(MPI Portal) – Ngày 24/10/2014, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội lần IV của Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung tham dự và có bài phát biểu tại Đại hội.
|
PGS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE. Ảnh: Nguyễn Hương (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Đại hội, PGS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE đã đưa ra những nhận xét tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2014 với tốc độ tăng trưởng dự báo đạt 5,6-5,8%, cao hơn năm 2013, lạm phát khoảng 4%, thấp nhất trong những năm gần đây, sản xuất công nghiệp tăng trên 7%, kim ngạch xuất khẩu 150 tỷ USD và xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện 12 tỷ USD. Tuy vậy, thách thức còn rất lớn khi bước sang năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, đó là phục hồi tăng trưởng để thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực, đẩy nhanh tái cấu trúc kinh tế để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khôi phục ba động lực phát triển trong nước: nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước để cùng với doanh nghiệp FDI tạo thành hợp lực phát triển nhanh, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, trong 4 động lực tăng trưởng của nước ta thì nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang chuyển động chậm, chỉ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vận hành tốt, đóng góp ngày càng tích cực vào tăng trưởng kinh tế, chiếm 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 45% giá trị sản lượng công nghiệp, 65% kim ngạch xuất khẩu, 20% thu ngân sách, 19% GDP, tạo việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động, góp phần đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, du nhập nhiều dịch vụ hiện đại trong các lĩnh vực sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Hiện nay Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn đối với việc thu hút FDI từ các công ty xuyên quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới về công nghệ cao như điện tử, tin học (Intel, Samsung, Nokia, Microsoft, Canon, LG…) đã và sẽ trở thành cứ điểm của thế giới sản xuất một số sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại di động, điện tử gia dụng, chíp điện tử…
|
Ảnh: Nguyễn Hương (MPI Portal)
|
Trong thành công chung của doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp hội viên của VAFIE đã vượt qua nhiều khó khăn, mở rộng kinh doanh, mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, đóng phần vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. VAFIE đã đổi mới hoạt động, tham gia tích cực và hoàn thiện thể chế, hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên xúc tiến đầu tư và tổ chức hoạt động chung của Hiệp hội đã thu được nhiều kết quả đáng kể. Nhiệm kỳ IV tiếp tục đổi mới tổ chức và công tác của Hiệp hội hoàn thành nhiệm vụ do Đại hội đề ra, đóng góp nhiều hơn vào việc tranh thủ cơ hội, tạo thành làn sóng FDI mới. Qua đó, Chủ tịch VAFIE bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ Hiệp hội trên mọi mặt.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung.
Ảnh: Nguyễn Hương (MPI Portal)
|
Đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp FDI đối với sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết trong tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn chung, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Những dự án lớn đầu tư tại Bắc Ninh, Thái Nguyên… đã có tác động mạnh mẽ trên nhiều mặt kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và tác động lên hệ thống chính trị điều hành vĩ mô, duy trì sự ổn định cả về chính trị và kinh tế - xã hội. Xu hướng giảm thiểu các dự án sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng quốc gia, chú trọng vào tăng trưởng xanh, bền vững, sử dụng công nghệ cao… cũng là một bài toán đặt ra đối với Hiệp hội.
Hơn nữa, Việt Nam đang rà soát lại việc thực hiện kế hoạch 2011 – 2015, chuẩn bị cho thời kỳ 2016 – 2020, trong đó thực tế là khả năng khai thác tiềm năng tĩnh của nền kinh tế đã tới hạn, buộc các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách tìm kiếm mô hình mới, tiềm năng động (đổi mới sáng tạo). Năm 2015, Việt Nam sẽ là một chỉnh thể trong khối cộng đồng ASEAN, điều đó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Trong đó, vai trò của VAFIE, bên cạnh việc là cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với cơ quan Chính phủ, còn phát huy tiếng nói của cộng đồng FDI để tư vấn chính sách giúp cho Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có các thông tin xác thực để cải cách, đổi mới, định hướng, phổ biến thực hiện những chính sách mới của Chính phủ, xây dựng hệ thống chính sách mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong sự phát triển nói chung. Qua đó, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn VAFIE tiếp tục phát huy tốt vai trò và ngày càng có nhiều đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trên những chặng đường mới.
|
Ảnh: Nguyễn Hương (MPI Portal)
|
Theo báo cáo của VAFIE trong nhiệm kỳ Đại hội III, hoạt động quan trọng và nổi bật của Hiệp hội trong nhiệm kỳ Đại hội III là chủ động và tích cực tham gia hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế có liên quan đến đầu tư nước ngoài, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, tam giác phát triển CLV, các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, tranh thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và mối quan hệ hợp tác tốt với các đơn vị thuộc Bộ. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng làm tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong việc tư vấn pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tổ chức sinh hoạt tập thể, duy trì các cuộc họp Ban chấp hành Hiệp hội, sắp xếp tổ chức và nhân sự, bảo đảm công khai, minh bạch tài chính Hiệp hội. Các doanh nghiệp hội viên đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp, dịch vụ, nộp ngân sách, tăng kim ngạch xuất khẩu để vượt qua tình trạng nhập siêu kéo dài, bắt đầu xuất siêu từ 2012 và dự báo xuất siêu khoảng 3 tỷ USD năm 2014. Tại Đại hội, các đại biểu cũng được nghe trình bày về phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ IV và bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra nhiệm kỳ IV./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư