Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/10/2014-17:30:00 PM
Khởi động Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”
(MPI Portal) – Ngày 17/10/2014, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã chính thức công bố khởi động Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” với tổng kinh phí đầu tư 53.229.265 USD.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, các khu công nghiệp (KCN) Việt Nam hiện đang là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực khác nhau với nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường toàn cầu, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, kim ngạch xuất khẩu, giá trị gia tăng của ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa và phát triển hệ thống các KCN với tốc độ nhanh gây ra những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường nước thải, chất thải rắn và khí thải, trong khi công tác xử lý nước thải chưa đạt hiệu quả mong muốn, môi trường chất thải rắn và khí thải KCN chưa thực sự được quan tâm và quản lý hiệu quả.

Do vậy, chuyển đổi mô hình KCN theo hướng phát triển KCN sinh thái, bền vững về môi trường và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, năng lượng đang là xu hướng chung trên thế giới. Nhằm tạo điều kiện phát triển công nghiệp một cách bền vững và thân thiện với môi trường, ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1526/QĐ-TTg về phê duyệt Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”. Mục tiêu Dự án nhằm tăng cường chuyển giao, ứng dụng, phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và quản lý tốt hóa chất tại các KCN Việt Nam. Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Ông Patrick J. Gilabert, Trưởng đại diện UNIDO Việt Nam.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Trưởng đại diện UNIDO Việt Nam cho biết, Dự án được thiết kế nhằm tạo ảnh hưởng lâu dài bằng việc xúc tiến các phương pháp sản xuất công nghiệp toàn diện và bền vững trong các KCN thông qua hợp tác giữa các công ty trong các lĩnh vực như cải tiến các hệ thống năng lượng, quản lý chất thải, giảm lưu lượng nước, quản lý KCN và hài hòa với cộng đồng tại địa phương có KCN. Dự án được cơ cấu thành 4 hợp phần kỹ thuật và 6 kết quả gồm có: hoàn thiện chính sách và hướng dẫn giúp chuyển đổi KCN thành KCN sinh thái; tăng cường năng lực xây dựng chiến lược và biện pháp cho KCN sinh thái; xác định các dự án thí điểm về KCN sinh thái; triển khai các dự án thí điểm này tại các KCN, cộng đồng xung quanh và phổ biến thông tin.

Với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, UNIDO đã huy động được nguồn vốn ODA từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và UNIDO là 4.554.000 USD; vốn đối ứng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư 108.000 USD; vốn đồng tài trợ bằng hiện vật của các cơ quan phối hợp thực hiện từ phía Việt Nam và UNIDO là 38.797.265 USD; vốn đồng tài trợ bằng tiền mặt và tín dụng ưu đãi cho các hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp là 9.770.000 USD từ Quỹ Tín dụng Xanh (GTCF) của SECO, Quỹ Môi trường Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. UNIDO sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc thực hiện Dự án, từ đó các kết quả của Dự án sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

Ông Đỗ Nam Thắng, đại diện GEF Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO đã xây dựng thành công Dự án, đại diện GEF cho biết, đây là Dự ánđa lĩnh vực đầu tiên GEF đồng tài trợ cho Việt Nam và là một trong những dự án lớn trong chu kỳ 5 mà GEF hỗ trợ Việt Nam. Qua đó, đại diện GEF bày tỏ mong muốn Dự án sẽ thành công tốt đẹp và được triển khai đúng tiến độ, mục tiêu đề ra, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng thành công cho những dự án tiếp theo của GEF tại Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia về việc xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu.

Giới thiệu về Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”, ông Heinz Leuenberger, Giám đốc Chi nhánh Quản lý Môi trường của UNIDO Trụ sở chính đã trình bày về mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và mức tiêu thụ tài nguyên nói chung của một số nước điển hình hiện nay đặt ra một thách thức về tách biệt tăng trưởng từ tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Heinz Leuenberger, Giám đốc Chi nhánh Quản lý Môi trường của UNIDO Trụ sở chính. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong 10 năm qua chủ yếu từ các lĩnh vực chế biến và sản xuất, đến cuối năm 2013 đã có 289 KCN tại 58 tỉnh, thành phố (trong đó 190 KCN đã đi vào hoạt động). Tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở Việt Nam đã có nhiều tác động đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng môi trường xung quanh: khoảng 90 KCN không có trạm xử lý nước thải tập trung, một số KCN xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý, ô nhiễm không khí tập trung vào KCN với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc không trang bị hệ thống xử lý khí thải, khối lượng chất thải rắn tăng lên đáng kể, 20% trong số đó là chất thải nguy hại.

Dự án với4 hợp phần chính dự kiến đạt được các kết quả như: thông qua các chính sách và quy định đáp ứng tiêu chí của KCN sinh thái; tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý KCN sinh thái cho các cơ quan quản lý KCN ở Trung ương và địa phương, nâng cao trình độ kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít cácbon, phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN và doanh nghiệp trong KCN; xác định và triển khai thí điểm các dự án chuyển đổi thành KCN sinh thái tại ít nhất 45 doanh nghiệp trong các KCN tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển KCN sinh thái. Ông Leuenberger cho biết:“Dự án sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính khoảng 182.000 tấn/năm; giảm lượng nước thải 6 triệu m3/năm, chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế”.

Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Hội thảo cũng được nghe báo cáo của đại diện ban quản lý dựáncác tỉnh, thành phốNinh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ về thực trạng các KCN, qua đó đưa ra những ý kiến chia sẻ và đóng góp thiết thực cho việc triển khai Dự án đạt hiệu quả cao nhất./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 5780
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)