
Về hoàn thiện thể chế, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì luật hóa; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng và hoàn thiện dần.
Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu; quan điểm phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư