(MPI) – Ngày 22/4/2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội nghị.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, đầu cầu trực tiếp tại hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị được kết nối từ trung ương đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở. Tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Bộ, các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bí thư (Phó bí thư) các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị, cán bộ chủ chốt các tổng cục, cục, vụ, viện và các đơn vị; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể.
Hội nghị nhằm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị đến các ban, bộ, ngành liên, địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng. Hội nghị khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mở đường cho những cơ chế chính sách mới để phát triển vùng.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo tham luận về hoàn thiện thể chế, cơ chế điều phối vùng, điều tiết phát triển vùng, tiểu Vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW với các nội dung chủ yếu đó là vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, vùng động lực với nhiều tiềm năng lợi thế phát triển và cơ hội để trở thành một cực tăng trưởng mới. Đến nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức với tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, trở thành khu vực dễ bị tổn thương nhất của cả nước về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở, xâm nhập mặn.
Một trong những nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất là chưa có một cơ chế điều phối liên kết, phát triển vùng thực sự hiệu lực, hiệu quả đủ mạnh để tạo bước phát triển đột phá cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của từng địa phương trong vùng. Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại còn hạn chế của thực trạng và điểu phối liên kết vùng của đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đó là tư duy, liên kết vùng vẫn mang tính hình thức, cát cứ, xung đột lợi ích theo xu hướng, chưa cùng nhìn về một phía nằm trong lợi ích tổng thể của cả vùng, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng chưa hiệu quả, cơ chế điều phối liên kết vùng còn nhiều bất cập, phân chia các tiểu vùng chưa được thống nhất.
|
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành và từng địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức đánh giá những kết quả đã đạt được như tồn tại hạn chế của các hoạt động liên kết vùng, đồng thời tham khảo những kinh nghiệm quốc tế để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, đưa ra được những giải pháp mang tính chiến lược, giải quyết được các thách thức của vùng, để giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và người dân trong vùng có cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng hơn.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long lên một tầm cao mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nội dung trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Thứ nhất, cần chú trọng nội dung về liên kết phát triển vùng, tiểu vùng trong quá trình lập quy hoạch tỉnh của các địa phương trong vùng, bám sát các nội dung về liên kết vùng trong quy hoạch vùng đã được phê duyệt, liên kết các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực để tích hợp vào quy hoạch tỉnh phân bố nguồn lực và không gian phát triển hợp lý để chuyển mạnh mô hình phát triển từ phân tán nhỏ lẻ sang tập trung liên kết thông qua các chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành, hành lang kinh tế, chuỗi đô thị…
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về điều phối phát triển liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trọng tâm là rà soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng các thể chế đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền nâng cao vai trò gắn với phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể giữa các Bộ, ngành, địa phương trong Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long trong đó trên cơ sở huy động các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý có kinh nghiệm, các bộ, ngành, địa phương thành lập các tiểu ban làm đầu mối để điều phối theo ngành, lĩnh vực và các tiểu vùng để tận dụng hết tiềm năng, thế mạnh, tăng cường hoạt động điều phối, giám sát và giải quyết giữa các xung đột lợi ích.
Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối góp phần kiến tạo các trục hành lang phát triển của vùng, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện các trục huyết mạch bảo đảm kết nối hài hòa, hợp lý, thúc đẩy kết nối giao thông nội vùng với thành phố Hồ Chí Minh cũng như vùng Đông Nam Bộ. Tận dụng cơ hội để đẩy nhanh tiến độ hình thành phát triển các hành lang kinh tế, đồng bộ quá trình hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm tạo không gian, động lực phát triển mới.
Thứ tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng và vận hành hiệu quả liên kết trọng yếu của vùng hướng tới mục tiêu tạo động lực đột phá, lan tỏa, kích thích phát triển với trọng tâm là phải xác định và xây dựng được liên kết giữa các trung tâm động lực của vùng, các đô thị trung tâm và vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, có liên kết chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiểu vùng Mê kông phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm phát triển vùng của thành phố Cần Thơ, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình sang kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ năm, tăng cường phối hợp trong xây dựng và thực hiện các chương trình dự án có quy mô vùng, liên vùng trong đó ưu tiên đầu tư vốn ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có tính vùng, liên vùng. Quan tâm đầu tư đột phá cho hạ tầng giao thông đường thủy, thủy lợi tạo sức chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực. Các địa phương trong vùng cần chú trọng khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực tại chỗ, đặc biệt là về yếu tố con người. Đồng thời chủ động khơi thông huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực ngoài nhà nước, đầu tư FDI, đầu tư đối tác công - tư PPP để dành cho đầu tư phát triển ở các ngành, lĩnh vực đã nêu trong Nghị quyết 13-NQ/TW.
Thứ sáu, theo sự chỉ đạo điểu hành của cấp ủy, chính quyền, địa phương đối với các vấn đề liên kết vùng nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 13-NQ/TW. Minh bạch hóa thông tin, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trong quá trình thực thi, quán triệt liên kết vùng là một nội dung quan trọng trong quá trình điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế mà địa phương đã có đồng thời ban hành ngay các kế hoạch hành động trong đó xây dựng các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền để giải quyết các vấn đề liên kết vùng.
Kết luận tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía tây nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn và tiềm năng, lợi thế to lớn cho phát triển cần được khai thác có hiệu quả hơn trên cơ sở xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về phát triển vùng, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp uỷ và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư