(MPI) – Ngày 19/02/2022, Tổ công tác về đầu tư đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh họp dưới sự chủ trì của Tổ trưởng Tổ công tác, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. Tham dự cuộc họp có các thành viên Tổ công tác. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương điều hành cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội.
|
Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Tại Thông báo số 21/TB-VPCP ngày 24/01/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Tổ công tác về đầu tư đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ công tác do Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh là Tổ trưởng Tổ công tác và Lãnh đạo của các Bộ, ngành gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trường Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ; Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn; Thứ trưởng Tư pháp Phan Chí Hiếu; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục. Lãnh đạo các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các cơ quan liên quan.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chuẩn bị đầu tư Dự án Vành đai 3 (cơ quan tổ chức lập, trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động …, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuyến đường sẽ tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô và cải thiện tình trạng giao thông của thành phố, kết nối thành phố với các tỉnh lân cận (Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh). Dự án đem lại lợi ích cho hàng loạt các hoạt động kinh tế - xã hội ở các khu vực ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Ước tính tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) khoảng 15%.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết về tiến độ thực hiện dự án trong thời gian tới. Trong đó, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định dự kiến hoàn thành ngày 15/3/2022; xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ chính trị về chủ trương đầu tư trong tháng 3/2022; trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp tháng 5/2022.
Về các kiến nghị, UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ đồng ý, trình Quốc hội cho phép các địa phương rà soát lại kế hoạch kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của các địa phương để ưu tiên nguồn vốn để bố trí cho dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Chấp thuận việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm trong giai đoạn 2021-2025 và phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, thành phố từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện đầu tư dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Kiến nghị Quốc hội cho phép sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, giao Thành phố Hồ Chí Mình chủ trì và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An tổ chức thực hiện đấu giá quyền thu phí, quản lý để thu hồi phần vốn ngân sách địa phương đã đầu tư.
Về giải pháp đẩy nhanh các thủ tục thực hiện dự án, cho phép thực hiện các giải pháp triển khai đồng thời các thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện công tác: thẩm định và hoàn thiện hồ sơ về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; các công việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai Dự án.
|
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh, các bộ, ngành đã họp và xác định nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của các bộ, ngành địa phương và sẽ phối hợp, trao đổi để giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn. Đồng thời đề nghị báo cáo cần giải trình, làm rõ thêm 05 nhóm vấn đề về: độ rộng mặt cắt ngang của một làn đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đang có sự khác nhau với dự án Vành đai 4 Hà Nội, điều này sẽ làm tăng tổng mức đầu tư; số lượng các nút giao khi hiện nay là 06 nút giao với đường cao tốc, 06 nút lên xuống, tác động đến tổng mức đầu tư khi mở rộng lề đường để lên, xuống; tổng mức đầu tư toàn tuyến đầu cao hơn Vành đai 4 Hà Nội nên cần giải trình làm rõ dựa vào suất đầu tư, tổng khối lượng; vấn đề giải phóng mặt bằng; cơ chế đặc thù; cơ chế vốn…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tại Anh Tuấn cho rằng, chúng ta phải thể hiện rõ quyết tâm muốn thực hiện dự án, trong triển khai thực hiện phải rà soát lại, những gì đặc thù quá làm ảnh hưởng đến việc thông qua dự án cần phải xem xét lại. Phải rà soát lại tổng mức đầu tư sao cho đảm bảo đồng nhất cả tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Hà Nội khi trình Bộ Chính trị. Về việc thu hồi vốn đầu tư, nguyên tắc thực hiện theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ và phải theo tỉ lệ giữa trung ương và địa phương tham gia.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, đây là dự án đang trình 100% vốn đầu tư công nhưng muốn thuyết phục làm sao sử dụng 100% vốn đầu tư công phải làm rõ tính phù hợp với quy hoạch, tính cấp bách, tính hiệu quả là kết nối của cả khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và làm sao phải có cơ chế đặc thù.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, dự kiến tiến độ thực hiện trình các cấp có thẩm quyền hiện rất gấp, do vậy để đảm bảo tiến độ phải có cách làm khoa học, tiến hành đồng thời các công việc, các tổ chức, cá nhân tiếp cận hồ sơ ngay từ đầu, hội thảo tổ chức mời các thành phầm tham gia để nắm bắt ngày từ đầu. Về cơ chế đặc thù, thống nhất phải có cơ chế đặc thù, nhưng phải rà soát kỹ, chỉ đề xuất những cơ chế đặc thù lớn.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện dự án đầu tư đường Vành đai 4 Hà Nội và đầu tư đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, dự án đầu tư đường Vành đai 4 Hà Nội đã cơ bản đảm bảo hồ sơ. Hai Dự án có điểm thuận lợi là cùng chung một Tổ tư vấn, kết cấu nội dung hồ sơ của dự án đầu tư đường Vành đai 4 Hà Nội có thể chuyển sang dự án đầu tư đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, do vậy Thành phố Hồ Chí Minh có thể tham khảo hồ sơ của dự án đường Vành đai 4 Hà Nội. Dự án tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có thuận lợi là các địa phương đã thể hiện cam kết chỉ còn băn khoăn về vốn, tính khả thi về vốn.
Về các thủ tục để họp Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký quyết định thành lập Tổ chuyên gia thẩm định, tuy nhiên điều kiện để tổ chức phải tối thiểu có ý kiến của 50% thành viên Hội đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có văn bản đôn đốc các bộ, ngành để sớm đủ điệu kiện diễn ra phiên họp Hội đồng thẩm định. Về một số nội dung cụ thể, để đảm bảo hồ sơ cho công tác thẩm định, báo cáo cần cập nhật thêm các chỉ đạo của Chính phủ, thuyết minh, xác định lại phương án về vốn, liên quan đến các nút giao phải có lý luận chặt chẽ, rà soát lại tổng mức đầu tư…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ghi nhận những ý kiến góp ý của các thành viên Tổ công tác và cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trao đổi với các địa phương, phối hợp chặt chẽ với các thành viên Tổ công tác, tiếp thu, giải trình làm rõ các vấn đề liên quan để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư