(MPI) - Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương mình; Phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân, thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; Tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công. Không để tình trạng đầu tư công chậm trễ, kéo dài, kém hiệu quả trong khi nguồn lực hạn chế, dư luận bức xúc, quan tâm.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Trên đây là nội dung được quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Nghị quyết đưa ra mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đối tượng hỗ trợ bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ: chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tại Nghị quyết, Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan quy định tại Nghị quyết này; trường hợp cần thiết, chủ động, kịp thời hướng dẫn cụ thể việc thực hiện. Theo dõi, đánh giá, giám sát kết quả thực hiện Chương trình theo ngành, lĩnh vực quản lý; định kỳ trước ngày cuối tháng 8 năm 2022, tháng 8 năm 2023 và tháng 4 năm 2024 có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội về kết quả thực hiện Chương trình.
Đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết. Khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp tại Nghị quyết này; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin-cho”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách, giải pháp (nếu cần thiết), trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022 và 2023, báo cáo tổng kết tại kỳ họp giữa năm 2024. Theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các nhiệm vụ giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong quá trình thực hiện Chương trình, trường hợp cần thiết, đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của từng cấp, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ chi của Chương trình hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; trường hợp cấp bách, trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội thì báo cáo cấp có thẩm quyền xin chủ trương để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trên cơ sở danh mục dự án tại Báo cáo số 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02/01/2022, đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, kết quả rà soát và đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, chịu trách nhiệm tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình; trước ngày 20 tháng 02 năm 2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xem xét, quyết định và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tổng mức vốn, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đã đủ thủ tục đầu tư, điều kiện giao kế hoạch vốn, xây dựng phương án phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 cho các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2022.
Căn cứ ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao tổng số vốn của Chương trình, chi tiết danh mục và mức vốn dự kiến cho từng nhiệm vụ, dự án của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giao bổ sung dự toán và mức vốn đầu tư công năm 2022 cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.
Căn cứ khả năng và tình hình thực tế triển khai của các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, đề xuất của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022-2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan thực hiện cơ chế đặc thù quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình: Ban hành hướng dẫn các bộ, cơ quan xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trong Quý I năm 2022; Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, trong Quý I năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủquản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản thống nhất quản lý) trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ Giao thông vận tải. Cơ quan chủ quản quy định tại khoản này được thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc đến khi hoàn thành dự án.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 đối với các dự án giao thông do địa phương quản lý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực theo quy định tại tiết c điểm 3 mục II Nghị quyết này.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương triển khai hiệu quả, nhất quán Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023); sử dụng các biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động đến sản xuất kinh doanh; thực hiện các phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến khác nhau của dịch nhằm duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh có dịch.
Đẩy mạnh rà soát kỹ lưỡng, đề xuất tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã ban hành; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với hồi phục nhanh và phát triển bền vững.
Các địa phương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vào thời điểm phù hợp; bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách của Chương trình thuộc trách nhiệm ngân sách địa phương mình quản lý.
Chủ động xây dựng các giải pháp, chính sách cụ thể của ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững. Tăng cường khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạch định chính sách; xây dựng Chính phủ điện tử; cải cách thủ tục hành chính.
Đào tạo nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng kế hoạch phòng chống, kiểm soát, thích ứng với dịch bệnh, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện; chuẩn bị phương án trong tình huống khẩn cấp và xấu nhất, không để bị động, bất ngờ, ảnh hưởng năng lực đối phó. Phát huy sức mạnh của người dân, hệ thống chính trị cơ sở trong tổ chức thực hiện phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Căn cứ nhiệm vụ, dự án dự kiến đầu tư từ Chương trình tại Báo cáo số 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02/01/2022 của Chính phủ, chủ động rà soát, xây dựng danh mục và mức vốn dự kiến bố trí thuộc Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án trong 02 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để tổng hợp theo yêu cầu; đối với các dự án chuyển đổi số, công nghệ thông tin, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/02/2022.
Về giải ngân vốn đầu tư công: Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án thuộc Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan; Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra; Kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng.
Nghị quyết nêu rõ, định kỳ hằng Quý, các bộ ngành, địa phương báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ đầu tư tính đến thời điểm báo cáo và tổng hợp nhu cầu giải ngân vốn trong Quý tiếp theo, gửi Bộ Tài chính để lập kế hoạch huy động vốn sát với thực tế, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai hiệu quả, kịp thời các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh các dự án đầu tư công thuộc Chương trình, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách; bảo đảm công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư