(MPI) – Ngày 10/02/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị họp giao ban triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ trọng tâm cần hoàn thành trong thời gian tới.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI |
Chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế
Theo đó, năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm 2021-2025 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các kế hoạch 5 năm về đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế … nhưng đất nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ dịch bệnh Covid-19, hệ quả và những ảnh hưởng từ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch, tác động sâu rộng, toàn diện tới tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế. Nhiều nhiệm vụ khó, lớn, chưa từng có tiền lệ đã được Bộ chủ động thực hiện, hoàn thành, đảm bảo tiến độ và chất lượng với một số điểm nổi bật như xây dựng, cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành các văn bản quan trọng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ban hành 05 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với một số tỉnh, thành phố.
Chủ động đóng góp vào xây dựng, ký kết và tổ chức thực hiện các sự kiện, sáng kiến hợp tác quốc tế như Hội nghị Bộ trưởng APEC về cải cách cơ cấu, Chương trình Nghị sự mở rộng của APEC về cải cách cơ cấu giai đoạn 2021-2025, COP26 ...
Tham mưu nhiều giải pháp, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tham mưu triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới và các yêu cầu phát triển bền vững hậu COVID-19, tăng trưởng xanh …
Năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức làm việc của Bộ, 100% các đơn vị thuộc Bộ đã xử lý, điều hành công việc trên Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc; 100% văn bản đi gửi các bộ, ngành được gửi trên Trục liên thông văn bản quốc gia; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, cập nhật các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ luôn bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ.
Phát huy tốt tinh thần đoàn kết, trí tuệ tập thể, trên dưới một lòng, đề cao tính tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, đổi mới, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ; làm rõ trách nhiệm cá nhân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nhiều đơn vị có chuyển biến tích cực trong đổi mới tư duy, phương hướng công tác, phương pháp chỉ đạo điều hành.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt, có chất lượng các nhiệm vụ được giao của năm 2021; thực hiện tốt công tác xây dựng Chương trình công tác của Bộ, hoàn thành nhiều đề án, báo cáo lớn theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao
Sang năm 2022, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHĐT ngày 10/01/2022 nhằm quán triệt tổ chức khẩn trương triển khai thực hiện với phương châm hành động là “Phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được của giai đoạn vừa qua, nỗ lực đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tập trung triển khai tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như theo dõi, giám sát , đôn đốc, tổng hợp và tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp phù hợp nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; ...
Chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới, nhận diện rõ thời cơ, thách thức, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản để kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đối sách, giải pháp phù hợp nhằm tạo sự ổn định cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tháo gỡ, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Triển khai thực hiện đúng tiến độ với chất lượng tốt các đề án, báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu, điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân nhiệm bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư