(MPI) – Ngày 11/3/2022, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng đã diễn ra phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng, kết nối hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực cho cả vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải; phát huy tối đa tiềm năng của Cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung; tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021 theo phương thức đối tác công tư. Để sớm hoàn thành đưa vào khai thác phát huy hiệu quả đáp ứng nhu cầu vận tải cấp bách của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Chính phủ đã đưa Dự án vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tại Thông báo số 63/TB-VPCP ngày 02/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất thực hiện đầu tư công cho Dự án trong Chương trình.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được trình bày tại phiên họp nội dung cơ bản không thay đổi so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg, cập nhật các nội dung liên quan đến việc chuyển phương thức từ đầu tư PPP sang đầu tư công. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung như điều chỉnh tổng mức đầu tư, nguồn vốn đầu tư, thời gian thực hiện dự án, cơ chế chính sách…
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: MPI |
Trình bày báo cáo kết quả thẩm định của Tổ chuyên gia liên ngành, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tăng Ngọc Tráng cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 15/02/2022, Chủ tịch Hội đồng đã phê duyệt kế hoạch và thành lập Tổ chuyên gia liên ngành. Hồ sơ dự án đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về đầu tư công; đáp ứng các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; phù hợp với chiến lược và các quy hoạch liên quan.
Báo cáo cũng nêu rõ một số nội dung liên quan đến khu vực, địa điểm, nhu cầu sử dụng đất; khối lượng các vật liệu chủ yếu; phân tích lựa chọn sơ bộ công nghệ, kỹ thuật; đánh giá tác động môi trường; sơ bộ tổng mức đầu tư đã được xác định lại theo đầu tư công; cơ cấu nguồn vốn; tiến độ thực hiện dự án, cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng dự án để đảm bảo tính khả thi và khả năng cân đối nguồn lực; việc phân chia dự án thành phần đáp ứng quy định của pháp luật, đảm bảo khả năng vận hành độc lập, phù hợp quy định.
Phiên họp đã nhận được ý kiến trách nhiệm của các thành viên Hội đồng; làm rõ một số vấn đề khi chuyển hình thức đầu tư dự án, đảm bảo quy trình thủ tục và chất lượng. Đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai cũng làm rõ các vấn đề về giải phóng mặt bằng, khả năng tham gia, nguồn vốn, tiến độ dự án; mong muốn tuyến đường sớm được triển khai thực hiện nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao tại địa phương và cả vùng; góp phần thực hiện mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5000km đường cao tốc.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tái khẳng định, đây là tuyến đường quan trọng không chỉ với địa phương mà đối với cả vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, với lưu lượng rất lớn; dự án có tính chất chiến lược của quốc gia, lan tỏa cho cả vùng; việc kết nối hạ tầng ra biển rất quan trọng. Việc khẩn trương đầu tư tuyến đường, các yếu tố về kỹ thuật, hướng tuyến, phân chia 03 dự án thành phần được các đại biểu thống nhất cao. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần lưu ý đến lưu lượng trong trung và dài hạn để đầu tư một cách có tầm nhìn; các điểm giao cắt phải có kế hoạch đầu tư đồng bộ, tránh ách tắc.
Với thời gian gấp rút, đề nghị các đơn vị liên quan, trên cơ sở ý kiến các thành viên Hội đồng và kết luận của Chủ tịch Hội đồng, cần giải trình, làm rõ thêm vấn đề chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công, về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, cơ chế đặc thù… từ đó hoàn thiện hồ sơ dự án đảm bảo chất lượng, quy trình thủ tục, tính khả thi để báo cáo cấp có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư