Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/04/2022-16:11:00 PM
Các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025
(MPI) - Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã đưa ra năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Một là, tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, về cơ cấu lại đầu tư công, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo đạt chất lượng tương đương trung bình các nước ASEAN 4, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức lập và thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công.

Nghiên cứu xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; giải quyết những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư.

Chủ trì nghiên cứu Báo cáo Xây dựng bộ tiêu chí giám sát, đánh giá quản lý đầu tư công và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trình Thủ tướng Chính phủ năm 2023. Xây dựng các chính sách phát huy vai trò của đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân để tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước; tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các chương trình, dự án thuộc phạm vi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng vùng động lực tăng trưởng, hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, hạ tầng kinh tế số, giáo dục, y tế, văn hóa, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo đảm cân đối hơn giữa các phương thức trong phát triển hạ tầng giao thông. Xây dựng các chính sách và các biện pháp nhằm xử lý nghiêm hành vivi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ lãi suất đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh sau khi kết thúc hợp đồng vay vốn trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện kể từ ngày 01/01/2026.

Hướng dẫn phân loại dự án thuộc danh mục phân loại xanh để tổng hợp trong danh mục đầu tư công khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm làm căn cứ để Chính phủ, chính quyền địa phương lựa chọn khi phát hành trái phiếu xanh.

Hai là, phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan nghiên cứu báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm trình Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2023.

Ba là, phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện và phát huy hiệu quả mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nghị định quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Về phát triển lực lượng doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Hỗ trợ để hình thành các chuỗi giá trị, mạng sản xuất; doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, tham gia vào những khâu, công đoạn có giá trị gia tăng cao. Hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị.

Triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo nghiên cứu sử dụng hiệu quả chính sách mua sắm chính phủ để thúc đẩy kinh tế số, an toàn thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Về phát huy vai trò của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng và thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng; thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh thân thiện với môi trường.

Về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành. Thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường liên kết, giải phóng nguồn lực, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Nghiên cứu đổi mới tổ chức sản xuất, nghiên cứu áp dụng nhiều mô hình mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên hợp tác xã. Hoàn thiện cơ chế đại diện sở hữu kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Bốn là, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị -nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Quốc hội phê duyệt vào năm 2022.

Xây dựng Quy hoạch các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022. Xây dựng Đề án xây dựng và quản lý hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trình Chính phủ năm 2022.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế liên kết vùng, kiện toàn bộ máy tổ chức điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện Đề án Thể chế liên kết vùng ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò dẫn dắt của các địa phương có điều kiện và tiềm năng phát triển trong đổi mới mô hình tăng trưởng trên địa bàn các vùng kinh tế.

Xây dựng và áp dụng thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trình Chính phủ ban hành năm 2022.

Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2030 thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-TW trình Thủ tướng Chính phủ. Triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng gắn kết chặt chẽ đầu tư giữa trung ương và địa phương, giữa các địa phương để đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông nhằm nâng cao năng lực và khả năng kết nối toàn vùng. Rà soát, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội, tài nguyên và môi trường của các vùng, bảo đảm thống nhất với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Năm là, cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu điều chỉnh các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái.

Về cơ cấu lại ngành công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Đề xuất bổ sung dự án Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế trình Chính phủ xem xét.

Về cơ cấu lại các ngành dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển các ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Xây dựng các chính sách nhằm tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Thu hút đầu tư tư nhân vào các ngành dịch vụ mũi nhọn, then chốt./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1040
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)