(MPI Portal) - Diễn đàn Hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 8, MDEC Sóc Trăng năm 2014 diễn ra tại thành phố Sóc Trăng từ ngày 05-07/11/2014 với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp – xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là Diễn đàn quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
|
Ảnh: Internet
|
Tham dự Diễn đàn có đại diện các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú trên các lĩnh vực khác nhau. Diễn đàn lần này là hoạt động thiết thực cùng cả nước thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời góp phần hiện thực hóa mong muốn về sự phồn thịnh của vùng đất giàu tiềm năng này.
Từ năm 2007 đến nay, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành một sự kiện hàng năm quan trọng thu hút sự quan tâm của các bộ ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức Quốc tế. Qua 7 lần tổ chức thành công, Diễn đàn đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, sáng kiến, cũng như thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và các vùng, miền trong cả nước, với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, góp phần không nhỏ vào việc phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong Vùng.
Diễn đàn nhằm tìm kiếm các giải pháp, tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ làm ăn, kinh doanh trên vùng đất này. Đồng thời, mục tiêu quan trọng nhất mà Diễn đàn hướng tới là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, người dân tộc, đồng bào ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của cả nước. Với tiềm năng, lợi thế đặc biệt về đất đai, mặt nước, nguồn lao động dồi dào, Vùng đóng góp 20% GDP, sản xuất trên 50% tổng sản lượng lương thực, trên 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Vùng có hệ thống sông rạch, rừng ngập mặn và nơi hội tụ, giao thoa các dòng văn hóa của dân tộc Kinh, Khơme, Chăm,… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa mang nét đặc trưng riêng biệt của vùng sông nước.
Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ như nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động xấu đến phát triển kinh tế và đời sống; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; hộ nghèo và cận nghèo còn cao, đời sống nhân dân nhìn chung còn nhiều khó khăn...
Do vậy, các hoạt động của Diễn đàn nhằm gắn kết hơn nữa với thực tiễn, giải quyết những bức xúc, những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, thông qua việc cụ thể hóa các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, các nhà khoa học, các nhà đầu tư thành cơ chế, chính sách; chủ động tạo nguồn lực, cơ chế thông thoáng, tăng cường liên kết để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, những lĩnh vực có tính lan tỏa cao nhằm đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư