(MPI) - Ngày 07/01/2022, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung.
|
Toàn cảnh Phiên thảo luận toàn thể trực tuyến tại điểm cầu Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này, có 365 lượt ý kiến phát biểu. Đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và một số nội dung trọng tâm như các nhóm giải pháp về tài khóa, tiền tệ đã đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đánh giá tác động; quy mô gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa, mức bội chi, khả năng huy động, khả năng giải ngân quy mô, mức độ các sắc thuế đề nghị miễn, giảm, giãn, hoãn. Các nội dung chi có đảm bảo trọng tâm, tối ưu hóa nguồn lực, phù hợp với khả năng hấp thụ và triển khai chủ yếu trong năm 2022-2023 hay không.
Đồng thời, tập trung thảo luận về quy mô, mức độ gói hỗ trợ từ chính sách tiền tệ; Các giải pháp cụ thể đã đảm bảo chỉ dẫn để thực thi gắn kết đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa hay không; phương án huy động đã bao quát hết các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý, khả thi và đảm bảo các cân đối vĩ mô hay chưa…
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để phục hồi kinh tế, trợ cấp khó khăn cho các ngành, lĩnh vực, người bị ảnh hưởng nhưng ngần đó cũng chưa đủ để giải quyết được yêu cầu bức xúc trong tình hình hiện nay để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đất nước ta thích ứng và chung sống với COVID. Cho nên cần phải có chính sách tổng thể hơn bao gồm nhiều lĩnh vực, con người đáp ứng yêu cầu thực tiễn các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Đại biểu bày tỏ tán thành và trân trọng sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế - xã hội cùng các chính sách tài khóa, tiền tệ mang tính nhân văn và cấp thiết, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc tái thiết kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống an lành của người dân, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, an dân, kiểm soát dịch bệnh. Việc hỗ trợ mang lại nhiều lợi ích tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế, tồn tại mà người dân phản ánh, gây ít nhiều phản cảm cho người dân, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo khắc phục, không để tái diễn như vậy đối với các gói hỗ trợ sau này.
Đại biểu tập trung vào các vấn đề cụ thể về chính sách thuế; chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển; an sinh xã hội, thống nhất hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn Ngân hàng chính sách, tuy nhiên, cũng cần giám sát chặt chẽ đối tượng vay vốn của Ngân hàng chính sách; tăng nguồn thu tiết kiệm chi năm 2021; về tăng vốn ngân hàng điều lệ cho Ngân hàng nông nghiệp; chính sách hỗ trợ lãi suất, cần tập trung hỗ trợ cho các lĩnh vực ngành nghề có sức lan tỏa cao, lao động nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, đặc biệt là các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở, công nhân, cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ ở các thành phố lớn.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải, việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đối với người dân và doanh nghiệp. Đây là chương trình với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, dự kiến là gần 350.000 tỷ đồng, do vậy cần quan tâm đến giải pháp huy động vốn. Đại biểu cũng đồng tình với những giải pháp, phương án huy động vốn đã trình trước Quốc hội.
Về giải pháp phòng, chống dịch, đại biểu đồng tình với quan điểm mở cửa gắn liền với vấn đề về phòng, chống dịch, kiểm soát và thích ứng an toàn với dịch bệnh; nâng cao năng lực của y tế cơ sở. Về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đại biểu cho rằng, đây là một gói rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh phục hồi, phát triển sản xuất nhưng cần phải có trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ vào một số lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tâm Hùng đánh giá, Chính phủ đã chuẩn bị Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tương đối chu đáo, kỹ lưỡng. Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra chặt chẽ và toàn diện. Dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành. Đồng thời bày tỏ nhất trí với 5 quan điểm, 3 mục tiêu, 5 nhóm giải pháp lớn về tài khóa, tiền tệ và phương án huy động nguồn lực đã đề ra tại dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, để bảo đảm triệt để tính hợp lý và những vấn đề cấp bách cần phải điều chỉnh bởi Nghị quyết này, đại biểu thống nhất cần rà soát để có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán hướng dẫn khi triển khai chính sách của nghị quyết.
Về điều hòa kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu cho rằng, việc bổ sung nguồn vốn tập trung cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trong chính sách tài khóa, tiền tệ là cần thiết và hợp lý.
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Bùi Sỹ Hoàn cũng cho rằng, việc ban hành Nghị quyết để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh tại thời điểm này là vô cùng cần thiết và kịp thời. Đại biểu tán thành với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được quy định tại khoản 3 Điều 2 cũng như các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu này được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 của Dự thảo. Đây là những giải pháp hết sức thiết thực và sẽ có tác dụng tích cực, nhanh chóng, phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho người dân mà nhất là người nghèo, người yếu thế và các đối tượng chính sách khác đã và đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch bệnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương bày tỏ tin tưởng rằng, với các giải pháp tài khóa, tiền tệ Quốc hội ban hành được triển khai thực hiện đúng đối tượng, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn sẽ sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025; tán thành với các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được nêu tại dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra, đề nghị cần rà soát các giải pháp, đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc, quy định thứ tự ưu tiên, các nội dung cụ thể cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để đảm bảo tính khả thi.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng, Nghị quyết đã bám sát nội dung Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các kết luận Hội nghị Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2021, nhất là trong Quý III đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch thứ tư gây tác động, cản trở lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Trung ương, sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược nhiệm vụ phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa biết thời điểm kết thúc. Hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi sản xuất có khởi sắc nhưng còn chậm. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là cấp thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tổng quy mô gói hỗ trợ từ 2 chính sách tài khóa và tiền tệ là gần 340.000 tỷ đồng, cùng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể nêu trong chương trình với quy mô đủ lớn, có sức lan tỏa, tạo sự đột phá để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, tránh suy giảm, các động lực tăng trưởng trong dài hạn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển của giai đoạn 2021-2025 cũng như giai đoạn những năm tiếp theo, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh, các giải pháp đề ra trong nghị quyết đã thể hiện tính tổng thể, sự phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, với quy mô đủ lớn, đủ rộng, thiết thực, cơ bản phù hợp với khả năng huy động nguồn lực và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bám sát mục tiêu, định hướng đề ra, tác động cả phía cung và cầu. Các gói hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm không dàn trải, xác định rõ đối tượng cần hỗ trợ, có địa chỉ dự án cụ thể, tránh lãng phí nguồn lực. Thời gian thực hiện chính sách trong 2 năm 2022- 2023 là phù hợp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đánh giá, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 Chính phủ và Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để tham vấn ý kiến xây dựng chính sách. Vì vậy, việc sớm triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn, có sức lan tỏa lớn, tạo sự đột phá là yêu cầu cấp bách hiện nay để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021-2025.
Với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của chương trình, đặc biệt là nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để đảm bảo hỗ trợ, phục hồi doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước trong thời gian tới. Chương trình đã lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để bổ sung và tăng tốc khơi thông các nguồn lực của xã hội. Các chính sách, giải pháp khả thi, hiệu quả, có khả năng hấp thụ và nâng cao tính tự chủ trong nền kinh tế phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Căn cứ tình hình thực tiễn và cấp bách của chương trình, phạm vi cần tác động ngay, thời gian thực hiện ngắn. Vì vậy, đại biểu bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược quan trọng có quy mô lớn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, như việc áp dụng hình thức chỉ định thầu, gói thầu về thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện nhanh về thủ tục, đảm bảo tiến độ đầu tư nhanh./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư