(MPI) - Chiều ngày 17/3/2022 đã diễn ra cuộc họp Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy các dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự cuộc họp.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: chinhphu.vn |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tương Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành làm việc với một số địa phương; rà soát, tổng hợp và kiến nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư kinh doanh, dự án đầu tư công và dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Theo đó, đối với dự án đầu tư kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về 214 vấn đề, trong đó có 13 vấn đề liên quan đến quy định của Luật, 30 vấn đề liên quan đến văn bản dưới luật và 171 vấn đề do cách hiểu chưa thống nhất.
Đối với các vướng mắc liên quan đến quy định của Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật Đất đai về thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất, phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; quy định của Luật Nhà ở về hình thức sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại...
Đối với vướng mắc liên quan đến văn bản dưới luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP; quy định về giao khu vực biển tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP; quy đinh về lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư phát triển cụm công nghiệp tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; quy định chuyển tiếp về giao đất, cho thuê đất tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 chỉ đạo các Bộ ban hành văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án phải tổ chức đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành.
Đối với dự án đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp được 88 vấn đề, trong đó 45 vấn đề liên quan đến quy định của Luật (bao gồm thẩm quyền và trình tự phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư sử dụng vốn trong nước; thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện các dự án vốn ngân sách địa phương…), 11 vấn đề liên quan đến các văn bản dưới Luật (bao gồm thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán đầu tư dự án, đơn giản định mức các chi phí tư vấn, điều chỉnh kế hoạch hằng năm...); 32 vấn đề liên quan đến cách hiểu chưa thống nhất, cần được hướng dẫn (như đánh giá sơ bộ tác động của môi trường, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn hằng năm...).
Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành thường xuyên theo dõi, đánh giá định kỳ hằng tháng, quý và tổ chức 02 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công; tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, trên cơ sở đó kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời.
Đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ đã có công văn báo cáo về 22 vấn đề, trong đó có 01 vấn đề liên quan đến quy định của Luật, 06 vấn đề liên quan đến Nghị định và 15 vấn đề do có cách hiểu chưa thống nhất, trong đó đối với vướng mắc liên quan đến kiến nghị sửa đổi quy định của văn bản dưới Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban bành Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, góp phần tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Bộ đã có công văn báo cáo về 37 vấn đề, trong đó, có 05 vấn đề liên quan đến quy định của Luật, 04 vấn đề liên quan đến quy định của Nghị định, Thông tư và 28 vấn đề do có cách hiểu chưa thống nhất.
Báo cáo cũng đưa ra các kết quả về việc xử lý khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án cụ thể; hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư của một số dự án lớn, triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn lớn; triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua các cuộc thăm và làm việc của Lãnh đạo cấp cao tại các nước nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tác động lan tỏa vào Việt Nam; tổ chức các buổi làm việc với cộng đồng và hiệp hội doanh nghiệp các nước nhằm giải quvểt và hỗ trợ các vướng mắc khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Về kế hoạch năm 2022, Tổ công tác tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về hướng dẫn thực hiện những nội dung còn có cách hiểu chưa thống nhất; Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; Rà soát, tổng hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư; Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương đối với những nội dung, dự án đã được Tổ công tác hướng dẫn, tháo gỡ; Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư; hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư; Tổ chức các cuộc tiếp xúc song phương, đa phương với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn lớn theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm hỗ trợ, xúc tiến đầu tư các dự án lớn vào Việt Nam; Tổ chức phổ biến, hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất quy định pháp luật liên quan đến dự án đầu tư…
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các bộ, cơ quan đều đánh giá cao vai trò của Tổ công tác, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan thường trực của Tổ công tác, trong việc rà soát, phân nhóm những khó khăn, vướng mắc, làm căn cứ để các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý của mình, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định vượt thẩm quyền.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, năm 2022, ngoài việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công trong chương trình trung hạn, còn phải giải ngân vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia trong điều kiện giá cả biến động và dịch bệnh.
Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp khó khăn vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công, nhanh chóng phân loại và đề xuất hướng xử lý cụ thể theo đúng thẩm quyền. Đồng thời giao các bộ, ngành gặp gỡ trực tiếp để trao đổi, hướng dẫn, giải thích cụ thể, bảo đảm thông suốt./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư