Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/10/2014-17:15:00 PM
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014: Tăng trưởng xanh và Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam
(MPI Portal) - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đã diễn ra sáng ngày 24/10/2014, tại Hà Nội với chủ đề “Tăng trưởng xanh và Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tham dự và chỉ trì Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tham dự Diễn đàn có các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), các địa phương cùng đại diện một số Bộ, ngành liên quan và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, quyết tâm theo đuổi tăng trưởng xanh là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế. Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Theo đó, Kế hoạch đưa ra 12 nhóm hoạt động với 66 hoạt động cụ thể theo 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế quốc gia và Kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; và Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Mục đích của Diễn đàn nhằm trao đổi và thảo luận về chính sách, các vấn đề về tầm nhìn quốc gia, tái cấu trúc nền kinh tế, về nhu cầu, những vấn đề và thực tiễn cấp thiết đối với việc phát triển kinh tế của Việt Nam gắn với yếu tố tăng trưởng xanh và bền vững; bên cạnh đó, đề xuất các nội dung nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam lên thành một trong những quốc gia hàng đầu dựa trên nền tảng của nâng cao các giá trị gia tăng thông qua nghiên cứu, đổi mới và phát triển các sản phẩm có chất lượng cao.

Việc thực hiện tăng trưởng xanh không chỉ là thuận lợi, mà phải đối mặt với một số khó khăn không dễ vượt qua. Đó là yêu cầu lớn về vốn cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong khi năng lực và trách nhiệm các bên liên quan còn hạn chế, khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Theo quan điểm của PGS.TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng xanh không còn là vấn đề phân vân mà là một sự lựa chọn, buộc phải lựa chọn nếu chúng ta quan tâm đến con người, đến sự phát triển của Việt Nam. Về tái cơ cấu, theo PGS.TS.Trần Đình Thiên, vấn đề này bao hàm phân bổ nguồn lực từ trước đến nay không hợp lý, nó sai khi phân bổ theo ngành, theo vùng. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng khai thác vào tài nguyên thiên nhiên, khai thác sức lao động giá rẻ, chạy theo làm thuê, lắp ráp… mà chưa hướng vào phát triển những ngành có đẳng cấp công nghệ cao hơn cho đất nước.

Về nguyên nhân của những hạn chế của nền kinh tế, theo PGS.TS.Trần Đình Thiên, thứ nhất do mô hình tăng trưởng không còn phù hợp thời đại. Thứ hai, hệ thống thị trường chưa được tập trung ưu tiên khuyến khích phát triển. Có 2 yếu tố quan trọng của thị trường là cạnh tranh và giá cả, thì cả 2 đều chưa đạt. Cạnh tranh yếu, giá cả không mang tính thị trường, do đó hệ thống phân bổ nguồn lực cũng không tốt. Và thứ ba là, về quản trị nhà nước, dù đã có nỗ lực nhiều, nhưng vẫn cần thay đổi cách thức.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, theo PGS.TS.Trần Đình Thiên, Việt Nam cần thay đổi tư duy cấu trúc quản lý hiện đại, tạo cơ chế thị trường cạnh tranh về giá cả và thay đổi trong quản trị nhà nước. Đến nay, quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra chậm. Vì vậy, đã đến lúc tập trung hành động để xoay chuyển tình thế. PGS.TS.Trần Đình Thiên đưa ra những đề xuất như cần có cơ cấu ngành, đầu tiên phải là công nghiệp với điểm nhấn logic chuỗi gắn với toàn cầu. Doanh nghiệp Việt phải nỗ lực chủ động khẳng định mình, hướng tới tham gia trở thành đối tác các tập đoàn lớn trên thế giới, cần tập trung đột phá phát triển kinh tế theo vùng. Ông cũng đề xuất, cần chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với tăng trưởng xanh, hướng nền sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm gắn với công nghệ cao, giá trị gia tăng cao.

TS.Nguyễn Thị Tuệ Anh trình bày tham luận tại Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Diễn đàn được nghe TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung, Bộ Kế hoạch Đầu tư trình bày các vấn đề về cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh bền vững – Cơ hội và thách thức. TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, Việt Nam đã sẵn sàng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Tuy có nhiều cơ hội, nhưng để hiện thực hóa, đưa các chủ trương đó vào cuộc sống gặp phải không ít thách thức. Báo cáo đã đóng góp vào việc nhận biết các cơ hội và thách thức trong triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam nhìn dưới góc độ cơ cấu ngành kinh tế.

Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam tập trung vào 3 mục tiêu chính: Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh.

Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng xanh, tuy nhiên việc triển khai các chiến lược, kế hoạch trên thực tế vẫn còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh tuy có cơ hội nhưng còn nhiều thách thức. Đây là một quá trình lâu dài, các cấp, các ngành, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ về bản chất của tăng trưởng xanh, qua đó thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng tài nguyên theo hướng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thải chất ô nhiễm và phát thải khí nhà kính.

Để đảm bảo tăng trưởng xanh cần đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, chú trọng chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên những ngành ít phát thải, và đặc biệt là chú trọng vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức, tăng cường phối hợp giữa các bộ/ngành liên quan nhằm có những chính sách tạo động lực, dung hòa 5 nhóm mục tiêu đã được đặt ra để đạt được mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng xanh.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường ông Phạm Hoàng Mai tại Diễn đàn.
Ảnh: Đức Trung
(MPI Portal)

Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày chuyên đề tăng trưởng xanh của Việt Nam: Từ Chiến lược đến Hành động. Theo đó, quan điểm Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam là Chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế. Từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Ông Phạm Hoàng Mai cho rằng, việc xây dựng Kế hoạch Hành động về Tăng trưởng xanh là vô cùng cần thiết và xây dựng Kế hoạch Hành động về Tăng trưởng xanh cấp tỉnh là bắt buộc. Trên thực tế Kế hoạch đã được các địa phương triển khai như Chương trình Mục tiêu quốc gia sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, trồng rừng, nông nghiệp công nghệ cao, biến đổi khí hậu…Kế hoạch về Tăng trưởng xanh được lồng ghép trong kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 và tăng cường thu hút ODA, đầu tư của doanh nghiệp…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, địa phương nhằm xác định nhu cầu tổng thể thông qua việc nghiên cứu MACC và tham khảo hướng dẫn của OECD, LEDS, GGGI, UNEP; Rà soát nguồn lực: CPEIR, tiềm năng tiếp cận: tài chính khí hậu, quỹ khí hậu xanh; Chuẩn bị các điều kiện cho đầu tư xanh như: Thành lập nhóm công tác tài chính khí hậu (CFTF), cơ sở thông tin tài chính khí hậu (CFO); Dự thảo khung hướng dẫn về Kế hoạch Hành động Tăng trưởng xanh cấp tỉnh.

Trong giai đoạn 2014-2015 sẽ tập trung việc ưu tiên cho việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo định hướng tăng trưởng xanh; Lồng ghép tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 2016-2020; Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh, lên danh mục chương trình, dự án và hoạt động thí điểm; Hoàn thiện và ban hành hướng dẫn đầu tư xanh, vận hành quỹ hỗ trợ đầu tư xanh.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoàng Mai, quá trình thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể, để thực hiện Chiến lược này cần khoảng 30 tỷ USD đến năm 2020. Năng lực, kinh nghiệm hạn chế trong cách thức đánh giá những lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng tăng trưởng xanh cho các ngành, tiểu ngành, các tỉnh, thành phố,….Thiếu các chính sách huy động các nguồn lực tài chính, cụ thể như các quỹ khí hậu quốc tế. Bên cạnh đó, là những khó khăn trong việc huy động các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Hoàng Mai đưa ra các giải pháp thực hiện Chiến lược này bằng cách hình thành các Kế hoạch Hành động, các dự án ưu tiên cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Xây dựng cơ chế thị trường hình thành nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức hiện có, tăng cường năng lực dịch vụ tài chính để huy động các nguồn lực tài chính, xây dựng năng lực và thu hút sự tham gia của Khu vực tư nhân…

Ông Koos Neefjes, Chuyên gia tư vấn chính sách về biến đổi khí hậu, UNDP. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Diễn đàn, ông Koos Neefjes, Chuyên gia tư vấn chính sách về biến đổi khí hậu - Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đã trình bày những vấn đề về Chính sách Tăng trưởng xanh và cơ hội kinh doanh. Các nội dung chủ yếu được ông Koos Neefjes đưa ra gồm chính sách tăng trưởng xanh toàn cầu; Chính sách tăng trưởng xanh ở Việt Nam; Giảm thiểu biến đổi khí hậu và năng lượng; Chính sách tài khóa năng lượng ở Việt Nam;… Ông Koos Neefjes cho rằng, Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong các chương trình, chính sách tăng trưởng xanh toàn cầu. Ông Koos Neefjes nhấn mạnh, Việt Nam sẽ thành công trong quá trình thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh, đồng thời, đánh giá cao những mục tiêu và hành động cụ thể về tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra phiên thảo luận giữa các Chủ tọa với các đại biểu tham dự Diễn đàn về các vấn đề liên quan đến kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh tại các địa phương, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tăng trưởng xanh tại Việt Nam, giải pháp để phát triển tăng trưởng xanh cũng như vai trò của Chính phủ và các cơ quan nhà nước trong tăng trưởng xanh tại Việt Nam…

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là yêu cầu khách quan để phát triển bền vững và nếu tăng trưởng kinh tế không gắn với tăng trưởng xanh thì cái giá phải trả trong tương lai là rất lớn. Trong bối cảnh đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế thì càng phải tính đến tăng trưởng xanh, bởi nếu không tính đến tăng trưởng xanh thì tái cơ cấu chỉ là tạm thời rồi 5-10 năm nữa chúng ta lại phải xem xét lại. Tăng trưởng xanh và tái cơ cấu kinh tế phải đặt trong bối cảnh cạnh tranh để phát triển bền vững, trong tái cơ cấu nền kinh tế không thể bỏ qua tăng trưởng xanh. Việt Nam là một trong những nước được đánh giá cao để đưa ra những chiến lược toàn diện về tăng trưởng xanh, nhưng điều quan trọng cần có lộ trình để đưa ra những thứ tự ưu tiên về tăng trưởng xanh vào cuộc sống./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2108
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)