(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham gia thảo luận tại Tổ 7 và phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu quan tâm.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan soạn thảo, tham mưu cho Chính phủ xây dựng báo cáo và nhấn mạnh, qua ý kiến phát biểu thảo luận tổ của các đại biểu cho thấy, đại biểu đồng tình và đánh giá cao báo cáo, những kết quả đạt được và hạn chế, đặc biệt là nội dung bổ sung của báo cáo tại kỳ họp trước. Báo cáo bổ sung, làm rõ thêm một số chỉ tiêu đạt và chưa đạt.
Với bối cảnh tình hình của năm 2021, các kết quả đạt được là rất tích cực. Đạt được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, ủng hộ của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp; đây là sự là nỗ lực và kết quả chung của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, qua bối cảnh của năm 2021 cũng cho thấy được năm 2022 còn nhiều khó khăn và cần tiếp tục làm rõ hơn để có kịch bản, giải pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đạt kết quả đề ra.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ nêu rõ trong báo cáo và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các hội nghị và thành lập 6 Tổ công tác do các Phó Thủ tướng và 02 Bộ trưởng làm trưởng Đoàn để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án đầu tư công trong kế hoạch, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Về lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đản bảo các cân đối lớn được các đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng, tập trung những tháng cuối năm.
Về công tác quy hoạch, Quốc hội đang thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này. Chính phủ đang tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch, đây là nội dung rất quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tập trung chỉ đạo thực hiện tổng kết 4 vùng kinh tế; Đối với 2 vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, Chính phủ đang xây dựng kế hoạch hành động và sẽ sớm ban hành.
Về các hoạt động thương mại đầu tư, Chính phủ tập trung theo hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế dựa vào chuyển đổi số, Chính phủ số, tập trung cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các thành phần kinh tế, các dự án thuộc các thành phần kinh tế nhằm khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng.
Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội tháng 01/2022; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ; các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao. Những kết quả đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư