(MPI) - Chiều ngày 11/01/2021, tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự với 436/466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
|
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật.
Nguồn: quochoi.vn |
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật trên. Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi, bổ sung chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch COVID-19 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, nhiều ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi các nội dung liên quan tới Luật Đầu tư công do trong thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn ODA rất chậm do mất nhiều thời gian trong các khâu về thủ tục; phân cấp mạnh hơn cho các Bộ, ngành, địa phương.
Đối với phương án chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cả các dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài từ thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ sang thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C, đa số ý kiến tán thành đề xuất của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đối với việc phân cấp đối với các dự án nhóm A để thống nhất như các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Có ý kiến đề nghị việc sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Đầu tư công cần tiếp tục rà soát để tương thích, phù hợp với các điều, khoản khác trong Luật cũng như các Luật khác có liên quan.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhiều ý kiến nhất trí sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án PPP thuộc nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý như dự thảo Luật.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, đối với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị; về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, quy mô dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, một số ý kiến nhất trí với phương án sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư về thủ tục đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đối với bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ, sản phẩm an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV Luật Đầu tư, nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Luật, đề nghị nội dung quy định này phải bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật Đầu tư.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, nhiều ý kiến nhất trí sửa đổi, bổ sung quy định nhằm cho phép lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như dự thảo Luật.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, các ý kiến thảo luận về sửa đổi, bổ sung quy định về “thành viên Hội đồng thành viên” thành “thành viên công ty”; ký biên bản họp Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị; công bố thông tin về báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp; đối tượng xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh;…
Đối với đối tượng xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, một số ý kiến nhất trí với quy định về nội dung này như trong dự thảo Luật để ghi nhận thực tiễn tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; một số doanh nghiệp đặc thù liên doanh với công ty nước nước ngoài; quy định tại dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở tổ chức lại các doanh nghiệp quân đội./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư