(MPI) - Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" diễn ra ngày 29/5/2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự Hội nghị.
Hội nghị nhận được các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào các nhóm vấn đề nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp; tình trạng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Liên quan đến câu hỏi về sinh kế cho người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Chính phủ đã có riêng Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề này và vừa phê duyệt Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 về phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển nền tảng văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên; lấy “con người” làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân; chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Biến thách thức thành cơ hội; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng phát huy có hiệu quả các nguồn lực về con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đô thị, phát triển công nghiệp và chuyển đổi số. Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo ra sự phát triển đột phá…
Quy hoạch cũng đề ra 3 giải pháp để tạo sinh kế cho người nông dân: Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với 3 kiểu vùng; phát triển kinh tế biển; quy hoạch mạng lưới thuỷ lợi với hệ thống cống, đê bao quanh với trạm bơm tưới tiêu cung cấp nguồn nước.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, khi thực hiện các giải pháp này thì câu hỏi đặt ra là nguồn lực thế nào? Chính phủ xác định nguồn lực xã hội hóa kết hợp ngân sách Nhà nước. Riêng với nguồn ngân sách, giai đoạn 2021-2025, trong kế hoạch đầu tư trung hạn, Chính phủ bổ sung tăng đầu tư hạ tầng thuỷ lợi, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng chống sạt lở,…
Đồng thời, ngay trong Chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ đã đề nghị bổ sung 2600 tỷ đồng đầu tư cho chống sạt lở, xử lý vấn đề xâm nhập mặn. Ngoài ra, trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dành khoảng 2000 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ sinh kế cho bà con nông dân.
Đây cũng là vùng đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng giai đoạn 2021-2025 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng Hội đồng 4 Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều này thể hiện sự sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những cơ chế đặc biệt dành cho vùng để thúc đẩy phát triển bền vững vùng, bảo đảm sinh kế của người dân, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề lớn, tầm chiến lược về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời đánh giá cao tinh thần dân chủ, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở của các đại diện nông dân, các chuyên gia, các doanh nghiệp và đại biểu, đặc biệt là những vấn đề thảo luận rất trúng và thiết thực đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.
Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, triển khai các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn và yêu cầu cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư với vai trò dẫn dắt của nhà nước.
Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh, khuyến khích khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến để cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư