Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/12/2021-14:32:00 PM
Hội thảo tham vấn Dự thảo Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 10/12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Phùng Quốc Chí phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phùng Quốc Chí cho biết, tại Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo 02 Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và gửi lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành. Tại Hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn nhận được thêm nhiều trao đổi cởi mở, thẳng thắn của các chuyên gia, các nhà khoa học góp phần tìm được hướng đi đúng, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trình bày tóm tắt Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã cho biết,trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã trải qua các giai đoạn phát triển khác trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thách nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là hợp tác xã là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phụ được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng những chuyển biến đó vẫn chưa tạo nên bước ngoặt về chất lượng cho sự phát triển của kinh tế tập thể. Khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đặt ra nhưng chưa đạt hoặc thực hiện chưa đầy đủ, như: tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể thấp và tỷ trọng đóng góp và GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra; Công tác nghiên cứu lý luận về hợp tác xã không có hệ thống, chưa có các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu về hợp tác xã; Khung khổ pháp luật, chính sách về hợp tác xã còn nhiều rào cản đối với sự phát triển của hợp tác xã; Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã hiệu quả còn thấp, chưa đồng bộ, chưa nhất quán;…

Trong thời gian tới, mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ, tham gia mạnh mẽ vào sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Ảnh: MPI

Để thực hiện thành công các mục tiêu đó trong thời gian tới cần thống nhất và nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể; tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển; kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung nguồn lực, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp tại các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi…

Về Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012, đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã cho biết, vẫn còn nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển của hợp tác xã. Một số quy định hạn chế sự gia nhập, hoạt động và mở rộng thị trường của hợp tác xã như các quy định về đăng ký, chuyển đổi, tổ chức lại hợp tác xã. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương còn tình trạng buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu vào công tác quản lý, điều hành của hợp tác xã…

Kiến nghị sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 với mục tiêu tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, phát triển thành viên, bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất hợp tác xã, giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Đồng thời, cũng đưa ra 05 nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã 2012, gồm: hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế tập thể và tổ chức đại diện; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn cho khu vực hợp tác xã, tạo động lực cho khu vực hợp tác xã phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Hội thảo đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất xác đáng, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng từ các thành viên Văn phòng Đổi mới, các chuyên gia, các nhà khoa học. Trên tinh thần cầu thị và trách nhiệm đồng hành cùng với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét kỹ lưỡng và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu với mong muốn tạo được những thay đổi tích cực đem đến sự phát triển mạnh của khu vực này trong thời gian tới./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2416
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)