(MPI) - Ngày 09/12/2021, Báo Đầu tư đã tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 13 dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự tại Diễn đàn có đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nhân trong và ngoài nước, các chuyên gia và luật sư trong lĩnh vực M&A đã cùng tham gia và thảo luận các cơ hội M&A đến từ các tập đoàn lớn trong nước và các nhà đầu tư quốc tế trong các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ, dịch vụ tài chính, bán lẻ, bất động sản, y tế, giáo dục,…
|
Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu theo hình thức trực tuyến.
Ảnh: baodautu.vn |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn Lê Trọng Minh cho biết, Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp quyết liệt để ổn định, phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp, trên quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 với quy mô lớn, tác động trên diện rộng với thời gian dài và trình Quốc hội xem xét. Đây là những cơ sở để kỳ vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội mới mở ra cho cộng đồng đầu tư - kinh doanh trong năm 2022, bên cạnh yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và tốc độ tiêm phủ vắc-xin đang tăng nhanh.
Năm 2022 trông đợi sự phục hồi nhanh của thị trường thế giới, nhất là các nền kinh tế đối tác của Việt Nam với sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á và Việt Nam luôn là một quốc gia được nhấn mạnh. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UVFTA,… sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: baodautu.vn |
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với nhiều thương vụ được thực hiện thành công. Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng nhất định. Đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường M&A tại Việt Nam thể hiện sự ổn định cao, thậm chí tăng trưởng mạnh trong năm 2021. Trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019. Trong khi đó, số lượng giao dịch giảm nhẹ.
Sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm qua bất chấp bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp và những tác động tiêu cực của dịch bệnh lên nền kinh tế cho thấy, thị trường M&A Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn và các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh cũng như các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năm 2022 sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Thách thức, khó khăn còn rất lớn khi đại dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp hơn, với các biến chủng mới vừa xuất hiện; kinh tế thế giới được dự báo hồi phục chưa vững chắc, không đồng đều, rủi ro và bất ổn tiếp tục gia tăng. Điều này đã đòi hỏi Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược và các giải pháp quyết liệt để khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa nền kinh tế sớm bước vào quỹ đạo hồi phục vững chắc.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là một chương trình tổng thể, có quy mô đủ lớn, hỗ trợ cả về phía cung và phía cầu, thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế,...
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện và trình Chính phủ thông qua Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, với mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Chiến lược này sẽ là “kim chỉ nam” để Việt Nam tăng cường thu hút và tối ưu hóa lợi ích dòng vốn đầu tư nước ngoài cho giai đoạn phát triển sắp tới.
Tại Diễn đàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Cam-pu-chia Warrick Cleine đã trình bày Báo cáo tổng quan về thị trường M&A năm 2021 và dự báo triển vọng, xu hướng trong thời gian tới. Các chuyên gia và doanh nhân tham dự tại Diễn đàn đã có các phiên thảo luận với chủ đề “M&A - Cơ hội bùng nổ trở lại” và “Hiện thực hóa cơ hội nhìn từ các thương vụ điển hình”./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư