Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/01/2022-10:55:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022 của tỉnh Hà Tĩnh

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Sản xuất nông , lâm nghiệp và thủy sản

1.1 Nông nghiệp

- Trồng trọt

Trong tháng 01/2022, hoạt động trồng trọt chủ yếu tập trung chăm sóc, thu hoạch cây vụ Đông 2021 và gieo trồng cây vụ Xuân 2022.

+ Kết quả sản xuất vụ Đông 2021:Đầu vụ mưa kéo dài đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất vụ Đông năm 2021. Tuy nhiên, do vụ Đông năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt lũ tháng 10/2020 nên dự ước kết quả một số cây trồng chủ lực vụ Đông 2021 tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.

+ Sản xuất vụ Xuân 2022: Mục tiêu sản xuất vụ Xuân năm nay là phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 36,7 vạn tấn; diện tích gieo cấy lúa 59.570 ha, năng suất trên 57 tạ/ha, sản lượng trên 34 vạn tấn; diện tích lạc 10.384 ha, năng suất trên 27 tạ/ha, sản lượng 29 vạn tấn; diện tích ngô 5.305 ha, năng suất 52 tạ/ha, sản lượng trên 2.7 vạn tấn; diện tích khoai lang 1.836 ha, năng suất 77 tạ/ha, sản lượng trên 14 vạn tấn; diện tích đậu các loại 334 ha, năng suất 9,7 tạ/ha, sản lượng 324 tấn; diện tích rau các loại5.592 ha, năng suất 72 tạ/ha, sản lượng trên 40 vạn tấn.

Tiến độ sản xuất tính đến ngày 17/01/2022, tổng diện tích mạ toàn tỉnh là 545 ha, tương ứng với 7.845 ha diện tích lúa cấy, chủ yếu là các giống lúa P6, nếp, HT1 và nhóm giống X. Tất cả các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã tiến hành gieo cấy lúa vụ Xuân 2022, với diện tích ước đạt 28.567 ha, bằng 48% kế hoạch, trong đó diện tích lúa gieo thẳng là 26.885 ha (chiếm 94,1% và diện tích lúa cấy là 1.682 ha (chiếm 5,9%). Các địa phương có diện tích gieo cấy lúa đạt cao là Hương Sơn 3.100 ha, Can Lộc 4.684 ha, Thạch Hà 4.669 ha, Cẩm Xuyên 4.389 ha, huyện Kỳ Anh 3.990 ha. Kết quả gieo trồng các loại cây trồng khác đạt được như sau: Diện tích ngô ước đạt 1.680 ha, bằng 31,7% kế hoạch; khoai lang ước đạt 172 ha, bằng 9,4% kế hoạch; lạc ước đạt 80 ha, bằng 0,8% kế hoạch; rau các loại ước đạt 1.222 ha, bằng 21,9% kế hoạch. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục tập trung gieo cấy lúa và hoa màu vụ Xuân 2022.

+ Thiên tai, dịch bệnh: Trong tháng 01/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh tuy có mưa rét nhưng không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng vụ Đông 2021. Sâu bệnh chỉ xuất hiện một số sâu cuốn lá, rệp...không gây hại đối với các loại cây trồng.

- Chăn nuôi

Tháng 01/2022, các dịch bệnh trong chăn nuôi cơ bản được kiểm soát nên hoạt động chăn nuôi nhìn chung ổn định và tiếp tục có bước phát triển. Tổng đàn trâu, bò tiếp tục tăng lên, riêng đối với đàn bò sửa giảm nhẹ do không bổ sung tăng đàn trong khi phải tiến hành thải loại các con kém hiệu quả. Đối với chănnuôi lợn thì việc tái đàn và phục hồi chăn nuôi đang có những tín hiệu tích cực, tổng đàn lợn tăng khá so với cùng kỳ năm 2021. Đàn lợn chủ yếu phát triển ở các trang trại, gia trại. Đàn gia cầm vẫn phát triển khá, nhất là đàn gà. Hiện nay, người chăn nuôi đang tích cực chăm sóc các sản phẩm chăn nuôi để cung ứng phục vụ dịp Tết sắp tới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh giá các sản phẩm chăn nuôi nhìn chung ổn định và nguồn cung tương đối dồi dào để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong dịp tết Nhâm Dần.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính đến ngày 16/01/2022 trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn có 10 xã trên địa bàn 4 huyện (Hương Sơn 4 xã, Thạch Hà 3 xã, Cẩm Xuyên 2 xã và Vũ Quang 1 xã) đang có dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày và hiện đang còn có 21 hộ ở 17 thôn đang có dịch. Tổng số lợn bị ốm chết, buộc tiêu hủy ở các địa bàn chưa qua 21 ngày là 110 con với trọng lượng 6.139 kg.

1.2 Lâm nghiệp

- Trồng rừng: Do trong tháng 01/2022, người dân đang tập trung sản xuất lúa vụ Xuân 2022 và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán nên hoạt động sản xuất lâm nghiệp nhìn chung không có nhiều biến động. Diện tích trồng rừng tập trung tháng 01/2022 ước tính tăng nhẹ, trong đó chủ yếu là diện tích rừng sản xuất trồng mới. Sản lư­ợng gỗ khai thác tháng 01/2022 ước tăng 649 m3 so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất lâm nghiệp chủ yếu tập trung ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, huyện Kỳ Anh...Hiện nay, người dân đang tập trung ươm, chăm sóc cây giống để trồng vụ Xuân năm 2022.

- Thiệt hại rừng: Công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 15/01/2022, trên địa bàn tỉnh không xẩy ra thiệt hại về rừng.

1.3 Thủy sản

Hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 01/2022 nhìn chung ổn định và có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước tăng 85 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy hải sản khai thác ước tính tăng 67 tấn so với cùng kỳ năm trước, chiếm 77,2% tổng sản lượng; Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính tăng 18 tấn so với cùng kỳ năm trước, chiếm 22,8% tổng sản lượng. Hiện nay, các sản phẩm thủy sản nuôi trồng đang được chăm sóc để xuất bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trong tháng không xẩy ra dịch bệnh đối với các loại thủy sản nuôi trồng trên địa bàn.

2. Sản xuất công nghiệp (IIP)

Chỉ số sản xuất tháng 01 năm 2022 dự ước giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân là tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 ngừng hoạt động do sự cố hệ thống dầu bôi trơn tuabin máy phát không làm việc vì mất nguồn điện chính và dự phòng sản lượng điện sản xuất giảm.

Hiện nay, sau những khó khăn do dịch bệnh Covid 19, ngành công nghiệp dần đi vào ổn định, duy trì mức tăng trưởng khá. Ước tính chỉ số sản xuất tháng 01 năm 2022 tăng 3,31% so với tháng 12 năm 2021 và giảm 6,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 4,24%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,36%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 36,98%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,17% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số sản xuất công nghiệp một số ngành chủ yếu

Đơn vị tính: %

Tháng 12/2021 so với tháng 12/2020

Tháng 1/2022 so với tháng 12/2021

Tháng 1/2022 so với tháng 1/2021

Toàn ngành công nghiệp

92,85

103,31

93,44

Chia theo ngành cấp 1

Khai khoáng

112,02

80,22

104,24

Công nghiệp chế biến, chế tạo

95,12

105,40

100,36

Sản xuất và phân phối điện

80,07

92,62

63,02

Cung cấp nước; xử lý rác thải

95,26

103,73

97,83


Trong bối cảnh chung của các nhóm ngành công nghiệp có tăng trưởng thì vẫn có 11 nhóm ngành có chỉ số sản xuất giảm làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng toàn ngành như: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 42,31%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 36,98%; sản xuất sản phẩm từ caosu và plastic giảm 33,83%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 30,87%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu giảm 22,77%; …Ước tháng 01/2022 trong 19 nhóm ngành công nghiệp cấp II, có 8 nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tăng đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp như: Ngành khai thác quặng kim loại tăng 11,19%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,86%; dệt tăng 7,75%; …

Nhìn chung tháng 1 năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có điều kiện thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp hoạt động ổn định, sản xuất hiệu quả hơn nhưng vẫn chưa có sự tăng trưởng đột phá.

Dự báo tình hình sản xuất công nghiệp tháng 2/2022: Sản xuất công nghiệp không có sự tăng trưởng lớn do trùng vào một số ngày nghỉ Tết Nguyên Đán.

3. Vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2022 ước đạt 449.539 triệu đồng tăng 17,19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tăng nguốn vốn ngân sách cấp tỉnh. Tháng 1/2022 là tháng đầu năm, nguồn vốn chưa được giao theo các công trình cụ thể, các đơn vị đang tập trung hoàn thành các hồ sơ thủ tục về vốn và kỷ thuật để triển khai thực hiện tiếp các công trình chuyển tiếp trong năm 2021, những công trình mới thuộc kế hoạch năm 2022 chủ yếu mới thi công phần mặt bằng nên giá trị vốn đầu tư dự tính thực hiện đạt thấp hơn so với tháng trước.

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2021 đạt 6.699.368 triệu đồng, tăng 44,48% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước tăng mạnh (tăng 41,43%), trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia gấp 4,67 lần so với năm 2020. Nguồn vốn bảo đảm, thời tiết thuận lợi, nguồn lực lao động dồi dào, các chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ được đẩy nhanh tiến độ thi công trong các tháng cuối năm đảm bảo kế hoạch đề ra. Nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh được giao từ đầu năm và được bổ sung hàng tháng năm 2021 là 1.155.803 triệu đồng và thực hiện đạt 97,81% kế hoạch năm; vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu được giao là 3.279.927 triệu đồng và thực hiện đạt 98,91% kế hoạch năm.

Dự báo tổng vốn đầu tư do ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 2/2022: Vốn đầu tư thực hiện ước giảm so với tháng trước do các công trình tạm ngừng thi công để nghỉ Tết.

4. Thương mại, dịch vụ

Tháng 01, là tháng cận Tết, cho nên mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra rất phức tạp cũng không hạn chế được nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân. Tính chung ngoài ngành du lịch, lữ hành không hoạt động và phát sinh doanh thu còn lại các ngành thương mại dịch vụ tiêu dùng đều tăng so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ, doanh thu tất cả các nhóm ngành dịch vụ đều vẫn đang còn giảm mạnh.

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Nhu cầu mua sắm và giá cả các nhóm hàng hóa đều có xu hướng tăng dần, nhất là về thời điểm cuối tháng, nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn còn giảm khá sâu. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 01 đạt 4.204,42 tỷ đồng, tăng 9,56% so với tháng trước và giảm 2,77% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo nhóm ngành hàng, trong tháng 01/2022 hầu hết doanh thu các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước, một số nhóm ngành có biến động tăng cao như: Lương thực, thực phẩm tăng 9,51%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 8,87%; Phương tiện đi lại (trừ ô tô con) tăng 9,41%; Đá quý, kim loại quý tăng 9,22%; Hàng hóa khác tăng đột biến 50,93% so với tháng trước. Nguyên nhân, do hoạt động bán lẻ cây cảnh, hoa tươi phụ vụ Tết tăng đột biến là yếu tố dẫn tới doanh thu nhóm hàng hóa khác tăng mạnh. Giá xăng dầu, khí đốt hóa lỏng tiếp tục điều chỉnh tăng giá sau một thời gian giảm nhẹ.

Doanh thu bán lẻ tháng 01/2022 giảm so với cùng kỳ chủ yếu do sự giảm sâu 3 nhóm hàng, cụ thể: Hàng may mặc giảm 37,47%; đồ dùng, dụng cụ gia đình giảm 27,71% và Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) giảm 25,61%. Do yếu tố thời vụ, dịp gần Tết nhu cầu người dân chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, các mặt hàng xa xỉ như ô tô, và đồ dùng gia đình có phần hạn chế hơn. Cộng với đó thời điểm này năm trước ghi nhận việc tăng đột biến của các nhóm hàng may mặc, đồ dùng gia đình và ô tô, do thời tiết đột ngột chuyển rét đậm khiến nhu cầu và giá cả các loại trang phục giữ nhiệt, thiết bị sưởi ấm đều tăng với biên độ lớn và việc chính sách giảm lệ phí trước bạ của Chính phủ gần hết hạn nên thị trường xe ô tô rất sôi động, doanh số bán lẻ tại các đại lý ủy quyền trên địa bàn tỉnh đều tăng mạnh.

Nhìn chung thị trường tiêu dùng hàng hoá trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra khá sôi động với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Nhiều chương trình khuyến mãi cũng liên tục được các nhà sản xuất, điểm kinh doanh tung ra nhằm thu hút người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý nhà nước tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động đảm bảo nguồn hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu, khan hiếm hàng hóa trên thị trường Hà Tĩnh. Việc phân phối hàng hóa bán lẻ thiết yếu rộng rãi, chương trình đưa hàng hóa đến các vùng sâu, vùng xa được quan tâm. Phối hợp cơ quan Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối cới các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh.

- Dịch vụ l­ưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác: Tháng cuối năm âm lịch, giáp Tết Nguyên Đán, hoạt động dịch vụ cũng nhộn nhịp hơn, đây cũng là thời điểm tổ chức các cuộc gặp mặt cuối năm, tiệc tất niên, do đó nhu cầu lưu trú cũng như ăn uống ngoài gia đình tăng. Một số ngành dịch vụ do ảnh hưởng tính chất thời vụ, ví dụ như nhu cầu nhóm dịch vụ cắt tóc gội đầu, làm đẹp, thời điểm mùa cưới và thời tiết ít mưa thuận lợi cho hoạt động dịch vụ trang trí; nhu cầu về thuê đồ dùng cá nhân, gia đình, nhu cầu thuê xe và dịch vụ thuê máy móc thiết bị hỗ trợ hoạt động xây dựng...cũng tăng lên. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, doanh thu tất cả các nhóm ngành dịch vụ đều vẫn đang còn giảm mạnh.

Doanh thu hoạt động dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 01/2022 ước đạt 277,70 tỷ đồng, tăng 5,68% so với tháng trước, giảm 38,25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ l­ưu trú ước đạt 5,10 tỷ đồng, tăng 2,34% so với tháng trước, giảm 68,53% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống ước đạt 272,60 tỷ đồng, tăng 5,75% so với tháng trước, giảm 36,92% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ lữ hành tháng này vẫn tạm ngừng hoạt động, không phát sinh doanh thu.

Doanh thu dịch vụ khác tháng 01/2022 ước tính đạt 115,05 tỷ đồng, tăng 13,75% so với tháng trước và giảm 26,74% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Hoạt động vận tải

Kinh doanh vận tải đã bắt đầu hoạt động trở lại, trong đó có các tuyến xe liên tỉnh, liên huyện. Tuy nhiên, với tâm lý e ngại thì số lượt khách vận chuyển cũng có tăng nhưng không đáng kể. Nhìn chung, tình hình kinh doanh vận tải tăng hơn so với tháng trước nhưng chưa đạt mức cùng kỳ năm trước.

Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 01 năm 2022 ước đạt 373,77 tỷ đồng, tăng 6,24% so tháng trước và giảm 23,91% so cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hành khách: Doanh thu tháng 1 ước đạt 52,18 tỷ đồng, tăng 10,41% so với tháng trước và giảm 63,86% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng vận chuyển hành khách ước đạt 574,77 nghìn HK, tăng 10,02% so với tháng trước và giảm 70,75% so với cùng kỳ; Luân chuyển ước đạt 99,04 triệu HK, tăng 10,0% so với tháng trước và giảm 70,73% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do, thời điểm đầu tháng trùng với dịp nghỉ lễ Tết dương lịch nên lượng người đi lại về quê thăm thân, vui chơi. Trong tháng, hình thái thời tiết rét đậm rét hại tiếp tục diễn ra nên nhu cầu sử dụng các loại phương tiện công cộng như taxi, xe buýt tăg. Tuy nhiên, so với cùng kỳ thì lại giảm mạnh, nguyên nhân do cùng kỳ năm trước loại hình vận tải hành khách vẫn đang hoạt động bình thường, chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến tháng tới mặc dù trùng với tháng giáp Tết âm lịch nhưng dự kiến số lượng hành khách sẽ không tăng đột biến vì năm nay đối tượng khách là sinh viên vẫn chưa nhập học do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng người trở về quê dịp Tết dự kiến không cao do đã đổ về quê trong đợt nghỉ dịch mấy tháng trước.

- Vận tải hàng hóa: Doanh thu tháng 1 ước đạt 240,64 tỷ đồng, tăng 6,94% so với tháng trước và giảm 8,20% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa vận tải ước đạt 2.733,38 nghìn tấn, tăng 5,47% so với tháng trước và giảm 8,06% so với cùng kỳ; Luân chuyển ước đạt 69,67 triệu tấn.km, tăng 5,79% so với tháng trước và giảm 7,61% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa tăng doanh thu do các đơn vị bán buôn đẩy mạnh việc thu mua, tích trữ hàng hóa chuẩn bị cung ứng ra thị trường dịp Tết âm lịch...Bên cạnh đó, cuối năm, mặc dù rét đậm nhưng ít mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu xây dựng cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công; và nhu cầu sửa chữa các công trình trong người dân để đón Tết.

- Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải: Các hoạt động kinh tế đang từng bước phục hồi sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên lượng hàng hóa thông qua cảng Sơn Dương và Vũng Áng có xu hướng gia tăng. Doanh thu tháng 01 ước đạt 80,96 tỷ đồng, tăng 1,77% so với tháng trước và giảm 4,44 % so với cùng kỳ năm trước.

4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa

Cán cân xuất nhập khẩu tỉnh nhà mặc dù vẫn nhập siêu 82,8 triệu USD, nhưng tiếp tục đà tăng trưởng của những tháng cuối năm, tháng 01 đạttốc độ tăng trưởng cao tuy không đạt mức như kỳ vọng tháng trước nhưng vẫn vượt bậc so với cùng kỳ năm trước.

- Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 1/2022 ước đạt 188,0 triệu USD, giảm 14,47% so với tháng trước và tăng 61,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu từ Formosa chiếm tỷ trọng cao (chiếm 94,41%) trong tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Tính trong các mặt hàng xuất khẩu, xuất khẩu thép, phôi thép mặt hàng chủ lực của toàn tỉnh ước đạt 171,5 triệu USD và là mặt hàng duy nhất có kim ngạch giảm 15,43% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 69,75% so với cùng kỳ. Còn lại tất cả các mặt hàng khác đều tăng so với tháng trước, đặc biệt 2 nhóm hàng: sợi, dệt và hàng may mặc đạt 4,0 triệu USD tăng 2,30% so với tháng trước và tăng 214,96% so với cùng kỳ năm trước; dăm gỗ đạt 4,0 triệu USD tăng 21,95% so với tháng trước và giảm 37,30% so với cùng kỳ năm trước.

- Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 1/2022 ước đạt 270,8 triệu USD, giảm 28,88% so với tháng trước và tăng 19,48% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa. Nguyên nhân do Formosa chủ yếu nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc nhưng giá phôi thép đang ở mức cao do Trung Quốc đang sản xuất chậm lại vì định hướng giảm thiểu khí thải carbon của chính phủ

Dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong tháng tới, do chính sách đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ngoài thép. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất, nhập khẩu vẫn là điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế tỉnh Hà Tĩnh vững bước trong năm 2022.

5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Đây là tháng trùng với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu tiêu dùng đa số các nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng, bên cạnh đó giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng theo tình hình chung của thị trường thế giới đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 năm 2022 tăng so với tháng trước.

Chỉ số CPI tháng 1 năm 2022 tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị tăng 0,46% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 1,46%; khu vực nông thôn tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có: 07 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,86%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,43%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,19%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giao thông tăng 0,95%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,22%; 03 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,36%; 01 nhóm không có biến động về chỉ số so với tháng trước đó là nhóm giáo dục.

Chỉ số giá vàng tăng 0,94% so với tháng trước, giảm 4,81% so với cùng tháng năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 0,62% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 5.292 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la mỹ bình quân 2.351.995 đồng/100 USD.

Dự kiến chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 2/2022 sẽ giảm mạnh so tháng 01/2022 do tháng sau Tết, nhu cầu tiêu dùng cũng như giá cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều giảm. Ngoại trừ nhóm vật liệu xây dựng, giá điện và nước sinh hoạt dự kiến tăng khi thời tiết bắt đầu chuyển nắng nóng.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1 Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách 8.859,2 triệu đồng từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp đảm bảo xã hội năm 2022 cho các đơn vị, địa phương để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền cho 4.619 đối tượng người có công với cách mạng (ngoài đối tượng được Chủ tịch nước tặng quà), thắp hương thờ cúng liệt sỹ (bằng hiện vật, mức 300.000 đồng/suất) cho 23.705 liệt sĩ với số tiền 7.111,5 triệu đồng; tặng quà người có công tiêu biểu tại 13 huyện, thành phố, thị xã, mỗi địa phương 03 suất, mức 2 triệu đồng/suất, với tổng số tiền là 78 triệu đồng….theo Quyết định 4206/QĐ-UBND ngày 28/12/2021. Đồng thời, trích ngân sách 7.499,0 triệu đồng để bố trí kinh phí mừng thọ người cao tuổi và tặng quà tết cho đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó kinh phí mừng thọ người cao tuổi 7.260,6 triệu đồng cho 28.215 người cao tuổi; tặng quà tết cho 7.157 đối tượng BTXH có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức quà bằng tiền mặt 250.000 đồng theo Quyết định số 41/QĐ-UBND tỉnh ngày 7/01/2022. Ngoài ra, Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh hỗ trợ 3.667 suất quà cho hộ nghèo với giá trị 1.833,5 triệu đồng được trích từ quỹ “Vì người nghèo” cho 13 huyện, thành phố, thị xã. Bên cạnh đó trong tháng trên địa bàn toàn tỉnh không xẩy ra thiếu đói. Đời sống của người dân nhìn chung ổn định.

2. Giáo dục

Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao 500 máy tính bảng cho 20 trường học (5 trường trung học phổ thông và 15 trường tiểu học) đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh. Số máy tính từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ cho các trường học ở Hà Tĩnh. Đây là chương trình mang ý nghĩa xã hội và nhân văn rất sâu sắc, do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12/9/2021. Chương trình nhằm hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến. Đồng thời, phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng, nâng cao chất lượng sóng, góp phần thực hiện mục tiêu ứng dụng khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

3. Hoạt động y tế

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội xuân 2022 với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch COVID-19 trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hà Tĩnh, các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đồng thời huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện, các cơ quan thông tấn truyền hình, báo chí phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan, các quy định về ATTP, kiến thức về bảo đảm ATTP; tuyên truyền Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch COVID-19 cho các cấp quản lý, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

- Tình hình dịch bệnh Covid: Tổng số ca mắc từ ngày 1/01/2022 đến ngày 19/01/2022 là 665 ca. Lũy kế từ 04/6/2021 đến nay là 2.279 ca mắc, trong đó Thành phố Hà Tĩnh 177 ca, TX Hồng Lĩnh 63 ca, Hương Sơn 128 ca, Đức Thọ 223 ca, Vũ Quang 46 ca, Nghi Xuân 150 ca, Can Lộc 212 ca, Hương Khê 125 ca, Thạch Hà 256 ca, Cẩm Xuyên 211 ca, huyện Kỳ Anh 241 ca, Lộc Hà 166 ca, TX Kỳ Anh 120 ca, nhập cảnh, ngoại tỉnh 105 ca. Toàn tỉnh đã có 13/13 địa phương thực hiện việc cách ly, điều trị các ca bệnh tại nhà với 520 người, trong đó đã có 202 ca khỏi bệnh.

- Tình hình dịch bệnh khác: Tính từ ngày 16/12/2021 đến ngày 15/01/2022, trên địa bàn có một số ca bệnh đơn lẻ, cụ thể: 1 ca mắc bệnh quai bị, 5 ca mắc lỵ trực trùng; 13 ca mắc lỵ a míp; 19 ca mắc bệnh thủy đậu, 1.019 ca mắc bệnh cúm và không có người chết vì các ca bệnh trên.

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Nhờ vậy, tính từ 16/12/2021-15/01/2022 Hà Tĩnh, chỉ có 1 người nhiễm mới HIV, 1 người chuyển thành AIDS và không có người chết vì AIDS, so với cùng kỳ năm trước số người nhiễm mới HIV, số người chuyển thành AIDS, số người chết vì AIDS không đổi.

- Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm:Tính từ ngày 16/12/2021 đến 15/01/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra vụ ngộ độc tập thể, chỉ có 59 ca ngộ độc đơn lẻ (giảm 39,18 % so với cùng kỳ năm 2021) và không có trường hợp nào tử vong vì ngộ độc thực phẩm.

4. Hoạt động văn hoá, thể thao

- Hoạt động văn hóa: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên Hà Tĩnh tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa theo Chỉ thị 35/CT-TTG ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời triển khai các cụm pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền với nội dung mừng Đảng, mừng Xuân trên địa bàn toàn tỉnh hoặc các chương trình nghệ thuật được ghi hình để phát sóng mừng xuân Nhâm Dần 2022. Ngoài ra, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa ở Hà Tĩnh luôn được quan tâm hỗ trợ đặc biệt các câu lạc bộ dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều, các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và công tác bảo tồn Truyện Kiều, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Mộc bản Trường học Phúc Giang.

- Công tác kiểm tra, thanh tra văn hóa: Trong tháng, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã cấp 30 giấy phép, trong đó có 01 giấy phép thuộc lĩnh vực du lịch, 01 giấy phép thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở. Tổ chức kiểm tra 65 cơ sở kinh doanh có thực hiện việc viết, đặt biển hiệu quảng cáo. Qua kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra nhắc nhở 60 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp với số tiền 23 triệu đồng.

- Hoạt động thể thao:Hà Tĩnh đã tham gia 2 giải thành tích cao, đạt 6 huy chương các loại ((4 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc (HCB), 1 huy chương đồng (HCĐ)), trong đó: 01 giải Karate Vô địch Châu Á diễn ra từ 18-22/12/2021 đạt 4 HCV, 1 HCĐ; 01 giải Bóng đá thiếu niên U13 diễn ra từ 22-31/12/2021 giành huy chương bạc.

Bên cạnh thể thao thành tích cao hoạt động thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động. Phong trào tập luyện thể dục thể thao gắn với cuộc vận động “ Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” diễn ra sôi nổi phù hợp và thích ứng với diễn biến của dịch Covid-19, thu hút nhiều người tham gia.

5. Tình hình an toàn giao thông

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong hoạt động giao thông vận tải trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân 2022, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm quy định pháp luật về TTATGT từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/02/2022.

Tính từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/01/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ tai nạn đường bộ, làm 10 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại 120 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 3 vụ (tăng 50%), tăng 6 người chết (tăng 150%), số người bị thương không đổi.

6. Môi trường

- Tình hình cháy nổ: Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/01/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy 1 vụ cháy xe container, với tổng thiệt hại 30 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước giảm 2 vụ cháy (giảm 66,67%), giảm 1 người chết, số người bị thương không đổi. Trong tháng không xảy ra vụ nổ.

- Về vi phạm môi trường: Tính từ ngày 15/12 đến ngày 14/01/2022 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 51 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 20 vụ, tổng số tiền xử phạt 227 triệu đồng; so với tháng trước tăng 30 vụ vi phạm (tăng 142,86%), giảm 1 vụ đã xử lý (giảm 4,76%), giảm số tiền nộp phạt 1.243,5 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2021 tăng 37 vụ vi phạm (tăng 264,29%), tăng 18 vụ đã xử lý, số tiền xử phạt tăng 132 triệu đồng (tăng 138,95%). Số vụ phát hiện tăng cao, do đây là tháng cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 nhu cầu sản xuất kinh doanh tăng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày tết, vì vậy khối lượng chất thải trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng tăng lên, trong khi các chủ cơ sở chưa quan tâm đến vấn để xử lý chất thải.

Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.


Cục Thống kê Hà Tĩnh

  • Tổng số lượt xem: 567
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)