(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Trong giai đoạn 2016-2020, hiệu quả hoạt động của DNNN đã được cải thiện, tạo nguồn doanh thu và nộp ngân sách đáng kể. Bên cạnh đó, trên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, DNNN đang thực sự đóng vai trò chi phối như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; xây dựng, phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin; hạ tầng giao thông… DNNN có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng hoạt động của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy. Tái cơ cấu DNNN chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid19. Mặc dù các DNNN đã và đang rất nỗ lực vượt khó, tuy nhiên khó khăn và thách thức ngày nhiều do những hạn chế nội tại cố hữu của khu vực DNNN, cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi như các công nghệ lõi, công nghệ số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch, các ngành chứa đựng giá trị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cao trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp. Các DNNN cần có những thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh hoạt động đầu tư để thực hiện vai trò tiên phong trong phục hồi và phát kinh tế - xã hội của đất nước.
Do vậy, việc xây dựng Nghị quyết nhằm đưa ra các giải pháp, chiến lược đột phá liên quan đến 03 nội dung sau: Tiếp tục hoàn thiện, thể chế chính sách theo hướng tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để DNNN có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác, hoạt động theo nguyên tắc thị trường; Tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của DNNN tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Dự thảo Nghị quyết được ban hành với nhiều cơ chế, chính sách mới sẽ cùng với các nội dung của Nghị quyết số 97/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW làm cơ sở để đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN trong thời gian tới. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN, lấy thước đo hiệu quả kinh tế, các chỉ tiêu tài chính tổng thể làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp là động lực bứt phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế như năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính, công nghiệp viễn thông, công nghệ bán dẫn, công nghệ lõi./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư