(MPI) - Ngày 23/3/2022, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào đã thăm Dự án Học viện Kinh tế - Tài chính Đông Khăm Xạng; Cửa khẩu quốc tế hàng hóa Cảng cạn và Logistics Thủ đô Viêng-Chăn, Lào.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình trển khai Dự án Học viện Kinh tế - Tài chính Đông Khăm Xạng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Dự án được xây dựng với mục tiêu góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị sâu đậm giữa hai Đảng, hai Chính phủ và Nhân dân hai nước Việt Nam và Lào “ Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của quốc gia Lào hiện tại và tương lai, đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất phát triển của Học viện, trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu về tài chính hàng đầu quốc gia Lào. Giải quyết được ô nhiễm môi trường do úng ngập, hoàn thiện cảnh quan đô thị khu vực Đông Khăm Xạng nói riêng và Thủ đô Viêng Chăn nói chung.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Ủy ban hợp tác hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Dự án. Năm 2022 là năm Kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào. Việc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng dự án, trong đó có Dự án Học viện Kinh tế - Tài chính Đông Khăm Xạng là hoạt động thiết thực để chào mừng các sự kiện này, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi thăm và làm việc tại Cửa khẩu quốc tế hàng hóa Cảng cạn và Logistics Thủ đô Viêng-Chăn. Ảnh: MPI |
Thăm và làm việc tại Cửa khẩu quốc tế hàng hóa Cảng cạn và Logistics Thủ đô Viêng-Chăn, Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thỏa thuận về sử dụng cảng Vũng Áng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc hỗ trợ nước bạn Lào, quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống hữu nghị đặc biệt. Việc hiện thực hóa kết nối ra Cảng Vũng Áng sẽ phát huy được các mục tiêu mà hai Đảng, hai Nhà nước mong muốn.
Đây là dự án hạ tầng quy mô lớn, do vậy cần phải có cơ chế để huy động nguồn lực, phải lồng ghép nhiều nguồn vốn như nguồn vốn trong nước và nước ngoài, phải có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút đầu tư; phải đồng bộ các chính sách, tạo môi trường đầu tư tốt. Hình thành hạ tầng để phục vụ sản xuất, xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp nhiều cho ngân sách, nâng cao đời sống của người dân. Trong phạm vi của mình, các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Ủy ban hợp tác hai nước sẽ phối hợp, hỗ trợ để Dự án sớm được khởi công./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư