Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/05/2022-09:35:00 AM
Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ
(Chinhphu.vn) - Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa là một trong những dấu ấn trong quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian qua

Giai đoạn 2011-2020, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không ngừng được mở rộng - Ảnh minh họa

Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính

Theo Bộ Công Thương, trong 10 năm (2011-2020), công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Đến nay, Việt Nam đã hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động đã ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỉ lệ nội địa hóa.

Cùng với đó, cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực. Tỉ trọng nhóm ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 8,1% năm 2016 và chỉ còn 5,55% vào năm 2020). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp.

Xét cả giai đoạn 2011-2020, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỉ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 14,27% năm 2016; 16,48% vào năm 2019 và đạt khoảng 16,7% vào năm 2020). Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%.Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo so với GDP cũng như tỉ lệ đóng góp vào công nghiệp chế biến, chế tạo toàn cầu còn hạn chế, kể cả so với các nước trong khối ASEAN. Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn chưa cao, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn. Đặc biệt, các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử Việt Nam nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc…

Phấn đấu công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa

Trên cơ sở những kết quả cũng như hạn chế nêu trên, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Cụ thể, đặt mục tiêu phấn đấu nâng tỉ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 30%; tỉ trọng công nghiệp chế tạo trong GDP tăng lên khoảng 20%...

Bộ Công Thương cũng kỳ vọng, có ít nhất 20 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xây dựng được thương hiệu trên trường quốc tế và cải thiện được vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu; công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; tỉ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp đạt trên 45%./.

NT
Chinhphu.vn

  • Tổng số lượt xem: 615
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)