Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/12/2021-14:22:00 PM
Tiếp tục hoàn thiện định hướng, thể chế phát triển cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 07/12/2021 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Đây là 1 trong 2 hội nghị chuyên đề quan trọng trong chuỗi sự kiện Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012 nhằm cung cấp luận cứ, cả về lý luận và thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện định hướng, thể chế phát triển cho khu vực KTTT trong thời gian tới. Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Nguyễn Ngọc Bảo; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ngành, đại diện các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã. Tại điểm cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát triển KTTT, HTX là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong mọi thời kỳ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong mọi thời kỳ cách mạng. Việc phát triển KTTT, HTX không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn là vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế; phù hợp với xu thế đổi mới tư duy tăng trưởng của nước ta, không chạy theo tăng trưởng về số lượng mà phải thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, gắn tăng trưởng với tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo bình đẳng về tiếp cận cơ hội và thành quả của tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Cả hệ thống chính trị và toàn dân ta đang thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong 3 đột phá chiến lược. KTTT, trong đó nòng cốt là HTX là một trong 4 thành phần kinh tế của nền kinh tế Việt Nam và là tổ chức kinh tế có tính cộng đồng cao nhất, thể hiện rõ nét yếu tố “định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Về thể chế phát triển cho khu vực KTTT, HTX, trong 20 năm triển khai Nghị quyết và 10 năm thi hành Luật, Bộ Chính trị đã ban hành 02 Chỉ thị về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết, 02 Kết luận (Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT và Kết luận số 70/KL/TW ngày 09/3/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT) về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Chỉ thị về công tác triển khai thi hành Luật HTX năm 2012 cùng nhiều chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ KTTT, HTX, trong đó có các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Thời gian qua, dù đã có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên hoạt động của khu vực KTTT, HTX vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và có nguy cơ tụt hậu, nhất là trong bối cảnh xuất hiện nhiều cú sốc, yếu tố bất ổn phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ… Do đó, việc đổi mới để khu vực KTTT, HTX phát triển càng trở nên cấp bách. Việc đổi mới này cần phải được thực hiện bài bản, dựa trên những căn cứ khoa học và được thực chứng, củng cố bằng những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn triển khai chính sách.

Các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tích cực tham gia các chuỗi giá trị, đặc biệt đã tăng cường liên kết sản xuất - tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư thiết bị chế biến sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Đến nay, có khoảng hơn 800 HTX là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 30% trong tổng số khoảng 5.000 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng, phân loại của cả nước. Các quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục được đổi mới, hoạt động an toàn và hiệu quả, góp phần cung cấp tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen. Các HTX giao thông đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, đổi mới chất lượng dịch vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp có vai trò quan trọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong khu vực này phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ vai trò, vị trí của các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp; đánh giá khách quan, cụ thể tình hình thực hiện Nghị quyết; Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực phi nông nghiệp; đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế phát triển cho khu vực HTX nói chung, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp nói riêng.

Thứ trưởng Võ Thành Thống phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI

Công tác tổ chức thi hành Luật HTX đạt nhiều kết quả quan trọng

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Nguyễn Mạnh Cường trình bày báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp và cho biết, công tác tổ chức thi hành Luật HTX đạt nhiều kết quả quan trọng như đẩy mạnh việc các văn bản hướng dẫn; Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX được thực hiện thường xuyên; Hoạt động giám sát thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 được triển khai tại các địa phương nhằm phát hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Hợp tác xã; Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX, liên hiệp HTX đạt nhiều kết quả; Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam giữ vai trò nòng cốt đối với phát triển KTTT, HTX;…

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến các kết quả về việc thành lập, đăng ký HTX, liên hiệp HTX; phát triển thành viên và tổ chức cung ứng dịch vụ cho thành viên; năng lực tổ chức quản lý, điều hành; tài sản, tài chính; hiệu quả hoạt động.

Báo cáo cũng đưa ra đề xuất, kiến nghị liên quan đến sửa đổi Luật HTX năm 2012; Giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật HTX năm 2012 như tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách, pháp luật, mô hình KTTT trong lĩnh vực phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản thi hành Luật HTX; sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách và pháp luật về HTX phù hợp với tính chất, điều kiện đặc thù của các loại hình HTX phi nông nghiệp; tăng cường hoạt động giám sát thực thi pháp luật để phát hiện kịp thời, đề xuất sửa đổi các quy định không phù hợp gây trở ngại đối với sự phát triển của HTX, liên hiệp HTX. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX, liên hiệp HTX lĩnh vực phi nông nghiệp; xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, đảm bảo hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực quản trị, tăng số lượng, hình thức liên kết, hợp tác, quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác. Tập trung huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; đảm bảo phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác tổ chức thi hành Luật Hợp tác xã trong lĩnh vực phi nông nghiệp…

Hội nghị cũng được nghe Phó Chủ tịch Liên minh HTX Nguyễn Văn Thịnh trình bày báo cáo tóm tắt về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW trong lĩnh vực phi nông nghiệp. KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động trẻ; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao nhận thức của xã hội về HTX kiểu mới.

Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, kéo dài và nguy hiểm hơn; khu vực KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp tiếp tục có những khó khăn, thách thức, nhưng vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi mới cho phát triển. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp trong thời gian tới là cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và xã hội theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ HTX lĩnh vực phi nông nghiệp đi đôi với đảm bảo nguồn lực thực hiện; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tăng cường năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, phương án sản xuất kinh doanh đối với KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp…

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các địa phương Bắc Ninh, Đồng Nai và một số HTX xã như HTX Sao Đỏ (tỉnh Lào Cai), HTX Saigon Coop đã trình bày các tham luận về tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012. Mục đích của việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 là để khẳng định những kết quả đúng đắn đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế bất cập, rút ra bài học kinh nghiệm, đưa ra kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các văn bản mới để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn trong việc phát triển KTTT, HTX; có đủ căn cứ, lý luận thực tiễn để sửa đổi Luật HTX năm 2012.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ khu vực KTTT, HTX, đóng góp xứng đáng cho quá trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 13 và Luật HTX năm 2012 trong việc xây dựng các báo cáo với đầy đủ nội dung, số liệu; tiến hành khảo sát thực tế, tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo tại các miền… thể hiện quyết tâm cao trong việc thúc đẩy phát triển KTTT, HTX. Đồng thời nhấn mạnh, KTTT, HTX là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại Hội nghị thứ 5, khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó xác định rất rõ kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: MPI

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu các kết quả nổi bật trong thời gian qua. Thứ nhất, chương trình hàng động được các cấp chỉ đạo xây dựng phù hợp với địa phương, bộ, ngành và thực hiện có hiệu quả. Thứ hai, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ, phát huy hiệu quả trong thực tiễn, thúc đẩy phát triển KTTT, HTX, kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn qua. Ba là, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về HTX kiểu mới được nâng lên và trên thực tế, KTTT, HTX đã đóng góp cho phát trển kinh tế - xã hội bền vững, giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Bốn là, KTTT, HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng, tiềm năng, nguồn lực phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất theo quy chuẩn, kết nối hộ thành viên và doanh nghiệp được nâng lên. Năm là, số HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp, cung ứng thực phẩm, góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển bền vững. Sáu là, hệ thống liên minh HTX Việt Nam ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò kết nối, hướng dẫn, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HTX và các thành viên; làm cầu nối để đề xuất về chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động KTTT, HTX.

Bên cạnh các kết quả to lớn đã đạt được vẫn còn vấn đề tồn tại, hạn chế như nhận thức và sự quan tâm của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi phát triển KTTT, HTX; sự quan tâm giải quyết chính sách chưa được nhiều, rõ nét nhất là về lĩnh vực đất đai, tiếp cận vốn, giải quyết việc làm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tiếp cận với kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, một số văn bản, chính sách khó thực hiện trong thực tiễn, chưa có đánh giá, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm để đề xuất sửa đổi kịp thời.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, giải pháp chủ yếu đã được đề ra; xác định rõ vai trò quan trọng của KTTT, HTX. Đồng thời, cần tổng hợp và phân tích kỹ, có đủ lý luận và thực tiễn để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ các nút thắt; các chương trình mục tiêu quốc gia phải góp phần củng cố, phát triển KTTT, HTX. Phát triển KTTT là một trong những yếu tố quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết đại toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự quản lý hiệu quả của Nhà nước, vai trò nòng cốt của hệ thống liên minh HTX, khu vực KTTT, HTX sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng cho quá trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng; hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2309
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)