Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/04/2022-14:15:00 PM
Nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, phục hồi ngành du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
(MPI) - Tại Diễn đàn Du lịch Việt Nam 2022 “Phục hồi Du lịch Việt Nam - Định hướng mới, Hành động mới” diễn ra ngày 01/4/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trình bày tham luận về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến ngành du lịch.

Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động nhằm phục hồi các ngành kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc tham gia tọa đàm tại Diễn đàn.Ảnh: https://bvhttdl.gov.vn

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong hơn hai năm qua, ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh chung của du lịch toàn cầu, là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19; những con số sụt giảm lượng khách du lịch, những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cơ sở lưu trú, du lịch đã nói lên điều đó. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng trong thời gian diễn ra dịch bệnh mà còn tác động đến cả trong trung hạn, làm giảm thành quả trong nhiều năm nước ta phấn đấu đưa du lịch trở thàng ngành mũi nhọn.

Đầu năm 2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan, địa phương với tinh thần quyết tâm cao nhất, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để sớm đưa nền kinh tế phát triển nhanh, không lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của thế giới và khu vực.

Các chính sách trong Chương trình tập trung vào một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nền bởi đại dịch Covid-19, trong đó xác định năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về y tế, lao động, việc làm, doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng, cải thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong nhóm các nhiệm vụ, giải pháp này đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, phục hồi ngành du lịch cũng như các ngành, lĩnh vực khác trong năm 2022-2023. Một là, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh an toàn và tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023); tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Hai là, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế. Qua đó, giúp người lao động, trong đó có lao động trong ngành du lịch ổn định cuộc sống, tìm việc làm và nâng cao trình độ. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi phần lớn nhân lực của ngành du lịch, nhất là lao động làng nghề có kinh nghiệm bị ảnh hưởng do dịch và nhu cầu đào tạo lao động trong ngành này.

Ba là, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để giúp doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho các doanh nghiệp du lịch để khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đồng thời, Chương trình đã cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực ngành du lịch phát triển phục hồi. Đây là hỗ trợ mang tính bước đầu và đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, chủ động của Quỹ trong thời gian tới.

Bốn là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển để giúp tăng cường kết nối đến các khu, điểm du lịch trọng điểm, thúc đẩy các tour du lịch liên tỉnh, liên vùng, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di sản của các địa phương trong phát triển du lịch. Ngoài ra, các dự án chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch thuộc Chương trình được triển khai sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Năm là, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo ổn định các cân đối vĩ mô, qua đó tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào du lịch, giúp doanh nghiệp ngành du lịch yên tâm mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, ngành dịch vụ, du lịch dự báo có khả năng phục hồi trong năm 2022, tuy nhiên trong quá trình phục hồi của ngành được dự báo sẽ có những khó khăn, thách thức như dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, diễn biến phức tạp; giá xăng dầu tăng cao, áp lực giá tăng sản phẩm dịch vụ đầu vào của ngành du lịch; nhu cầu đầu tư của ngành rất lớn để duy trì, nâng cao chất lượng, đổi mới sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; khó khăn về thu hút, đào tạo, đào tạo lại trong ngành du lịch, nhất là nhân lực có chất lượng cao;...

Với bối cảnh như trên, cần triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi nhanh các ngành kinh tế. Theo đó, cần thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19; điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì dòng tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như của ngành du lịch.

Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ thị trường giá cả, hàng hóa, kiểm soát biến động giá cả, chủ động phương án nguồn cung đảm bảo cung ứng lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai có hiệu quả chính sách kết nối cung cầu người lao động, đào tạo, đào tạo lại; đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án thuộc Chương trình để sớm đưa nguồn vốn này vào nền kinh tế; huy động và sử dụng có hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, định vị Việt Nam là điểm đến xanh, an toàn trong khu vực và thế giới; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, chủ động rà soát các điều kiện sản xuất kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Đây là cơ hội để nhìn nhận lại những ưu điểm trong thời gian qua, nỗ lực vươn lên để đạt được những thành tựu to lớn, bền vững hơn trong thời gian tới, nâng cao văn hóa du lịch Việt Nam, trong đó cần tăng cường quản lý và khuyến khích chất lượng, cải thiện hạ tầng du lịch gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm du lịch mới; tăng cường khai thác và giới thiệu tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam; xây dựng ngành du lịch đậm đà bản sắc dân tộc, thu hút du khách đến với Việt Nam cũng như đến với mỗi vùng, miền, mỗi di tích, mỗi danh lam thắng cảnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng là cơ quan tham mưu tổng hợp sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, có các giải pháp thiết thực, mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành du lịch vươn lên phát triển thành ngành mũi nhọn trong thời gian tới. Về phía doanh nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo, vươn lên. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đang chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành du lịch cần tham gia, vào cuộc để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực du lịch./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5540
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)